Hiện nay, điện hạt nhân vẫn là một nguồn năng lượng quan trọng, đóng vai trò lớn trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng và giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, các quốc gia đang có những chiến lược khác nhau: một số quốc gia đang mở rộng chương trình năng lượng hạt nhân, tập trung vào xây dựng và nâng cấp các lò phản ứng để tăng công suất sản xuất điện, điển hình như Trung Quốc, Ấn Độ và Nga. Trong khi đó, có những quốc gia đã và đang thu hẹp hoặc từ bỏ năng lượng hạt nhân, như Đức và Tây Ban Nha, do lo ngại về rủi ro an toàn, chi phí cao, hoặc hướng tới các nguồn năng lượng tái tạo. Ngoài ra, một số quốc gia giữ ổn định chương trình hạt nhân hiện có mà không có kế hoạch mở rộng hay thu hẹp đáng kể. Đặc biệt, nhiều quốc gia đang xem xét ban đầu hoặc bắt đầu triển khai năng lượng hạt nhân như một nguồn năng lượng mới nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và giảm phát thải carbon.
![https://media.vov.vn/sites/default/files/styles/large/public/2024-08/anh-power-technology.jpg]()
Trong bối cảnh hiện nay, nhiều quốc gia đang điều chỉnh chính sách và có những động thái mới liên quan đến điện hạt nhân nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và giảm thiểu phát thải carbon. Dưới đây là tổng quan về một số quốc gia tiêu biểu.
Tại Hoa Kỳ, chính quyền Biden-Harris đã đưa ra những khoản đầu tư lớn để đảm bảo tương lai năng lượng sạch của quốc gia. Năm 2022, chính phủ đã phân bổ 6 tỷ USD thông qua Chương trình Tín dụng Hạt nhân Dân sự để bảo tồn số lượng lò phản ứng hiện có, đồng thời cam kết 8 tỷ USD xây dựng các trung tâm hydro sạch, trong đó một phần năng lượng đến từ hạt nhân. Chương trình Trình diễn Lò phản ứng Tiên tiến cũng nhận được 3,2 tỷ USD trong 7 năm để phát triển hai dự án tiên phong. Đây là các bước đi mạnh mẽ, không chỉ tăng cường an ninh năng lượng mà còn thúc đẩy vai trò lãnh đạo của Mỹ trong ngành công nghiệp hạt nhân toàn cầu.
Gần đây nhất, tháng 11/2024, chính quyền của Tổng thống Biden đã đưa ra Khung triển khai năng lượng hạt nhân của Hoa Kỳ. Chính quyền Biden-Harris đã thiết lập mục tiêu triển khai 200 GW công suất năng lượng hạt nhân mới vào năm 2050, ít nhất tăng gấp ba lần công suất hiện tại. Năng lượng này sẽ đến từ việc xây dựng nhà máy mới, nâng cấp các lò phản ứng hiện tại và tái khởi động những lò đã ngừng hoạt động vì lý do kinh tế. Khung đề ra các các mục tiêu giai đoạn: (1) 35 GW công suất mới vào năm 2035, triển khai hoặc bắt đầu xây dựng tại Hoa Kỳ; (2) 15 GW công suất mỗi năm vào năm 2040, tăng tốc sản xuất để đáp ứng nhu cầu nội địa và toàn cầu. Những mục tiêu này không chỉ đầy tham vọng mà còn khả thi, khuyến khích sự tham gia của ngành năng lượng hạt nhân và khẳng định sự cam kết của chính phủ Mỹ trong việc hỗ trợ triển khai năng lượng hạt nhân an toàn và có trách nhiệm. Việc đạt được các mục tiêu này sẽ: Tạo ra hàng trăm ngàn việc làm ổn định với mức lương cao tại Mỹ; Tăng cường chuỗi cung ứng nội địa và sản xuất trong nước; Cải thiện độ tin cậy và khả năng phục hồi của lưới điện, đảm bảo giá cả phải chăng; Đóng góp vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; Khẳng định vị trí dẫn đầu toàn cầu của Mỹ trong công nghệ và đổi mới năng lượng hạt nhân.
Khung hành động này được xây dựng dựa trên các giá trị: Bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường; Đảm bảo năng lượng giá cả phải chăng; Tham gia ý nghĩa với cộng đồng và mang lại lợi ích địa phương; Tôn trọng chủ quyền của các bộ lạc bản địa; Thúc đẩy công bằng môi trường và đảm bảo an ninh quốc gia. Hành động cụ thể theo 9 trụ cột chính: Xây dựng các lò phản ứng lớn (quy mô gigawatt); Xây dựng các lò phản ứng nhỏ (SMR); Xây dựng các lò phản ứng siêu nhỏ (microreactors); Kéo dài và mở rộng tuổi thọ các lò phản ứng hiện tại; Cải thiện quy trình cấp phép và cho phép xây dựng; Phát triển lực lượng lao động; Xây dựng chuỗi cung ứng linh kiện và nhiên liệu; Quản lý nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; Làm sạch chất thải mỏ uranium bị bỏ hoang, đặc biệt tại các vùng đất bản địa.
Canada cũng không đứng ngoài xu hướng này khi triển khai Kế hoạch Hành động SMR năm 2020 nhằm phát triển các lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR). Dự án SMR Darlington, sử dụng công nghệ GE-Hitachi, được dự đoán sẽ vận hành vào cuối những năm 2020, nhấn mạnh quyết tâm của Canada trong việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến để giảm thiểu phát thải. Tương tự, Pháp đang dẫn đầu châu Âu với các kế hoạch đầy tham vọng như kéo dài tuổi thọ các lò phản ứng hiện có và xây dựng thêm 6 lò phản ứng lớn từ năm 2028, với chi phí dự kiến lên tới 50 tỷ EUR. Ngoài ra, Pháp đã công bố khoản đầu tư 1 tỷ EUR để phát triển các lò phản ứng đổi mới, bao gồm SMR, nhằm đảm bảo sự ổn định lâu dài cho nguồn năng lượng quốc gia.
Tại Anh, chính phủ cam kết đạt 24 GW công suất điện hạt nhân vào năm 2050, tương đương 25% nhu cầu điện năng quốc gia. Chính sách này là một phần của Chiến lược An ninh Năng lượng năm 2022, với các kế hoạch xây dựng 8 lò phản ứng lớn và các lò SMR. Đạo luật Năng lượng hạt nhân được ban hành cùng năm đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tài trợ và thực hiện các dự án. Đặc biệt, dự án SMR trị giá 210 triệu GBP đã nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ và các nhà đầu tư tư nhân, khẳng định vai trò quan trọng của hạt nhân trong chiến lược phát triển bền vững.
Các quốc gia khác ở châu Âu cũng cho thấy sự quan tâm đặc biệt đến năng lượng hạt nhân. Chính phủ Bỉ quyết định kéo dài tuổi thọ của hai lò phản ứng đến năm 2035 nhằm duy trì nguồn cung năng lượng ổn định. Tại Hà Lan, các cuộc thảo luận về việc xây dựng hai trạm điện hạt nhân mới đang diễn ra, trong khi Ba Lan dự kiến triển khai các lò phản ứng lớn với công suất từ 6 đến 9 GW theo Chương trình Điện hạt nhân Ba Lan 2020. Những bước tiến này thể hiện quyết tâm của châu Âu trong việc giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và thúc đẩy năng lượng sạch.
Ở châu Á, Hàn Quốc và Nhật Bản nổi bật với các chính sách hỗ trợ năng lượng hạt nhân mạnh mẽ. Hàn Quốc lên kế hoạch xây dựng 10 nhà máy hạt nhân ở nước ngoài vào năm 2030 và đẩy mạnh phát triển SMR. Nhật Bản, trong khi đó, tập trung khởi động lại các lò phản ứng hiện có để đảm bảo an ninh năng lượng, với điều kiện tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt. Nước này đang có kế hoạch xây dựng thêm 9 lò phản ứng hạt nhân mới và khởi động lại các lò phản ứng đã ngừng hoạt động nhằm đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Trung Quốc và Ấn Độ cũng không nằm ngoài cuộc đua. Trung Quốc đặt mục tiêu đạt 70 GW công suất hạt nhân vào năm 2025, trong khi Ấn Độ dự kiến xây dựng một nhóm 10 lò phản ứng mới từ năm 2023. Trung Quốc không ngừng đầu tư vào các công nghệ tiên tiến như lò phản ứng nhiệt độ cao và lò phản ứng mô-đun nhỏ, tăng cường hợp tác quốc tế để thúc đẩy phát triển năng lượng hạt nhân và xuất khẩu công nghệ. Những chính sách này thể hiện sự cam kết của Trung Quốc trong việc cân bằng giữa an ninh năng lượng, bền vững môi trường và tăng trưởng kinh tế.
Trong khu vực ASEAN, Indonesia đang hướng đến một bước ngoặt quan trọng trong chiến lược năng lượng quốc gia khi quyết định xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại đảo Kelasa, tỉnh Bangka Belitung. Quyết định này không chỉ là tín hiệu tích cực cho ngành năng lượng của Indonesia mà còn phản ánh sự chuyển mình của đất nước này trong việc áp dụng các công nghệ năng lượng sạch và bền vững. Trong chiến lược dài hạn của mình, Indonesia đặt mục tiêu tăng trưởng 100 Gigawatt (GW) công suất điện trong vòng 15 năm tới, năng lượng hạt nhân cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc đạt được mục tiêu này, khi dự kiến sẽ đóng góp khoảng 5% trong tổng công suất điện quốc gia. Chính phủ Indonesia cũng đã công bố kế hoạch xây dựng hơn 20 nhà máy điện hạt nhân đến năm 2050. Đây là một phần của chiến lược tổng thể nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch.
Sự phát triển đồng loạt trên toàn cầu không chỉ minh chứng cho tầm quan trọng của năng lượng hạt nhân trong việc giảm phát thải mà còn khẳng định vai trò của nó trong an ninh năng lượng và phát triển kinh tế bền vững.
P.A.T (NASATI), theo World Nuclear Association, 2024