Xã
Thanh Hà, huyện Thanh Liêm từ lâu đã được biết đến với nghề thêu ren
truyền thống. Trải qua hàng thế kỷ, đến nay người dân nơi đây vẫn giữ
được nghề bằng các sản phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
|
Xã
Thanh Hà hiện có khoảng 400 người làm nghề thêu ren, tập trung chủ yếu ở
thôn An Hòa và thôn Hòa Ngãi với nhiều hộ sản xuất, kinh doanh thêu ren
và hàng thủ công mỹ nghệ có quy mô lớn. Theo tư liệu hiện có của xã,
nghề thêu ren ở Thanh Hà xuất hiện cách đây hơn một thế kỷ. Đến nay,
toàn xã có 4 nghệ nhân và 33 thợ giỏi được Hội đồng thẩm định, xét chọn
danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi của UBND tỉnh công nhận. Các sản phẩm của
làng nghề rất phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã như ga trải
giường, khăn trải bàn, túi, gối, tranh thêu…Nhìn chung, các cơ sở sản
xuất, kinh doanh thêu ren ở đây có quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu là kinh doanh
hộ gia đình. Mọi lao động già, trẻ đều có thể tham gia sản xuất từ khâu
mua nguyên liệu đến pha cắt, in kẻ, thêu và hoàn thiện sản phẩm. Cũng có
một số gia đình nhận làm hàng gia công (theo từng công đoạn hoặc toàn
bộ quá trình sản xuất) tạo sản phẩm trung gian hay sản phẩm hoàn thiện
cho các doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH.
|
|
Nhìn
những người thợ Thanh Hà làm việc, ai cũng nghĩ nghề thêu ren thật đơn
giản, chỉ cần đưa mũi kim lên xuống thế là xong, nhưng quan sát kỹ hơn
mới thấy nghề thêu đòi hỏi phải có sự công phu, tỉ mỉ và khéo léo. Bắt
đầu từ công đoạn vẽ những hoạ tiết cần thêu ra giấy, sau đó trổ vào tấm
mica mỏng. Muốn thêu đẹp trước hết mẫu trổ phải đẹp, sau đó người thợ
mang mẫu in trên tấm mica đó đặt trên tấm vải rồi lấy mực quét lên để
lại dấu trên vải rồi mới thêu. Khi công đoạn thêu hoàn tất, các sản phẩm
sẽ được kiểm tra kỹ lại một lượt rồi đem đi giặt là và đóng gói. Trước
đây, mọi công đoạn đều được tiến hành thủ công. Hiện nay, nhờ áp dụng
công nghệ vào sản xuất, đặc biệt là việc đưa đưa máy thêu vi tính vào sử
dụng nên công việc thêu ren đã nhàn hơn trước rất nhiều. Do đó mà năng
suất lao động cao gấp 15- 20 lần, sản phẩm làm ra cũng đẹp hơn. Tùy theo
sản lượng hàng tháng, trung bình mỗi lao động có thu nhập ổn định từ
2-3 triệu đồng.
|
|
Anh
Nguyễn Xuân Tuấn, Giám đốc một cơ sở sản xuất, kinh doanh XNK thêu ren
và hàng thủ công mỹ nghệ ở thôn An Hòa, xã Thanh Hà chia sẻ: Gia đình
anh làm nghề này đã gần 100 năm. Hiện nay, cơ sở sản xuất của gia đình
anh có khoảng 40-50 lao động, sản xuất các mặt hàng chăn, ga, gối, khăn
trải bàn, túi lưu niệm…xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Châu Mĩ, Châu
Âu. Năm 2006, gia đình anh đã đầu tư 3 máy thêu vi tính, mỗi chiếc trị
giá hơn 700 triệu đồng vào hoạt động. Nhờ đó, năng xuất lao động và chất
lượng sản phẩm đã được cải thiện rõ rệt. Sau khi trừ tất cả các chi
phí, mỗi năm mang lại doanh thu 1- 2 tỉ đồng.
|
|
Ông Lê
Quang Hào, Chủ tịch xã Thanh Hà cho biết để gìn giữ, phát triển và tìm
chỗ đứng cho sản phẩm thêu ren Thanh Hà trên thị trường trong và ngoài
nước, vừa qua UBND tỉnh đã giao cho Sở Khoa Học Công Nghệ tỉnh Hà Nam
phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng thương hiệu cho làng nghề.
Cùng với đó, xã cũng thành lập Hiệp hội sản xuất, kinh doanh thêu ren
Thanh Hà và tổ chức thành công Đại hội lần thứ 1 nhằm hỗ trợ và bảo vệ
quyền, lợi ích cho các hội viên trong quá sản xuất, kinh doanh thêu ren.
|
|
Việc
phát triển làng nghề thêu ren truyền thống ở Thanh Hà đã làm thay đổi
bộ mặt nông thôn của xã, góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc
làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống người dân địa phương. Về Thanh
Hà hôm nay, nhiều nhà cao tầng mọc lên san sát, đường làng ngõ xóm cũng
được bê tông hóa sạch đẹp. Tuy nhiên, quá trình phát triển làng nghề
thêu ren truyền thống ở Thanh Hà thời gian qua còn gặp phải nhiều khó
khăn: làng nghề phát triển mang tính tự phát, chưa có định hướng phát
triển rõ ràng; các sơ sở sản xuất quy mô nhỏ, thị trường tiêu thụ sản
phẩm không ổn định... Do vậy, để gìn giữ và phát triển làng nghề thêu
ren Thanh Hà, chính quyền địa phương và các Sở, ban ngành, đoàn thể cần
có nhiều giải pháp hơn nữa trong việc hỗ trợ người dân vay vốn đổi mới
công nghệ, đào tạo thợ thêu, quy hoạch làng nghề, mở rộng sản xuất, tìm
đầu ra cho sản phẩm. Mong rằng trong tương lai không xa, nghề thêu ren
Thanh Hà sẽ khẳng định được thương hiệu và tìm chỗ đứng vững trên thị
trường trong và ngoài nước.
Theo website hanam.tv.vn