|
Nghề thêu ren thu hút nhiều lao động ở Thanh Hà |
Xã
Thanh Hà (Thanh Liêm) nằm cạnh quốc lộ 1A, có 2.626 hộ với 9.699 người ở
7 thôn. Trong số 2.626 hộ thì có 2.002 hộ làm nghề thêu ren chiếm
76,2%, với 5.740 lao động tham gia, trong số này lao động chính có 2.684
người, lao động phụ là 2.896 người và lao động thuê là 160 người. Những
con số trên chứng tỏ Thanh Hà là xã mà số hộ và số lao động làm nghề
thêu ren nhiều nhất tỉnh.
Sau
khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, làng nghề mở rộng về quy mô và
thu hút hàng ngàn lao động, nghề thêu ren được truyền dạy rộng rãi, sản
xuất không ngừng phát triển. Từ năm 1975 đến năm 1989 là thời gian thịnh
vượng của làng nghề: sản phẩm đa dạng phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng
trong nước, xuất khẩu sang Liên Xô và các nước Đông Âu. Từ năm 1990 đến
nay là thời kỳ chuyển đổi cơ chế, làng thêu ren Thanh Hà đã trải qua bao
trăn trở tìm cho mình hướng đi để tồn tại và phát triển trong điều kiện
thị trường truyền thống bị thu hẹp và thị trường nước ngoài lại đòi hỏi
rất khắt khe về chất lượng và thời gian.
Công
cụ, thiết bị của làng nghề thêu ren rất giản đơn. Lao động chủ yếu là
thủ công. Toàn bộ làng nghề hiện có hơn 5.000 khung thêu, 30 hộ có thiết
bị giặt là và in, ngoài ra còn có các dụng cụ khác như: kim, kim móc,
dao, kéo.
Các
công đoạn của nghề thêu ren là: chuẩn bị nguyên liệu, tạo mẫu, pha và
in màu, thêu, giặt là, kiểm tra đóng gói và cuối cùng là tiêu thụ. Các
công đoạn trên hiện nay đều thực hiện bằng lao động thủ công.
|
Thêu cần khéo tay và kiên nhẫn |
Để
tạo mẫu đảm bảo chất lượng, chỉ có một số hộ có kỹ thuật, có vốn đảm
nhiệm công đoạn này và làm dịch vụ cho cảlàng nghề. Khâu kiểm tra, đóng
gói và tiêu thụ sản phẩm là thuộc về các doanh nghiệp (đảm nhận bao
tiêu toàn bộ sản phẩm của làng nghề). Người lao động chỉ thực hiện một
công đoạn: thêu.
Nghề
thêu ren có đặc điểm: nguyên liệu tiêu hao ít, nhưng lao động kết tinh
trong sản phẩm nhiều vì thế giá trị sản phẩm lớn. Tuy nhiên, giá cả của
sản phẩm thêu lại phụ thuộc vào hai yếu tố: nguyên liệu và kiểu dáng,
mẫu mã của sản phẩm đó có được khách hàng ưa chuộng hay không. Hiện nay
những mặt hàng đang được ưa chuộng là: ga trải giường, gối, khăn trải
bàn…
|
Thêu ren được thực hiện trong từng hộ gia đình |
Để
phát triển làng nghề, người Thanh Hà đã đầu tư cho việc tiếp thị như mở
nhiều cửa hàng quảng cáo ở khắp mọi miền của đất nước, không ngừng nâng
cao chất lượng hàng, cải tiến mẫu mã, đáp ứng yêu cầu của thị trường
khó tính. Ở Thanh Hà, hiện nay, hầu hết các hộ đều làm vệ tinh cho các
doanh nghiệp. Huyện Thanh Liêm hiện có 2 công ty TNHH và 3 doanh nghiệp
tư nhân với tổng số vốn đầu tư 2,2 tỷ đồng cho sản xuất kinh doanh hàng
thêu ren, đã tạo đầu mối và việc làm cho hàng ngàn lao động, trong đó có
làng thêu ren Thanh Hà.
Làng
thêu Thanh Hà không gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu. Vải, chỉ thêu có
rất sẵn trên thị trường. Tuy nhiên, họ lại gặp khó khăn về vốn. Đó là
vốn để mua nguyên liệu và vốn tồn đọng trong quá trình lưu thông. Theo
kết quả điều tra của Sở Công nghiệp thì toàn bộ tài sản cố định gồm toàn
thể cơ sở vật chất khoảng 30 triệu đồng/hộ; vốn lưu động bình quân
250.000đ/hộ.
Hiện
ở Thanh Hà nguồn vốn tự có là chủ yếu. Vốn vay thì chỉ có nguồn vốn
ngắn hạn, vốn trung hạn và dài hạn còn chưa được sự quan tâm của ngân
hàng đối với làng nghề. Những lúc cần huy động vốn thì vay của tư nhân.
Tính đến hết tháng 6/1999, vốn vay ưu đãi cho làng nghề mới ở mức khiêm
tốn: 300 triệu đồng, trong đó nhu cầu vay ngân hàng cần tới 1,6 tỷ đồng.
Đối với nghề thêu ren xuất khẩu vốn rất cần thiết, vì trong điều kiện
hiện nay, khách hàng chủ yếu là mua đứt bán đoạn chứ không gia công.
Năm
1999, những người thợ Thanh Hà đã làm ra 88.500 bộ sản phẩm đạt 9,44 tỷ
đồng. Một con số không phải là nhỏ với bất cứ làng nghề nào. Tuy nhiên,
thu nhập hàng tháng của người thợ thêu ren không giống nhau mà phụ
thuộc vào nhiều yếu tố: vốn, tay nghề và sản phẩm có được tiêu thụ nhanh
hay không?
|
Những xí nghiệp thêu ren quy mô lớn cũng đã ra đời |
Những
người thợ có tay nghề cao bình quân thu nhập đạt
300.000-350.000đ/tháng, thợ tay nghề thấp đạt 200.000-250.000đ/tháng.
Như vậy, một hộ có 2 lao động chính, 2 lao động phụ tay nghề trung bình
và khá, một tháng thu nhập từ 800.000-1.000.000đ và một năm đạt trên
dưới 10 triệu đồng. Nguồn thu nhập đâu phải là nhỏ đối với người dân
nông thôn!
Những
người thợ ở Thanh Hà mong muốn Nhà nước có chính sách cho vay vốn ưu
đãi đối với làng nghề, hỗ trợ đầu tư chi phí cho đào tạo thợ thêu; mong
muốn các cơ quan chức năng như: Sở Công nghiệp, Sở Khoa học, Công nghệ
và Môi trường, Sở kế hoạch - Đầu tư… giúp đỡ trong việc Thương mại - Du
lịch tích cực tìm kiếm thị trường thêu ở nước ngoài và có biện pháp hạn
chế sự ép giá của các đơn vị trung gian xuất khẩu mặt hàng này.
|
Sản phẩm thêu |
Phát
triển làng nghề chính là khai thác tiềm năng lao động, kỹ thuật, tiền
vốn, vật tư nguyên liệu sẵn có tại địa phương nhằm tạo ra nhiều sản phẩm
hàng hoá phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Không những thế,
phát triển làng nghề còn góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông
thôn, giải quyết lao động dư thừa, từng bước xoá đói giảm nghèo, cải
thiện và nâng cao đời sống của đại đa số nông dân. Về Thanh Hà hôm nay,
chúng ta càng tin tưởng hơn ở lớp thợ mới đang đứng vững và tự khẳng
định mình trong cơ chế thị trường.
Theo Website hanam.gov.vn