Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bảo tồn và phát huy điểm tham quan du lịch nhà Bá Kiến

Tin tức sự kiện Tin tức nổi bật  
Bảo tồn và phát huy điểm tham quan du lịch nhà Bá Kiến
Những ngày tháng Bảy lịch sử, chúng tôi về Hòa Hậu (Lý Nhân, Hà Nam) thăm ngôi nhà có tuổi đời hơn 100 năm, lâu nay được người dân gọi bằng cái tên rất đỗi thân thương: Nhà Bá Kiến - nhân vật trong tác phẩm “Chí Phèo" của Nhà văn, Liệt sỹ Nam Cao. Trải qua nhiều thăng trầm, ngôi nhà giờ đây được coi là “báu vật" của làng Đại Hoàng, là địa điểm tham quan độc đáo của Hà Nam.

Những ngày tháng Bảy lịch sử, chúng tôi về Hòa Hậu (Lý Nhân, Hà Nam) thăm ngôi nhà có tuổi đời hơn 100 năm, lâu nay được người dân gọi bằng cái tên rất đỗi thân thương: Nhà Bá Kiến - nhân vật trong tác phẩm “Chí Phèo" của Nhà văn, Liệt sỹ Nam Cao. Trải qua nhiều thăng trầm, ngôi nhà giờ đây được coi là “báu vật" của làng Đại Hoàng, là địa điểm tham quan độc đáo của Hà Nam.

Nhà Bá Kiến là kiểu nhà 3 gian cất theo lối kiến trúc truyền thống Bắc Bộ những năm đầu thế kỉ 20, trước đây còn hai dãy nhà ngang nữa, nhưng giờ đã mất dấu. Nhà tọa lạc trên khu đất rộng khoảng 900m², cửa hướng Tây - Nam, vườn trước vườn sau đều trồng chuối ngự. Gian giữa kê bàn thờ và bộ tràng kỉ, gian bên phải kê một chiếc giường và trên vách tường treo tấm biển ghi tên 7 đời chủ của ngôi nhà. Toàn bộ gỗ đều bằng gỗ lim, trong đó 4 hàng cột với tổng cộng 16 cây cột lim, mỗi chân cột đều được kê đá tảng xanh bề thế. Trên các văng, kèo, li tô được chạm khắc nhiều chữ Nho, hình rồng, phượng. Gạch dùng xây tường, lát nền nhà và lát sân trước nhà đều là gạch nung bằng rơm. Thời đó chưa có xi măng nên người ta trộn mật mía, bồ hóng vào vôi và thêm một số phụ gia khác để làm thành hồ xây nhà. Mái nhà lợp duy nhất một loại ngói ta theo kiểu bít đốc, hai đầu bờ nóc có đấu vuông giật cấp theo đúng nhà truyền thống Bắc Bộ xưa. Hiện tường nhà đã được trát lại, còn mái ngói vẫn chắc chắn, chưa phải tu sửa mà không bị dột. Diện tích mặt sân trước nhà khoảng 70 m2. Phía trước sân có một bể nước hình chữ nhật khoảng 2m2.

Theo các cụ cao niên trong làng, xưa kia ngôi nhà này có nhiều thứ rất quý giá như: tranh, ảnh, hoành phi, câu đối cổ… nhưng đã bị bán và mối mọt hết. Ngôi nhà còn suýt bị “khai tử" khi có người định mua để xẻ gỗ bán, và có lần Pháp dọa đốt phá, may mắn cả hai lần đều có sự can ngăn kịp thời.

Bẩy đời chủ của ngôi nhà đều có chung đặc điểm là giàu có nhưng lụn bại dần. Một số người chết trong bần hàn, đau khổ dù trước đó là đại điền chủ giàu sang khét tiếng. Người chủ đầu tiên là cụ Trần Duy Hanh (Cựu Hanh), một lái buôn giàu có nổi tiếng trong vùng. Năm 1904, cụ Hanh thuê 20 thợ tài hoa làm nghề mộc ở phủ Lý Nhân về làm ròng rã gần 1 năm mới xong. Cụ Hanh mất, ngôi nhà được người con trai là ông Trần Duy Xầm thừa kế. Khi ông Xầm mất, ngôi nhà được giao cho con trai là Trần Duy Cát (Cựu Cát). Là người chơi bời, rượu chè nên Cựu Cát nhiều lần vay tiền Bá Bính - một địa chủ giàu có, lại là ngụy viên Bắc Kỳ thời Pháp thuộc. Trong một canh bạc, Cựu Cát không còn chút tài sản trong người đã liều một phen “đỏ đen" đặt cược chính ngôi nhà mình đang ở, kết cục là ngôi nhà đã thuộc về tay Bá Bính - nguyên mẫu của nhân vật Bá Kiến trong tác phẩm “Chí Phèo" của Nam Cao. Khi Bá Bính qua đời, ngôi nhà truyền lại cho con trai là Trần Duy Tảo (còn gọi là Binh Tảo). Tuy nhiên, với bản tính chơi bời, nghiện rượu, Binh Tảo đã mang đồ đạc đi cầm cố, rồi đến căn nhà - tài sản cuối cùng cũng bị rao bán. Ông Trần Hữu Hậu (Cai Hậu), một Việt kiều Thái Lan mua ngôi nhà với giá khoảng 20 cây vàng thời bấy giờ. Chủ nhân tiếp theo của ngôi nhà là ông Trần Hữu Hòa, cháu cụ Cai Hậu.

 Tháng 11/2007, ngành Văn hóa - Thông tin Hà Nam mua lại ngôi nhà này với giá 700 triệu đồng từ vợ ông Trần Hữu Hòa và giao cho Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lý Nhân quản lý. Hiện ngôi nhà được giao cho UBND xã Hòa Hậu phụ trách, đón tiếp du khách về tìm hiểu, tham quan góp phần vào việc nghiên cứu sự nghiệp của Nhà văn Nam Cao.

Đã qua rồi cái thời huy hoàng của một cơ ngơi đồ sộ, quyền thế bậc nhất trong vùng, nay chỉ còn lại ngôi nhà 3 gian bé nhỏ nằm khiêm nhường cạnh những biệt thự, những nhà cao tầng khang trang, lộng lẫy, nhưng nét cổ kính của Nhà Bá Kiến vẫn gợi lại hồn cốt của một thời đại phong kiến. Từ bộ tràng kỷ, cột kèo, bậu cửa, tấm liếp đầu hè đến mỗi góc tường đều phong rêu, cũ kĩ. Xung quanh nhà là vườn chuối ngự rợp bóng mát gợi nhớ chuyện tình mộc mạc của Chí Phèo - Thị Nở với bát cháo hành thấm đẫm tình người. Chính những điều đơn sơ, giản dị ấy lại thu hút du khách dừng chân chiêm ngưỡng và suy ngẫm về cái tài của Nhà văn Nam Cao khi ông đưa những nét đặc trưng của làng quê và những số phận người dân thuần hậu thời bấy giờ vào văn học một cách chân thực mà sâu sắc, thấm thía. Để rồi, làng Đại Hoàng trong sổ sách hành chính của quê ông được quen gọi bằng cái tên làng Vũ Đại, căn nhà của ngụy viên Bá Bính - một trong 7 đời chủ cũng mặc nhiên được gọi là nhà Bá Kiến.

Di tích lưu niệm Danh nhân Nhà văn Nam Cao (gồm 3 khu: Nhà tưởng niệm Nhà văn Nam Cao, Chợ Bến, Ngôi nhà nguyên mẫu trong tác phẩm Chí Phèo (nhà Bá Kiến) đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia, năm 2023. Đây cũng điểm du lịch văn học đầu tiên tại Việt Nam tôn vinh và làm sống lại các tác phẩm, nhân vật văn học nổi tiếng của nhà văn hiện thực Nam Cao một cách sống động, sáng tạo và hấp dẫn...

Không được đào tạo bài bản về du lịch, văn hóa hay văn học, nhưng chị Trần Thị Hương - người được UBND xã Hòa Hậu giao trông coi Nhà Bá Kiến (từ năm 2015 đến nay) lại rất có duyên khi giới thiệu với du khách về Nam Cao, về những nguyên mẫu trong tác phẩm “Chí Phèo", về làng quê Đại Hoàng. Chỉ đơn giản là nghe kể lại những câu chuyện lưu truyền bao đời nay nhưng du khách có cảm giác sự thật còn in dấu không chỉ đơn thuần trong tác phẩm văn học của Nam Cao, mà còn đậm sâu trong tâm thức người dân nơi đây. “Tôi kể bằng tất cả niềm tự hào, lòng trân trọng và sự ngưỡng mộ Nhà văn, Liệt sĩ Nam Cao"- chị Hương bộc bạch.

Hòa Hậu đã và đang trở thành điểm du lịch văn hóa, sinh thái độc đáo, hấp dẫn, mỗi năm đón hàng triệu lượt khách ghé thăm. Đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, vườn tược trù phú, con người nơi đây luôn đón chào du khách với nụ cười thân thiện. Đến đây, du khách không chỉ được thăm viếng khu tưởng niệm Nhà văn Liệt sĩ Nam Cao, thăm Nhà Bá Kiến, mà còn được thưởng thức những món ẩm thực thú vị như: chuối ngự, hồng không hạt, và đặc biệt được tận mắt chứng kiến cảnh chế biến món cá kho làng Vũ Đại, thậm chí có thể trực tiếp trải nghiệm công việc chế biến món cá kho trứ danh này.

“Với mong muốn thu hút ngày càng đông khách thăm quan, du lịch, chúng tôi đang nỗ lực kêu gọi công tác xã hội hóa trong việc trùng tu, nâng cấp cơ sở hạ tầng tại Nhà Bá Kiến như: đường vào, tường rào xung quanh, phục dựng nhà ngang và cổng, đồng thời đẩy mạnh việc trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của Hòa Hậu nói riêng, Lý Nhân nói chung nhằm quảng bá nét văn hóa đặc sắc của quê hương Hà Nam tới du khách"- Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nam cho biết./.

 

​ Hoàng Oanh


Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nam