Nghề
thêu ren truyền thống ở các làng nghề xã Thanh Hà xuất hiện cách đây
hơn một thế kỷ (1893). Theo các tư liệu hiện có của xã, vào những năm
cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, cụ Nguyễn Đình Thản, thôn An Hòa là
người đã đi học hỏi và đưa nghề thêu từ Thường Tín - Hà Tây (nay Hà
Nội) về truyền dạy cho con cháu và nhân dân trong làng, từ đó nghề
thêu ren ngày càng phát triển. Nhân dân trong làng đã suy tôn cụ là cụ
tổ nghề thêu làng An Hòa. Đến nay, nghề thêu đã lan rộng ra 7 thôn, xóm
trong toàn xã và nhiều làng khác trong huyện Thanh Liêm.
|
Sản phẩm thêu ren Thanh Hà
ngày càng được cảI tiến về mẫu mã và nâng cao chất lượng nên đã mở rộng
thị trường tiêu thụ và đóng góp đáng kể vào giá trị xuất khẩu của tỉnh |
Trong
những năm qua, thực hiện chủ trương hỗ trợ và phát triển nông nghiệp
nông thôn của Đảng và nhà nước, các làng nghề thêu ren ở xã được khôi
phục và phát triển ở tất cả các thôn, xóm tạo việc làm thường xuyên cho
trên 50% lao động và sử dụng được phần lớn lao động nông nhàn. Có thể
nói, việc phát triển các làng nghề thêu ren là một thế mạnh để xã
Thanh Hà tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các làng nghề đã
từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn của xã, góp phần quan trọng
trong việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao mức sống
người dân địa phương. Một số làng nghề thêu ren từ lâu đã nổi tiếng cả
trong và ngoài tỉnh như: Làng nghề thêu ren An Hòa, Hòa Ngãi...
Trong
những năm gần đây, sản phẩm thêu ren Thanh Hà ngày càng được cải tiến
cả về chất lượng và mẫu mã nên đã mở rộng được nhiều thị trường tiêu
thụ sản phẩm cả trong và ngoài nước và đóng góp đáng kể vào giá trị xuất
khẩu của tỉnh. Đến nay, thị trường xuất khẩu thêu ren Thanh Hà ở hầu
khắp các châu lục trên thế giới (Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ), trong đó
tập trung ở một số thị trường lớn như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Italia,
Pháp, Mỹ, Đức, Anh, Thụy sỹ...
Theo
số liệu điều tra năm 2013 của xã Thanh Hà cung cấp, tổng số hộ tham
gia thêu khoảng 2.180 hộ, chiếm khoảng 54,8% số hộ của xã. Trong đó,
toàn xã có 4 nghệ nhân và 33 thợ giỏi được Hội đồng thẩm định, xét chọn
danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi của UBND tỉnh công nhận. Sản lượng thêu
ren tiêu thụ năm 2013 khoảng 3.000 sản phẩm. Trong đó, 100% xuất khẩu
ra thị trường nước ngoài.
Trước
đây, hoạt động sản xuất vẫn còn thiếu sự tập trung, hầu hết các hộ
gia đình có quy mô sản xuất nhỏ, tự tìm đầu ra cho sản phẩm, chưa có
sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm, hàng hoá xuất
khẩu của làng nghề do chưa có nhãn hiệu riêng nên phải mang hoặc phải
gắn nhãn hiệu của các doanh nghiệp thu mua/bao tiêu để xuất hàng. Mặc
dù, người sản xuất không phải lo về đầu ra cho sản phẩm nhưng giá trị
của hàng hóa bán ra rất thấp, do vậy thu nhập của những người làm
nghề không cao. Đặc biệt, Thanh Hà chưa có một tổ chức tập thể đủ năng
lực đứng ra quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh của làng nghề,
chưa tập hợp, vận động các hộ làm nghề cùng tham gia hiệp hội và đứng
tên làm hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho sản phẩm của
làng nghề.
Nhằm
bảo vệ kết quả của quá trình khôi phục và giữ gìn nghề truyền thống
cho địa phương, doanh nghiệp, năm 2014, Sở KH&CN đã triển khai
thực hiện dự án: “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể thêu
ren Thanh Hà cho sản phẩm thêu ren của xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm,
tỉnh Hà Nam”. Mục tiêu chung của dự án: Sản phẩm thêu ren Thanh Hà
của tỉnh Hà Nam được cấp văn bằng bảo hộ, đăng bạ nhãn hiệu tập thể
thêu ren Thanh Hà. Đồng thời, xây dựng mô hình chuẩn cho việc tổ chức,
quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể thêu ren Thanh Hà nói riêng
và những sản phẩm cùng loại nói chung, nhằm nâng cao giá trị và uy tín
của nhãn hiệu không những thị trường trong nước mà còn có khả năng
vươn xa tới những thị trường tiềm năng ngoài nước; thiết lập cơ chế
bảo hộ, quản lý và khai thác nhãn hiệu tập thể nhằm nâng cao giá trị,
danh tiếng của sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể trên thị trường, chống
hàng giả, hàng nhái; góp phần đảm bảo đời sống người sản xuất và giữ
gìn, phát huy các giá trị kinh tế, xã hội, văn hoá của địa phương.
Sau
hơn 1 năm triển khai thực hiện dự án, đến nay, tổ chức tập thể - Hiệp
hội Sản xuất và Kinh doanh thêu ren Thanh Hà đã được thành lập. Đây
là tổ chức xã hội nghề nghiệp của những đơn vị, tổ chức, cá nhân sản
xuất và kinh doanh mặt hàng thêu ren thuộc các thành phần kinh tế tình
nguyện thành lập trên tinh thần đoàn kết, hợp tác, hỗ trợ nhau trong
lĩnh vực sản xuất và kinh doanh thêu ren Thanh Hà mang nhãn hiệu tập
thể “Thêu ren Thanh Hà”. Hiệp hội có 33 hội viên là các hộ, cơ sở sản
xuất và kinh doanh sản phẩm thêu của xã Thanh Hà, hoạt động trong lĩnh
vực sản xuất, kinh doanh sản phẩm thêu ren. Tuy điều kiện kinh tế,
quy mô sản xuất khác nhau song các hội viên đều thể hiện sự đoàn kết,
hỗ trợ nhau, cùng quyết tâm xây dựng và đưa thương hiệu “Thêu ren
Thanh Hà” đến với các thị trường trên thế giới. Tại Đại hội lần thứ
nhất, nhiệm kỳ 2015 - 2017, Đại hội đã thông qua Điều lệ hiệp hội;
Phương hướng hoạt động của hiệp hội và bầu ra Ban Chấp hành nhiệm kỳ
2015 - 2017. Đồng thời, Hiệp hội cũng đã nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn
hiệu tập thể “thêu ren Thanh Hà” cho sản phẩm thêu ren của xã Thanh
Hà, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam tại Cục Sở hữu trí tuệ. Ngày 21
tháng 4 năm 2015, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành quyết định chấp nhận đơn
hợp lệ đối với nhãn hiệu tập thể thêu ren Thanh Hà.
Việc
nhãn hiệu tập thể thêu ren Thanh Hà được bảo hộ sẽ góp phần giữ gìn,
bảo tồn nghề truyền thống của địa phương, thúc đẩy phát triển sản xuất,
nâng cao giá trị kinh tế - xã hội. Đồng thời, nâng cao hiểu biết, nhận
thức của người dân, lãnh đạo chính quyền địa phương về pháp luật sở
hữu trí tuệ nói chung và vấn đề đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho
sản phẩm đặc sản của địa phương nói riêng./.