Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Ứng dụng di truyền phân tử và di truyền số lượng chọn giống nâng cao tốc độ sinh trưởng cá Tra (Pangasianodon hypopht...

Tin tức sự kiện Tin tức nổi bật  
Ứng dụng di truyền phân tử và di truyền số lượng chọn giống nâng cao tốc độ sinh trưởng cá Tra (Pangasianodon hypophthalmus)
Cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) là loài nuôi phổ biến ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Sản lượng nuôi cá tra ước tính đạt khoảng 300.000 tấn năm 2004, đạt 1,2 triệu tấn năm 2007 và duy trì gần tương đương sản lượng này trong các năm tiếp theo. Tính đến tháng 8 năm 2016, diện tích nuôi cá tra ở Đồng bằng Sông Cửu Long là 3.200 ha (bằng so với cùng kỳ năm 2015), sản lượng đạt gần 525 ngàn tấn, năng suất trung bình đạt 313 tấn/ha. Về sản xuất giống trong năm 2016, Đồng bằng sông Cửu Long có 108 cơ sở cho sinh sản nhân tạo cá tra, 1.856 hộ ương dưỡng cá giống với diện tích khoảng 1.500 ha, sản lượng cá bột sản xuất ước đạt khoảng 16,5 tỷ con tăng 1,0% so với cùng kỳ, tập trung tại các địa phương trọng điểm về sản xuất giống như Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long.



Cá tra được xác định là sản phẩm quốc gia được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 439/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính phủ ngày 16/4/2012 và là đối tượng chủ lực để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp với giá trị xuất khẩu trên 1,5 tỷ USD. Một trong những vướng mắc trong nghề nuôi cá tra trước năm 2011 là cá bố mẹ có nguồn gốc không rõ ràng và không được tuyển chọn, kích thước cá bố mẹ nhỏ, kỹ thuật nuôi vỗ thành thục chưa đạt, đẻ ép, khai thác quá mức do đẻ nhiều lần trong năm. Đa số cá bố mẹ được tuyển chọn từ các ao nuôi thịt chiếm 57,4%, một số thu từ tự nhiên và rất ít cá từ chọn giống. Để sản phẩm cá tra dễ dàng xâm nhập vào thị trường thế giới, giữ vững vị thế thì việc nuôi cá xuất khẩu phải sản xuất theo hướng bảo vệ môi trường sinh thái và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Gần đây, một số tiêu chuẩn quốc tế về nuôi cá tra đòi hỏi phải nuôi theo hướng bền vững như AquaGap, Global GAP, ASC, v.v... Các qui chuẩn đòi hỏi phải áp dụng nghiêm ngặt từ khâu nuôi vỗ cá bố mẹ đến cá thành phẩm xuất khẩu, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc cần phải được thực hiện. Ngoài ra, nhu cầu con giống chất lượng cao, cụ thể có tốc độ tăng trưởng nhanh là đòi hỏi cấp thiết của người nuôi. Chương trình phát tán giống thông qua dự án cấp Bộ đã chuyển giao được 101.000 cá hậu bị đến các trại sản xuất giống ở Đồng Bằng Sông Cửu Long trong năm 2010-2011. Tuy nhiên, chúng chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu cá bố mẹ. Do đó, nhu cầu phát tán đàn cá bố mẹ nhằm thay thế đàn cá chưa qua chọn lọc và thay thế bổ sung đàn cá chọn giống đã phát tán sau thời gian khai thác là còn rất lớn. Để con giống đã qua chọn lọc thực sự thuyết phục người sử dụng, đàn cá cần được chọn lọc thêm một số thế hệ nữa nhằm nâng cao và dần tiến đến ổn định hiệu quả chọn lọc của tính trạng tăng trưởng phục vụ cho phát tán. Một trong những chỉ tiêu đánh giá quần thể chọn giống sau khi tích hợp có đáp ứng cho chọn lọc tiếp theo hay không là các thông số di truyền được trình bày trong báo cáo này như hệ số di truyền ước tính và hiệu quả chọn lọc thực tế của khối lượng lúc thu hoạch.

Xuất phát từ thực tế trên, mục tiêu chung của đề tài “Ứng dụng di truyền phân tử và di truyền số lượng chọn giống nâng cao tốc độ sinh trưởng cá Tra (Pangasianodon hypophthalmus)” do TS. Nguyễn Văn Sáng, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II làm chủ nhiệm được đặt ra là tạo ra giống cá tra sinh trưng nhanh. Trong đó, mục tiêu cụ thể là: 1) xác định được phương án kết nối quần thể nhằm nâng cao đa dạng di truyền và hiệu quả chọn lọc cho giai đoạn tiếp theo; 2) cở cở dữ liệu về bộ chỉ thị bao gồm 10- 12 microsatellite cho xác định phả hệ cá tra chọn giống; 3) xác định được hệ số di truyền thực tế về sinh trưởng của cá tra thế hệ G2-chung và hệ số di truyền ước tính về tốc độ sinh trưởng cá tra thế hệ G3; 4) tạo quần thể cá tra bố mẹ chọn giống thế 3 hệ G3-cộng gộp chọn từ ít nhất 100 gia đình, 650 con, 3,5 kg/con và có hiệu quả chọn lọc ước tính tăng 5-10% mỗi thế hệ.

Sau một thời gian thực hiện, đề tài đã thu được một số kết quả nổi bật như sau:
Dựa trên số liệu các thông số di truyền các quần thể chọn giống thế hệ trước, của thế hệ hiện tại và kết quả nghiên cứu mô phỏng và đóng góp tối ưu OC đã xác định được:
+ Tỷ lệ ghép các quần thể G3-2001, G2-2002 và G2-2003 với nhau là 41,0%:24,3%:34,7% để thành lập quần thể chọn giống G3-cộng gộp với 170 phép phối, hiệu quả chọn lọc ước tính tăng 1,6 lần và tỷ lệ cận huyết ước tính ở thế hệ sau đạt 0,246% (dưới mức khuyến cáo là 0,25%)
+ Đề xuất danh sách cá thể chọn lọc G3-cộng gộp 600 con với hiệu quả chọn lọc ở đàn con tăng 1,14 lần và tỷ lệ cận huyết ước tính ở thế hệ sau đạt 0,13% (dưới mức khuyến cáo là 0,25%)
+ Đề xuất danh sách 250 phép phối giữa quần thể G3-cộng gộp (tỷ lệ 87,9%) và G3-2002 (tỷ lệ 12,1%) với hiệu quả chọn lọc ở đàn con tăng 1,5 lần và tỷ lệ cận huyết ở thế hệ sau nhỏ hơn 0,25%.

Nghiên cứu đã xác định được 11 chỉ thị phân tử microsatellite tiềm năng CB12, CB13, CB14, CB15, CB18, CB19, Ph7, Ph21, Phy01, Phy03 và PSP-G579 cho phân tích truy xuất phả hệ cá tra, trong đó 8 chỉ thị CB13, CB14, CB15, CB18, CB19, Phy01, Phy03 và PSP-G579 được kiểm nghiệm trên 5 gia đình (được giấu phả hệ) cho khả năng truy xuất đạt 88,0%.

Hệ số di truyền ước tính cho trọng lượng thu hoạch quần thể G3-2002 cao 0,36 và hiệu quả chọn lọc trọng lượng thu hoạch của quần thể ở mức trung bình 5,2%. Kết quả chọn được 600 con chọn lọc và 50 con đối chứng.

Quần thể chọn giống G3-cộng gộp tích hợp từ bố mẹ quần thể G3-2001, G2-2002 và G2-2003 có hệ số di truyền ước tính tính trạng trọng lượng thu hoạch cao (0,51), hiệu quả chọn lọc thực tế đạt trung bình 7,0%/thế hệ (tính theo EBV) và 10,6%/thế hệ (tính theo LSM). Kết hợp ước tính giá trị chọn giống EBV và sử dụng đóng góp 76 tối ưu OC đã lựa chọn được 1.230 cá thể chọn lọc và 111 con đối chứng quần thể G3-cộng gộp. Những các thể chọn lọc này khi tham gia sinh sản ở thế hệ sau sẽ cho hiệu quả chọn lọc cao (ước tính 14%) và tỷ lệ cận huyết thấp (ước tính 0,13%).

Với hệ số di truyền chọn lọc ước tính và thực tế, hiệu quả chọn lọc thực tế cao và tỷ lệ cận huyết thấp, quần thể G3-cộng gộp và G3-2002 là quần thể tốt để sử dụng cho chọn giống tiếp theo hoặc sản xuất đàn hậu bị cho phát tán.

http://www.vista.gov.vn