Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nghiên cứu nhân giống rong sụn Kappaphycus alvarezii bằng phương pháp nuôi cấy mô

Tin tức sự kiện Tin tức nổi bật  
Nghiên cứu nhân giống rong sụn Kappaphycus alvarezii bằng phương pháp nuôi cấy mô
Rong Sụn, Kappaphycus alvarezii (Doty) Doty ex. Silva là loài kinh tế có hàm lượng kappa-carageenan cao hơn so với các loài rong biển khác. Sản phẩm từ rong Sụn sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau nên nhu cầu thị trường không ngừng tăng lên. Nghề trồng rong Sụn đem lại lợi nhuận kinh tế khá lớn cho nhiều nước trrên thế giới, đặc biệt ở các nước Đông Nam Á như Philipin, Inđônêxia và Malaixia. Theo thống kê, tổng sản lượng rong Sụn (Kappaphycus spp.) thế giới năm 2012 đạt khoảng trên 2 triệu tấn tươi với tổng kim ngạch đạt trên 375 triệu USD.



Tại Việt Nam, rong Sụn được di nhập từ Philipin vào năm 1993 và được nhân giống lần đầu tại khu vực Cửa Bé- Nha Trang. Vài năm sau đó, rong Sụn liên tục được di giống ra các vùng ven biển khác như Thừa Thiên-Huế (1997-1999), Bình Định, Quảng Nam (1996), Bà Rịa-Vũng Tàu (1998), Kiên Giang (1999). Ở miền Bắc, năm 1996-1997, rong cũng được di giống ra trồng thử nghiệm thành công ở Quảng Ninh-Hải Phòng. Rong Sụn khi di giống đã được thử nghiệm trồng ở nhiều mô hình khác nhau như trồng trong đầm, đóng cọc, căng dây cố định trên nền đáy ở vùng nước nông, nuôi trên dàn phao nổi và nuôi trên bè, trồng trong lồng lưới...

Việt Nam có tiềm năng lớn để trồng rong Sụn. Qua nghiên cứu, cả nước có khoảng 7000 nghìn ha mặt nước ở vùng ven biển Nam Trung Bộ có thể phát triển thành vùng trồng rong Sụn trọng điểm. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tiễn cho thấy diện tích trồng rong Sụn hiện tại chỉ có khoảng 500ha với sản lượng khô hàng năm khoảng trên 1000 tấn khô. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ rong Sụn phục vụ công nghiệp sản xuất kappa-carageenan và một số ngành nghề khác ở Việt 2 Nam hiện tại yêu cầu tới khoảng 2000 tấn khô/ năm, gấp đôi khả năng cung cấp. Do đó, nghề trồng rong Sụn có khả năng phát triển thành một nghề sản xuất hàng hóa lớn. Ngoài việc đem lại thu nhập cho ngư dân nghèo vùng ven biển, việc phát triển trồng rong Sụn còn giúp giảm thiểu mức độ ô nhiễm môi trường do quá trình phú dưỡng thủy vực đồng thời giảm áp lực khai thác nguồn lợi thủy sản vốn đang suy giảm mạnh cả về chất và lượng.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thoái trào của nghề trồng rong Sụn là chất lượng rong ngày càng giảm. Nguyên nhân dẫn đến tính trạng này là do quá trình nhân giống sinh dưỡng kéo dài trên 20 năm đã vô tình làm giảm sức sống và chất lượng của gel trong rong Sụn Việt Nam. Hiện tượng này đã được nhiều nhà khoa học cảnh báo. Cũng gặp vấn đề tương tự, tại Ấn Độ, các nhà khoa học Viện nghiên cứu Hóa học Biển và Nghề muôi, đứng đầu là tiến sỹ CRK.Reddy đã nghiên cứu thành công công nghệ nhân giống rong Sụn bằng nuôi cấy mô năm 2003. Chất lượng rong Sụn nuôi cấy mô cho hiệu quả cao hơn rõ rệt so với rong Sụn giống thường và ổn định theo thời gian cho dù bị nhân giống theo phương pháp sinh dưỡng.

Để thúc đẩy nghề trồng rong Sụn nói riêng và rong biển nói chung ở Việt Nam, năm 2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt thực hiện đề tài “Nghiên cứu nhân giống rong Sụn Kappaphycus alvarezii bằng phương pháp nuôi cấy mô” do Thạc sĩ Đào Duy Thu hiện đang công tác tại Viện Nghiên cứu Hải sản làm chủ nhiệm. Việc nhân giống bằng nuôi cấy mô kỳ vọng sẽ phục tráng lại được chất lượng rong giống sau một thời gian dài nhân giống sinh dưỡng và từng bước chủ động được khâu lưu giữ, cung cấp giống số lượng lớn cho người dân trồng thương phẩm.

Hiện nay, Viện Nghiên cứu Hải sản đã nghiên cứu thành công công nghệ nhân giống rong Sụn bằng phương pháp nuôi cấy mô. Sau đây là một số kết quả đạt được của đề tài:
1. Các dòng rong Sụn hiện có ở Việt Nam không khác nhau về chất lượng. Tuy nhiên so với trước đây, chất lượng rong Sụn hiện nay đã giảm đi về sinh trưởng và chất lượng carrageenan. Việc lựa chọn nguyên liệu đầu vào cho nuôi cấy mô nên thực hiện ở Cam Ranh và Ninh Thuận trên tất cả các dòng rong hiện có.
2. Đề tài đã nghiên cứu xây dựng thành công qui trình nhân giống rong Sụn bằng phương pháp nuôi cấy mô. Qui trình cho tỷ lệ mẫu hình thành mô sẹo đạt >70%, tỷ lệ mô sẹo loại tốt chiếm 40-60%. Mô sẹo tốt sau khi cắt khỏi mẫu và cấy chuyển có thể tiếp tục cắt nhỏ để nhân nhanh số lượng mô sẹo. Tỷ lệ tạp nhiễm ở mẫu cấy ≤20% với đối tượng chủ yếu là vi khuẩn. Tất cả mô sẹo loại tốt đều tái sinh được thành vi mầm sau 10-30 ngày. Vi mầm sau khi chuyển sang môi trường lỏng cho tỷ lệ sống 90% và tạo ra tản rong hoàn chỉnh sau 30-45 ngày. Tản rong thích nghi trực tiếp ra ngoài tự nhiên đạt kích thước 4-5cm sau 60 ngày với tỷ lệ sống đạt trung bình khoảng 60%.
3. Rong Sụn nuôi cấy mô được kiểm chứng có tương đồng di truyền cao với rong Sụn giống thường (rong Sụn đang trồng hiện nay). Chất lượng rong Sụn giống nuôi cấy mô khi tiến hành sinh sản sinh dưỡng không khác biệt giữa bốn thế hệ khác nhau.
4. Rong Sụn nuôi cấy mô có tốc độ tăng trưởng là 2,47- 2,56%/ngày gấp 1,08-1,12 lần so với rong giống thường. Tuy nhiên, hàm lượng carrageenan ở rong Sụn giống nuôi cấy mô chiếm từ 45,75-46,75% trọng lượng rong khô sạch với sức đông của carrageenan từ ~690-712 g/cm2 và độ nhớt từ 130- 135cPs tương đương với rong giống thường và đạt tiêu chuẩn làm rong nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến.
5. Đề tài đã tạo ra được khoảng 5 vạn tản rong bằng phương pháp nuôi cấy mô và trồng thử nghiệm ở qui mô 01ha. Kết quả sau 45 ngày trồng thu hoạch được 22,6 tấn tươi (3.190kg rong Sụn khô). Sản lượng này cao tương 124 đương so với sản lượng trồng rong giống thường ở cùng mô hình nhưng thời gian và chi phí đầu tư giảm, khẳng định sử dụng rong nuôi cấy mô hiệu quả hơn so với rong giống thường.
6. Kết quả của đề tài đã được đăng trên 7 bài báo khoa học công nghệ trong nước, đăng ký 01 giải pháp hữu ích và đã đào tạo được 01 thạc sỹ và 01 kỹ sư chuyên ngành Công nghệ Sinh học.

http://www.vista.gov.vn