Cây đằng hoàng còn gọi là cây vàng nhựa hay vàng nghệ, có tên khoa học là Garcinia hanburyi Hook.f, thuộc chi Garcinia (Bứa), họ Clusiaceae (còn gọi là Guttiferae, Măng cụt), phân bố đặc hữu ở một số nước Đông Nam Á bao gồm có Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan, Hải Nam (Trung Quốc), và mới đây được trồng thành công ở Singapo. Tại Việt Nam, cây đằng hoàng mọc chủ yếu ở các tỉnh phía nam, đặc biệt có nhiều tại Kiên Giang (chủ yếu tại Phú Quốc) và Đồng Nai.

Cây đằng hoàng trưởng thành cao khoảng 10-20 cm, thân nhẵn, thẳng đứng, mủ màu vàng nghệ. Vỏ cây màu xám, mịn, có độ dày từ 4-6 mm. Lá mọc đối, cuống ngắn, hình bầu dục hay hình mác, hai đầu hơi tù, phiến lá dai, nguyên nhẵn, dài 10-20cm, rộng 3- 10cm. Hoa khác gốc, hoa đực mọc ở nách lá, đơn độc hay tụ thành 3-6, có cuống, có lá kèm nhỏ, hoa cái mọc ở nách lá, đơn độc, to hơn hoa đực. Quả mọng hơi hình cầu, đường kính 2-5cm, phía cuống có đài tồn tại, 4 ngăn, mỗi ngăn có một hạt hơi cong hình cung. Mùa hoa: tháng 12-1, mùa quả: tháng 2-3.
Tất cả các bộ phận của cây đều có những ống bài tiết nằm trong mô vỏ, trong libe, tuỷ và cả trong mô gỗ. Thường sau mùa mưa (ở miền Nam, vào các tháng 1-5) người ta dùng rìu khía thành vòng xoắn ốc trên thân những khía sâu vài milimet từ dưới đất lên đến cành thứ nhất. Một chất dịch mủ màu vàng chảy ra được hứng vào các ống tre, sau một thời gian nhựa mủ đặc lại. Hơ nóng đều ống tre cho nước bốc hết đi, chẻ lấy vị đằng hoàng. Một cây mỗi năm có thể cho ba thỏi đằng hoàng dài 0,5 m, đường kính 4 cm. Loại đằng hoàng thỏi này được ưa chuộng nhất trên thị trường tiêu thụ. Đôi khi vị đằng hoàng còn đang mềm, người ta nặn thành bánh hay thành miếng to nhỏ không đều. Có nơi người ta uốn cả cành đằng hoàng, cắt đầu cho nhựa mủ chảy ra, hứng vào ống tre hay vại rồi chế thành đằng hoàng thỏi hay miếng.
Đằng hoàng là vị thuốc dùng trong cả đông y và tây y. Các tài liệu cổ của Trung Quốc đã ghi từ thế kỷ thứ X và trong Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân (Trung Quốc) có ghi vị này (thế kỷ XVI). Đằng hoàng (gamboge) được đưa vào dùng là chất nhuộm màu ở châu Âu vào năm 1603 (lúc đầu người ta cho đây là dịch mủ của một cây loại xương rồng, mãi tới 1864 Hanburyi mới nghiên cứu xác minh cẩn thận). Mủ được dùng để uống nhuận tràng. Gôm nhựa được dùng trong y học Campuchia làm thuốc trị sổ mũi và viêm phế quản. Ở Thái Lan, gôm nhựa từ thân dùng làm thuốc xổ, hạ sốt, dùng ngoài trị các vết thương nhiễm trùng hoặc trộn với nước cốt dừa để điều trị bệnh da liễu mãn tính.
Nó cũng được dùng để trị giun và cả sán xơ mít. Thường thì ít khi dùng riêng mà phải phối hợp với những loại thuốc khác như Calomel và Lô hội. Với liều 100-150 mg gôm nhựa có tác dụng nhuận tràng, liều 300-500 mg sẽ làm bài tiết nhiều kèm theo gây đau bụng.
Ngoài ra trước đây, nhựa đằng hoàng còn được dùng làm chất nhuộm màu, mực, sơn. Gỗ cây đằng hoàng trưởng thành tương đối cứng nhưng dễ thao tác, được sử dụng làm đồ nội thất. Các nghiên cứu sau này chỉ ra nhựa đằng hoàng (gamboge) là một nguồn nguyên liệu quan trọng chứa các xanthone prenyl dạng lồng (caged prenylated xanthone), đặc biệt là axit gambogic.
Xuất phát từ thực tiễn đó, nhóm tác giả gồm Cơ quan chủ trì Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên – Viện HL KHCN VN cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Trần Thị Thu Thủy thực hiện đề tài “Nghiên cứu quy trình phân lập acid gambogic từ nhựa cây Đằng hoàng Việt Nam (Garcinia hanburyi) làm nguyên liệu sản xuất thuốc điều trị ung thư” với mục tiêu: Xây dựng được qui trình công nghệ ổn định chiết xuất axit gambogic từ nhựa cây Đằng hoàng ở qui mô 5 kg nguyên liệu/mẻ; Xây dựng được qui trình công nghệ tinh chế axit gambogic 92% và 95% ở qui mô 300 g /mẻ; Sản xuất được 1 kg axit gambogic 92% đạt tiêu chuẩn cơ sở và 1 kg axit gambogic 95% đạt tiêu chuẩn tương đương axit gambogic chuẩn 95%; Xây dựng được bộ hồ sơ đánh giá hoạt tính kháng ung thư của bột axit gambogic 92%; Xây dựng được bộ hồ sơ xác định độc tính cấp và bán trường diễn của bột axit gambogic 92% .
Sau hai đợt công tác tại Phú Quốc và Đồng Nai, đề tài đã thu được một số kết quả sau:
- Đã tổ chức được 2 đợt điều tra phân bố cây Đằng hoàng tại vườn Quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai) và vườn Quốc gia Phú Quốc (Kiên Giang).
- Dùng phương pháp phân loại hình thái so sánh để xác định tên khoa học của cây Đằng hoàng trong rừng, nơi tổ chức điều tra phân bố.
- Đã xác định được một số vùng phân bố của loài cây Đằng hoàng (Garcinia hanburyi Hook. f.) thuộc Bứa (Clusiaceae).
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16796/2019) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Đ.T.V (NASATI)