Giáo dục là nền tảng góp phần hình thành, tạo nên nhân cách chuẩn mực cho mỗi công dân, tạo nên những công dân có kiến thức, văn hóa, có trình độ, chuyên môn, năng động, sáng tạo, là tiền đề cho sự phát triển kinh tế, xã hội của mọi quốc gia. Giáo dục chính là cơ sở phản ánh trình độ dân trí cũng như sự phát triển của một quốc gia.
![Đào tạo ISO 9001:2015 | 4 nội dung cần biết]()
Hiểu rõ được vai trò và lợi ích to lớn của giáo dục trong phát triển kinh tế và xã hội nhân loại, năm 2018, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (Tổ chức ISO) đã ban hành tiêu chuẩn ISO 21001:2018, là một tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý, cung cấp các công cụ quản lý cho các tổ chức cung cấp các sản phẩm và dịch vụ giáo dục (Educational Organisation Management System, viết tắt là EOMS).
Tuy nhiên, hoạt động tư vấn, đào tạo và đánh giá cấp giấy chứng nhận hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 21001:2018 cho các tổ chức giáo dục ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung trong thời gian qua còn rất hạn chế, chưa phổ biến như các tiêu chuẩn hệ thống quản lý khác bao gồm ISO 9001:2015, ISO 22000:2018, ISO 13485:2016…
Để thúc đẩy hoạt động tư vấn, đào tạo và đánh giá chứng nhận hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 21001:2018 cho các tổ chức giáo dục một cách nhất quán, hệ thống và chuyên nghiệp, Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) đã đề xuất và được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt nhiệm vụ năm 2022 với đề tài “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng Chương trình đào tạo chuyên gia đánh giá và Quy trình, hướng dẫn đánh giá chứng nhận theo tiêu chuẩn TCVN ISO 21001:2019/ ISO 21001:2018” (sau đây viết tắt là ISO 21001).
Xuất phát từ thực tiễn trên, ThS. Lê Vũ Soái cùng nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) thực hiện đề tài “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng Chương trình đào tạo chuyên gia đánh giá và Quy trình hướng dẫn đánh giá chứng nhận theo tiêu chuẩn TCVN ISO 21001:2019/ISO 21001:2018” với mục tiêu nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng Chương trình đào tạo chuyên gia đánh giá và Quy trình, hướng dẫn đánh giá chứng nhận theo tiêu chuẩn TCVN ISO 21001:2019/ ISO 21001:2018 (sau đây viết tắt là ISO 21001).
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
- Hoàn thành nghiên cứu và xây dựng Chương trình đào tạo chuyên gia đánh giá/ Chuyên gia đánh giá trưởng hệ thống quản lý đối với các tổ chức giáo dục theo tiêu chuẩn ISO 21001 (bao gồm tài liệu và Slide đào tạo).
- Hoàn thành nghiên cứu và xây dựng Quy trình và các hướng dẫn đánh giá chứng nhận hệ thống quản lý cho các tổ chức giáo dục theo tiêu chuẩn ISO 21001.
- Ngoài ra, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhóm thực hiện cũng đã hoàn thành nhiều nội dung nghiên cứu liên quan khác.
Các sản phẩm cụ thể và đầy đủ của nhiệm vụ bao gồm:
+ 06 tài liệu dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt liên quan đến hệ thống quản lý tổ chức giáo dục và tiêu chuẩn ISO 21001:2018.
+ Báo cáo thực trạng chung của hoạt động xây dựng chương trình đào tạo và đánh giá chứng nhận hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 21001.
+ Tài liệu tóm tắt các yêu cầu cốt lõi của tiêu chuẩn ISO 21001 và Slide đào tạo nhận thức chung về tiêu chuẩn ISO 21001.
+ Báo cáo kết quả điều tra mô hình quản lý một số tổ chức giáo dục tại Việt Nam, thực trạng và nhu cầu áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 21001 và/ hoặc TCVN ISO 9001:2015/ ISO 9001:2015.
+ Chương trình đào tạo Chương trình đào tạo chuyên gia đánh giá/ Chuyên gia đánh giá trưởng hệ thống quản lý đối với các tổ chức giáo dục theo tiêu chuẩn ISO 21001.
+ Quy trình và các hướng dẫn đánh giá chứng nhận hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 21001.
+ Báo cáo tổng kết kết quả thực hiện nhiệm vụ.
+ 02 Bài báo được đăng trên Tạp chí điện tử chuyên ngành Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (VietQ.vn).
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 23252/2023) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)