Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Sự hình thành và phát triển Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nam

Giới thiệu chung Quá trình hình thành và phát triển của cơ quan  
Sự hình thành và phát triển Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nam

Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2013 đã chính thức lấy ngày 18 tháng 5 là Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Việc luật hoá Ngày Khoa học và Công nghệ đã đánh dấu sự đặc biệt quan tâm của Đảng, Nhà nước, của nhân dân đối với vai trò, trọng trách của Khoa học và Công nghệ trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với mục tiêu “phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại", Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã nhấn mạnh: “Phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh".

Xác định vai trò quan trọng của KH&CN đối với quá trình phát triển kinh tế, xã hội tỉnh nhà, trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển, được sự quan tâm chỉ đạo toàn diện của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, chỉ đạo sát sao về chuyên môn của Bộ Khoa học và Công nghệ và sự phối hợp, giúp đỡ tạo điều kiện thuận lợi của các cơ quan, ban ngành, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao. Nhờ đó, việc triển khai các hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh gặp nhiều thuận lợi và đạt được nhiều kết quả nổi bật, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội tỉnh nhà.

  1. Về xây dựng đội ngũ cán bộ của ngành

Những năm đầu tái lập tỉnh, trong điều kiện khó khăn cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, đặc biệt là thiếu đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý khoa học và công nghệ (chỉ có 5 người). Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực, phấn đấu, chủ động khắc phục khó khăn, đội ngũ cán bộ của ngành ngày càng trưởng thành và lớn mạnh, trình độ ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ. Hiện, Sở Khoa học và Công nghệ có 51 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, trong đó 03 người có trình độ Tiến sỹ, 8 người có trình độ Thạc sỹ và 40 người có trình độ Đại học. Ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ ngày càng được nâng cao; tích cực học tập, rèn luyện, tu dưỡng về phẩm chất đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Có được kết quả trên, trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển, Sở luôn nhận được sự quan tâm của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh, tỉnh đã có cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút đối với cán bộ khoa học có trình độ cao, các nghệ nhân thợ giỏi về công tác tại tỉnh. Bên cạnh đó, Sở luôn tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ được nghiên cứu, học tập và cống hiến. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ được đổi mới toàn diện trên các mặt như: Tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, phân cấp quản lý, quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ, thực hiện dân chủ, công khai, đúng quy định. Coi đội ngũ trí thức khoa học công nghệ là một trong những lực lượng sáng tạo, góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ về chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh.

2. Công tác quản lý các nhiệm vụ khoa học công nghệ

 Với định hướng gắn nghiên cứu với thực tiễn, từ năm 1997 đến nay, tỉnh ta đã triển khai 250 nhiệm vụ KH&CN, trong đó có 20 nhiệm vụ cấp trung ương và 230 nhiệm vụ cấp tỉnh. Nhìn chung, các nhiệm vụ khoa học được triển khai đã bám sát định hướng phát triển khoa học và công nghệ, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giải quyết các vấn đề cấp thiết ở các địa phương trong tỉnh và mang lại hiệu quả cả về kinh tế và xã hội.

Trong lĩnh vực nông nghiệp: Nhiều kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp được áp dụng vào sản xuất và đời sống, được duy trì và nhân rộng, tiêu biểu như dự án: Xây dựng mô hình sản xuất một số tổ hợp lúa lai F1; dự án Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao; dự án: Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình nuôi bò sinh sản và nuôi vỗ béo bò thịt; dự án Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình trang trại sản xuất dê giống và mô hình chăn nuôi dê thương phẩm trên địa bàn huyện Kim Bảng; đề tài: Nghiên cứu, ứng dụng  tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình trồng cam chín sớm CS1 tại xã Văn Lý, huyện Lý Nhân; Đặc biệt là Dự án ứng dụng công nghệ tiên tiến xây dựng mô hình sản xuất lan Hồ Điệp theo quy mô công nghiệp tại Bình Lục: đã xây dựng được mô hình sản xuất lan Hồ Điệp trong nhà lưới hiện đại với trên 500 m2, sản lượng đạt được trong thời gian thực hiện dự án là 35.000 cây lan Hồ Điệp, đã tăng giá trị thu nhập từ 50-60 triệu đồng/ha lên 150 - 200 triệu đồng/ha đối với mô hình trồng hoa ngoài tự nhiên và 300 - 500 triệu đồng/ha với mô hình trồng hoa trong nhà lưới. Hay như Dự án Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, phát triển nghề nuôi ong mật theo hướng sản xuất hàng hóa tại huyện Kim Bảng, đã chuyển giao 10 quy trình kỹ thuật và công nghệ phù hợp với điều kiện của địa phương. Trong lĩnh vực này, còn có các Dự án Nghiên cứu ứng dụng một số công nghệ tiên tiến tăng hiệu quả sử dụng thức ăn và phòng bệnh trong chăn nuôi bò sữa ở tỉnh Hà Nam: đã xây dựng thành công các quy trình xử lý hạt giống bằng các hạt kim loại đồng, sắt, coban và sử dụng phân bón sinh học Albit để tăng sản lượng thức ăn xanh từ ngô; ủ thức ăn xanh sử dụng bentonite; sử dụng chế phẩm bentonite làm phụ gia thức ăn chăn nuôi cho bò sữa và bê...

Trong lĩnh vực công nghiệp: Với mục tiêu, tận dụng hợp lý nguồn phế thải từ ngành khai thác đá vật liệu xây dựng tại địa phương tạo ra sản phẩm có hiệu quả kinh tế cao góp phần vào việc phát triển bền vững bảo vệ môi trường, dự án ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất cát nghiền từ nguyên liệu đá mạt tại Hà Nam đã xây dựng thành công mô hình sản xuất cát nghiền từ nguyên liệu đá mạt. Kết quả của dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng, đã tạo ra một loại vật liệu mới thay thế hoàn toàn vật liệu truyền thống với giá thành tương đương, đặc biệt là góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ dòng chảy và hạn chế khai thác cát tự nhiên, tạo thêm công ăn việc và thu nhập cho lao động địa phương.

Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường: Các nhiệm vụ triển khai đã chú trọng đến vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi như: Phát triển mô hình chăn nuôi lợn sử dụng đệm lót sinh học; đề tài: Nghiên cứu ứng dụng công nghệ xử lý chất thải ở trang trại chăn nuôi lợn để sản xuất phân bón và làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại huyện Thanh Liêm", đã hoàn thành các quy trình xử lý phế thải rắn làm phân viên hữu cơ, quy trình xử lý nước thải chăn nuôi lợn; mô hình công nghệ xử lý nước thải chăn nuôi lợn đạt tiêu chuẩn nước thải loại B có thể tái sử dụng, công suất 100m3/ngày. Đề tài đã góp phần làm cơ sở khoa học cho việc xử lý chất thải ở trang trại chăn nuôi lợn; môi trường nước, không khí khu vực trang trại chăn nuôi lợn được cải thiện; tác động tốt tới tâm lý của cộng đồng dân cư; mô hình mẫu có thể làm minh họa trực quan để các trang trại xung quanh đến học hỏi về giải pháp xử lý phân và nước thải chăn nuôi, góp phần nhân rộng ra các trang trại chăn nuôi khác. Hay như đề tài: Ứng dụng chế phẩm sinh học để xử lý mùi hôi và chất thải rắn chăn nuôi bò sữa làm phân bón hữu cơ đa chức năng phục vụ canh tác nông nghiệp...

Lĩnh vực Y học: Xây dựng thành công và duy trì Mô hình cấp cứu trước bệnh viện; Hoàn thành đề tài nghiên cứu về phòng chống thiếu máu thiếu sắt, qua đó đã góp phần thiết thực giảm tỷ lệ thiếu máu thiếu sắt ở bà mẹ và trẻ em, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi năm 2015 còn 13% (vượt chỉ tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ lần thứ XVIII đề ra). Hay như đề tài: Xây dựng hệ thống cấp cứu đột quỵ não và ứng dụng điều trị tiêu huyết khối Alteplase cho bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não cấp tính ở Hà Nam, đã nâng cao chất lượng cấp cứu, điều trị, chăm sóc, điều trị dự phòng làm giảm tỷ lệ tử vong, di chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau đột quỵ não, góp phần tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân, gia đình và xã hội. Đề tài: “Ứng dụng phương pháp đẻ không đau cho sản phụ bằng kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng, đã ứng dụng thành công kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng để giảm đau trong chuyển dạ đẻ cho 100 sản phụ tại Bệnh viện Sản- Nhi tỉnh Hà Nam. Kết quả, các sản phụ đã có quá trình vượt cạn nhẹ nhàng, nhanh và em bé không bị sang chấn.

Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn: Có các đề tài: Nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn cuốn sách “Tướng lĩnh và Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân quê hương Hà Nam (1945-2015)" và Nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn cuốn sách “Văn hiến Hà Nam - Truyền thống và hiện đại" do Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Nam chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Đề tài Danh nhân Bùi Văn Dị - Cuộc đời và sự nghiệp; Đề tài Nghiên cứu các giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi bộ; Nâng cao chất lượng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; Nghiên cứu biên soạn bài giảng lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Nam; Đề tài Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn về xã hội hoá hoạt động khoa học và công nghệ tỉnh Hà Nam... Các đề tài, đề án này đã phục vụ thiết thực công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, các đoàn thể vững mạnh, tạo cơ sở, nền tảng để phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Lĩnh vực sở hữu trí tuệ: Từ năm 2006 đến nay, Hà Nam đã xây dựng và triển khai thực hiện nhiều dự án thuộc Chương trình Hỗ trợ Phát triển tài sản trí tuệ (Chương trình 68) cho các đặc sản của địa phương. Từ hiệu quả của chương trình 68, Sở KH&CN đã tham mưu với UBND tỉnh triển khai các dự án bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với các sản phẩm làng nghề truyền thống lấy nguồn từ kinh phí sự nghiệp khoa học của tỉnh. Đến nay, 12 sản phẩm của 6/6 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh có sản phẩm được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý đó là: lụa Nha Xá, Trống Đọi Tam, Gà móng Tiên Phong, rượu Bèo (Duy Tiên); cá kho Nhân Hậu, bánh đa nem làng Chều, chuối ngự Đại Hoàng (Lý Nhân); rượu Vọc, lợn sạch Ngọc Lũ (Bình Lục); gốm son Quyết Thành (Kim Bảng); thêu ren Thanh Hà (Thanh Liêm); bánh đa sợi, miến Bích Trì (Phủ Lý). Bên cạnh đó, tỉnh ta cũng đã xây dựng thành công và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp Giấy Chứng nhận nhãn hiệu Chứng nhận Hà Nam cho 10 nhóm sản phẩm. Hà Nam là tỉnh đầu tiên trong cả nước xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho các nhóm sản phẩm.

3. Công tác quản lý công nghệ và thị trường công nghệ

Những năm qua, hoạt động quản lý công nghệ được chú trọng, qua đó đã chặn kịp thời công nghệ lạc hậu đưa vào địa phương. Sở Khoa học và Công nghệ đã thực hiện góp ý, thẩm định về công nghệ và tham gia hội đồng đánh giá tác động môi trường đối với gần 50 dự án đầu tư. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tích cực đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hằng năm, Sở tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia Chợ Công nghệ và Thiết bị của Quốc gia và khu vực để các tổ chức, cá nhân gặp gỡ, trao đổi, quảng bá, tuyên truyền các thành tựu khoa học công nghệ, đồng thời nâng cao nhận thức về thị trường công nghệ.

Trong những năm gần đây, hoạt động Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là chủ đề đang được lãnh đạo Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Đúng vào Ngày Khoa học và Công nghệ cách đây bốn năm (ngày 18 tháng 5 năm 2016), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 844/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (gọi tắt là Đề án 844). Kể từ đó, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp rất tích cực triển khai các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TƯ ngày 01 tháng 11 năm 2012 của Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, tỉnh Hà Nam đã và đang đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng các tổ chức KH&CN trọng điểm theo mô hình tiên tiến; thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp; phát triển mạng lưới tổ chức dịch vụ KH&CN, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ mới; đồng thời khuyến khích hình thành các vườn ươm công nghệ và ươm tạo doanh nghiệp KH&CN. Hiện nay, tỉnh Hà Nam có 6 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận Doanh nghiệp KH&CN. Quá trình hoạt động của các doanh nghiệp này bước đầu khẳng định khả năng đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào thực tiễn sản xuất, góp phần tạo ra một số mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1722/KH-UBND về Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2025. Theo kế hoạch, giai đoạn 2018 - 2025, hỗ trợ khoảng 20 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó có từ 5 đến 7 doanh nghiệp KH&CN.

4. Công tác cải cách hành chính

Xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng của ngành, bám sát vào các văn bản của Tỉnh và Trung ương, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao, Sở Khoa học và Công nghệ đã xây dựng kế hoạch của ngành, cụ thể hoá nhiệm vụ cải cách hành chính có trọng tâm, trọng điểm với những nội dung, giải pháp tổ chức thực hiện cụ thể trên 6 lĩnh vực cải cách hành chính, trong đó trọng tâm là công tác cải cách thủ tục hành chính với quyết tâm giảm từ 30 - 50% thời gian thực hiện. Phấn đấu 100% các thủ tục hành chính được thực hiện trực tuyến mức độ 3, 4. Năm 2018, chỉ số cải cách hành chính của Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục giữ vững thứ hạng xuất sắc. Đây là năm thứ 4 liên tiếp Sở Khoa học và Công nghệ giữ vững thứ hạng xuất sắc về chỉ số cải cách hành chính. Hiện, Sở có 63 thủ tục hành chính (trong đó có 60 thủ tục hành chính được thực hiện trực tuyến mức độ 3, 03 thủ tục hành chính thực hiện trực tuyến mức độ 4. Các thủ tục hành chính này đều được giải quyết xong trước và đúng hẹn, đúng nguyên tắc và quy trình tiếp nhận, xử lý.

5. Công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN

Những năm qua, công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng luôn được đẩy mạnh, tạo môi trường thuận lợi cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hoá và dịch vụ. Sở đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng ở địa phương làm tốt công tác kiểm tra, thanh tra về chất lượng, ghi nhãn hàng hóa và đo lường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn bán, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho các cơ sở sản xuất và người tiêu dùng.

Về cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hà Nam: Sở Khoa học và Công nghệ đã cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hà Nam cho 17 tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, chủ yếu cho các sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp như: Dưa lưới chất lượng cao, Long nhãn, Ngô sấy, Khoai lang sấy, Chuối sấy, Sen sấy, Mộc nhĩ khô, Nấm linh chi, Nấm Rơm, cá kho... Các sản phẩm sau khi được cấp chứng nhận đã khẳng định được thương hiệu và chất lượng trên thị trường trong nước và quốc tế.

Với vai trò là cơ quan thường trực, Sở Khoa học và Công nghệ đã hoàn thành tốt vai trò làm đầu mối duy trì áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 tại 25 Sở, ngành, huyện/thành phố; 29 cơ quan, đơn vị, UBND các phường. Năm 2018, đã mở rộng triển khai áp dụng ISO 9001:2015 vào hoạt động tại 72 xã, phường, thị trấn và 01 chi cục; phối hợp tổ chức các khoá đào tạo chuyên gia đánh giá nội bộ hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 cho cán bộ phụ trách công tác triển khai xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015. Qua đó góp phần duy trì và nâng cao chỉ số cải cách hành chính của tỉnh.

6. Công tác thanh tra

Trong những năm qua, Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác để đạt được mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ của hoạt động thanh tra khoa học và công nghệ, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm. Kết quả thanh tra được đánh giá là có nhiều tiến bộ và đạt được những kết quả tích cực, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các tổ chức cá nhân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý về khoa học và công nghệ, bảo vệ quyền và lợi ích người tiêu dùng.

Từ năm 2011 đến năm 2018, Thanh tra Sở đã triển khai thanh tra đối với 561 tổ chức, cá nhân. Trong đó có 04 cuộc thanh tra hành chính, 02 cuộc thanh tra giải quyết khiếu nại tố cáo. Qua đó, phát hiện vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 15 trường hợp, với tổng số tiền 33.820.000 đồng.

7. Công tác quản lý khoa học công nghệ cơ sở

`Hoạt động khoa học và công nghệ các huyện và thành phố Phủ Lý đã có những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhiều hoạt động được triển khai hiệu quả. Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, Phòng Kinh tế thành phố đã chú trọng hướng dẫn các xã, thị trấn đổi mới cơ cấu mùa vụ, nhân rộng các mô hình sản xuất điển hình; Triển khai các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng công nghiệp, kinh tế trang trại, gia trại như: mô hình nuôi ngan, vịt an toàn sinh học tại các xã Mộc Nam, Trác văn, Châu Giang; mô hình phát triển chăn nuôi bò sữa tại các huyện: Duy Tiên, Lý Nhân, Thanh Liêm, Kim Bảng; Chăn nuôi bò thịt tại huyện Bình Lục; mô hình nuôi dê sinh sản tại Kim Bảng; Chăn nuôi lợn tại Bình Lục và tại các địa phương. Đồng thời, tích cực tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, các huyện, thành phố đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền về hoạt động khoa học và công nghệ trên phương tiện thông tin đại chúng. Duy trì hoạt động của các trạm cân đối chứng tại các chợ đầu mối trên địa bàn các xã, thị trấn đã góp phần ngăn chặn tình trạng gian lận về đo lường trong thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

8. Công tác ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và kiểm định kiểm nghiệm

Những năm qua, công tác ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất được đẩy mạnh. Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và Kiểm định, kiểm nghiệm thuộc Sở Khoa học và Công nghệ đã tiếp nhận chuyển giao công nghệ và tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều nhiệm vụ khoa học công nghệ. Các nhiệm vụ được triển khai đều mang tính cấp thiết, phục vụ tích cực cho sản xuất, chăn nuôi, nâng cao thu nhập, đời sống nhân dân.Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã xây dựng phòng LAS XD - 408 và hoàn chỉnh phòng thí nghiệm đa năng và đã kiểm định, kiểm nghiệm,thử nghiệm được hàng trăm nghìn phương tiện đo và mẫu các loại.

9. Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật

Hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, ngành quan tâm đúng mức và từng bước phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, tạo động lực trong lao động sản xuất, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong giai đoạn từ năm 1997 đến nay, toàn tỉnh đã có hàng nghìn sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đề tài, kinh nghiệm giảng dạy được công nhận, áp dụng, gần 100 giải pháp, công trình, đề tài đạt giải tỉnh; 12 giải trung ương. Trong đó, nhiều sáng kiến là các giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp, giải pháp kỹ thuật được áp dụng không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn có ý nghĩa xã hội sâu sắc, giải quyết các vấn đề thực tiễn tại các cơ quan, đơn vị và các địa phương, tiêu biểu như: sáng kiến Khắc phục hiện tượng dừng máy nghiền liệu 1233 do quá tải xích cào 1235 bằng giải pháp thay xích cào bằng băng tải cao su hay Giải pháp khắc phục sự cố hỏng Hộp giảm tốc phân ly của Máy nghiền xi măng Dây chuyền 1 Hạng mục 1658 của nhóm tác giả Công ty Cổ phần Xi măng ViCem Bút Sơn; Đẩy mạnh giải pháp hệ thống đếm sản phẩm tại Công ty Cổ phần Xi măng Xuân Thành; Giải pháp phát triển sản xuất nông sản sạch làm vệ tinh, liên kết với các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao của tác giả Ngô Mạnh Ngọc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. tham gia Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc, Hà Nam đã đạt nhiều giải cao, tiêu biểu như đề tài Mô hình tàu đệm từ của em Vũ Xuân Khải, học sinh Trường Trung học cơ sở Đạo Lý, Lý Nhân đạt giải Nhất và đạt huy chương đồng tại cuộc thi quốc tế tổ chức tại Đài Loan. Hay như giải pháp Cặp phao cứu sinh của em Lê Trọng Hiếu, ở xã Nhật Tân (Kim Bảng) cũng đã đạt giải quốc tế. Các sáng kiến được áp dụng trong sản xuất, đời sống không chỉ mang lại lợi ích to lớn về mặt kinh tế mà còn mang lại giá trị, lợi ích thiết thực về mặt xã hội. Ngoài những tác giả sáng kiến là cán bộ, kỹ sư còn có những người nông dân chất phác xuất phát từ lao động thực tế cũng có những sáng kiến được áp dụng hiệu quả trong sản xuất. Tiêu biểu trong phong trào này là ông Đinh Công Viên ở xã Khả Phong, anh Trần Văn Lượng, ở xã Nhật Tựu (Kim Bảng), hay ông Nguyễn Văn Lãm ở xã Thanh Nguyên (Thanh Liêm).

10. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên

Đảng ủy và các Chi bộ đã thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao cảnh giác cách mạng, cảnh giác trước những âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, những thông tin sai bản chất sự việc, hiện tượng cho cán bộ, đảng viên, thông qua các hoạt động tuyên truyền mừng Đảng, mừng xuân, mừng đất nước đổi mới, các ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn trong năm; triển khai tổ chức thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết trung ương 4 Khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa" trong nội bộ. Xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương IV (khóa XI, khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; tổ chức thực hiện Chương trình hành động số 32-CTHĐ/TU ngày 26/12/2016 của Tỉnh ủy Hà Nam thực hiện Nghị quyết Trung ương IV (khóa XII). Nghị quyết Trung ương 6 về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả và tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Tổ chức cho cán bộ, đảng viên, quần chúng đăng ký thực hiện làm theo Bác gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương IV (khóa XII).

Qua các hoạt động này đã giúp cán bộ, đảng viên có những nhận thức đúng đắn, quan điểm lập trường, tư tưởng chính trị luôn vững vàng, không giao động trước mọi diễn biến của tình hình, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và công cuộc đổi mới của đất nước; thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Với sự phấn đấu, tìm tòi, lao động sáng tạo, vượt khó của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động qua các thế hệ, Ngành KH&CN tỉnh Hà Nam đã vinh dự được Nhà nước, Bộ KH&CN, UBND tỉnh tặng nhiều phần thưởng cao quý. Năm 2011 được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Năm 2019 được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Năm 2017, cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ./.

 

​ 


Tin liên quan