Trong nhiều năm qua, tính khả thi của kế hoạch KH&CN của chúng ta còn thấp do nhiều nguyên nhân. Trước hết là do chúng ta, từ người lãnh đạo đến cấp chuyên viên, nhận thức không thật đầy đủ vai trò quan trọng của công tác kế hoạch KH&CN, chưa thực sự đầu tư công sức vào công việc này; mặt khác, hầu hết chúng ta chưa được đào tạo một cách bài bản về công tác xây dựng kế hoạch, nên chỉ làm theo cảm tính, kinh nghiệm. Về khách quan, do mấy chục năm qua, với cách làm kế hoạch theo cơ chế kế hoạch hóa, hành chính hóa, đã hình thành nếp làm kế hoạch một cách định tính, năm nào cũng như năm nào, cứ cộng thêm mấy phần trăm vào kế hoạch năm trước là thành kế hoạch năm sau, không xuất phát từ thực tiễn, từ chiến lược phát triển kinh tế xã hội, từ đánh giá kết quả của các chương trình, dự án đầu tư các năm trước... Cứ làm đại khái như vậy, được cấp bao nhiêu làm bấy nhiêu, không có tầm nhìn dài hạn.
Nói một cách khái quát, nhiều năm trước, chúng ta làm kế hoạch KH&CN theo cách “từ dưới lên”, bây giờ cần ngược lại - làm “từ trên xuống”. |
Chính cách làm kế hoạch KH&CN như vậy là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiệu quả hoạt động KH&CN của chúng ta không tương xứng với ngân sách nhà nước đã đầu tư.
Căn cứ cơ bản để xây dựng kế hoạch KH&CN
Hàng chục năm nay, hằng năm Quốc hội và Chính phủ dành 2% ngân sách nhà nước cho KH&CN. Nhưng thực sự được cấp bao nhiêu Bộ KH&CN không được tham gia vào quá trình quyết định. Và từ “cái bánh ngân sách” được cấp ấy, Bộ KH&CN bắt đầu “chia” theo kinh nghiệm và thông lệ, không có tiêu chí, quan điểm nhất quán. Giờ đây, chúng ta phải thực hiện bằng được điều đã được quy định trong Luật KH&CN, và đã thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Bộ Tài chính là không Bộ, ngành, địa phương nào được tự tiện cắt xén “cái bánh” 2% đó, nói khác đi, từ nay Bộ KH&CN được quyền đề xuất cơ cấu chi, tỷ lệ chi ngân sách để Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT làm căn cứ phân bổ và xây dựng dự toán ngân sách hằng năm cho KH&CN và sẽ kiến nghị xử lý những nơi làm không đúng, không hiệu quả. Trong “cái bánh” đó, chúng ta phải giảm dần tỷ lệ chi cho dự phòng xuống mức hợp lý (trước năm 2010, tỷ lệ này dao động trong khoảng 11-15%; từ năm 2011, tỷ lệ đó tăng nhanh, năm 2013 là 28%, và năm 2014 là trên 32%, chiếm 1/3 ngân sách dự phòng quốc gia, khoảng 6.500 tỷ đồng). Bởi nếu chi dự phòng nhiều như vậy, chúng ta không còn nguồn dành cho đầu tư phát triển và chi sự nghiệp khoa học, cùng các hoạt động KH&CN khác, trong khi Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiều Chương trình KH&CN quốc gia đến năm 2020, trong đó có các chương trình lớn, đặc biệt quan trọng cần nguồn vốn lớn. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cũng đã thống nhất với kiến nghị của Bộ KH&CN là từ nay đến năm 2020, tỷ lệ chi 2% ngân sách nhà nước cấp cho KH&CN sẽ được điều chỉnh theo cơ cấu 15% dự phòng, 55% cho chi sự nghiệp và 30% cho đầu tư phát triển, trong đó tỷ lệ chi vốn đầu tư phát triển giữa Trung ương và địa phương là 60/40; vốn sự nghiệp khoa học giữa Trung ương và địa phương là 75/25. Nếu không đảm bảo tỷ lệ như vậy thì vốn sự nghiệp KH&CN, trong đó có nguồn vốn cho các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia ngày càng teo dần, trong khi đội ngũ khoa học càng ngày càng đông, các dự án ngày càng nhiều, ảnh hưởng lớn đến tiến độ và hiệu quả thực hiện các chương trình quốc gia, chương trình trọng điểm.
|
Dự án “Thiết kế và chế tạo chip, thẻ, đầu đọc RFID và xây dựng hệ thống ứng dụng” là dự án có kinh phí lớn nhất của Bộ KH&CN trong 50 năm qua. Chip SG8V1 (trong ảnh), một sản phẩm của dự án, đã được thương mại hóa thành công vào đầu năm 2013, với số lượng đặt hàng sản xuất ban đầu 150.000 con. |
Trong việc xây dựng kế hoạch KH&CN, có hai việc trọng tâm mà Bộ KH&CN phải hết sức quan tâm và phải làm tốt, đó là xây dựng kế hoạch chi đầu tư phát triển và chi sự nghiệp khoa học.
Về đầu tư phát triển, trong hai năm vừa qua, Bộ đã yêu cầu Vụ Kế hoạch tổng hợp phải phân loại các dự án đầu tư phát triển do các bộ, ngành, địa phương phê duyệt theo ba danh mục: Loại một là danh mục các dự án đầu tư được ưu tiên. Đó là các dự án phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển KH&CN của quốc gia và của các Bộ, địa phương (tiêu chí 1) đồng thời đã được phê duyệt theo đúng quy định của Nhà nước (có chủ trương đầu tư, có quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền là Bộ trưởng hoặc Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố) (tiêu chí 2). Loại hai là danh mục các dự án đáp ứng được tiêu chí 1 nhưng còn chưa đáp ứng được đầy đủ tiêu chí 2 (có thể mới có quyết định về chủ trương đầu tư, hoặc mới có nghị quyết của HĐND mà chưa có quyết định phê duyệt của các cấp có thẩm quyền, có thể được hoàn thiện hồ sơ trong thời hạn cho phép). Loại ba là danh mục các dự án đầu tư do Bộ, ngành, địa phương đề xuất nhưng không đáp ứng được tiêu chí 1 (kể cả đã làm đầy đủ thủ tục phê duyệt), đề nghị Bộ KH&ĐT không bố trí vốn đầu tư.
Hằng năm chúng ta phải làm việc với các Bộ, ngành, địa phương để sàng lọc, chọn ra các dự án thuộc ba danh mục nêu trên, để Bộ KH&ĐT căn cứ vào đó sẽ bố trí vốn cho các dự án theo thứ tự ưu tiên từ danh mục loại một đến danh mục loại hai, và kiên quyết không bố trí danh mục loại ba, kể cả còn thừa vốn.
Về vốn chi cho sự nghiệp khoa học, ưu tiên số một là chi lương và hoạt động bộ máy, nhưng cần phải dựa trên số biên chế mà các cấp có thẩm quyền đã giao chứ không phải là con số biên chế ảo do các địa phương và Bộ, ngành tự quyết định. Muốn vậy chúng ta phải nắm thật chắc mức chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp KH&CN của các Bộ, ngành, địa phương trên cơ sở biên chế Bộ Nội vụ đã giao từ năm 2003, có tính đến một số đơn vị mới thành lập hoặc một số đơn vị được giao thêm chức năng, nhiệm vụ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Nếu không chúng ta sẽ phải dành quá nhiều kinh phí sự nghiệp khoa học để chi thường xuyên cho các viện, trung tâm nghiên cứu..., không còn nguồn chi cho các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng các cấp.
Giải pháp thực hiện
Bộ KH&CN đề xuất cơ cấu chi, tỷ lệ chi 2% ngân sách nhà nước dành cho khoa học để Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm căn cứ phân bổ và xây dựng dự toán ngân sách hằng năm cho KH&CN và sẽ kiến nghị xử lý những nơi làm không đúng, không hiệu quả. |
Từ trước đến nay, chúng ta làm kế hoạch theo kiểu hành chính, tức là mỗi năm Bộ KH&CN có công văn hướng dẫn xây dựng kế hoạch gửi các Bộ, ngành, các địa phương, và yêu cầu các Bộ ngành, địa phương báo cáo theo đúng với những chương mục mà chúng ta đã hướng dẫn. Sau đó chúng ta chỉ tổng hợp lại những đề xuất của họ để báo cáo với Bộ Tài chính và Bộ KH&ĐT. Con số trình Quốc hội phê duyệt là bao nhiêu chúng ta hầu như không được thông báo trước và phải chấp nhận sự đã rồi. Nhưng thực hiện quy định mới của Luật KH&CN 2013, bắt đầu từ năm 2016, chúng ta phải làm theo phương thức mới. Trên cơ sở hai nguồn vốn trung hạn về đầu tư phát triển và sự nghiệp khoa học được Chính phủ giao, Bộ KH&CN sẽ thảo luận và giao cho các Bộ, ngành, địa phương một hạn mức vốn trung hạn KH&CN. Chẳng hạn như Bộ Công Thương phải được biết là trong năm năm tới họ sẽ được giao vốn đầu tư phát triển để nâng cao năng lực cho các viện, các trung tâm nghiên cứu của Bộ là bao nhiêu? Vốn sự nghiệp khoa học giao cho họ bao nhiêu? Trong đó chi thường xuyên và chi nhiệm vụ cấp Bộ, cấp cơ sở là bao nhiêu? Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương chủ động phê duyệt các nhiệm vụ hằng năm trong mức khung được giao. Bộ KH&CN tổng hợp kế hoạch của các Bộ, ngành, địa phương báo cáo Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính. Với cách làm như vậy, chúng ta mới khắc phục được cách làm thụ động trước đây, dẫn đến tình huống phê duyệt quá nhiều nhiệm vụ mà không có nguồn vốn đáp ứng, vượt quá khả năng cân đối ngân sách, thậm chí không có tiền chi cho những dự án, công trình trọng điểm trong khi lại phân bổ kinh phí cho các nhiệm vụ không thực sự cần thiết, dàn trải, kém hiệu quả.
|
Nhóm các nhà khoa học của Viện Công nghệ Vũ trụ (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) chế tạo thành công Pico Dragon, vệ tinh nhân tạo siêu nhỏ đầu tiên của Việt Nam có nhiệm vụ chụp ảnh Trái Đất, đo đạc một số thông số vệ tinh và môi trường vũ trụ bởi các cảm biến gắn trên vệ tinh và thử nghiệm thông tin liên lạc với mặt đất. |
Để làm được công tác kế hoạch như thế, hằng năm trước kỳ kế hoạch Vụ Kế hoạch tổng hợp phải cùng các vụ chức năng có liên quan của Bộ đến làm việc với Vụ quản lý KH&CN, Vụ Kế hoạch (Tài chính) của các Bộ, các sở KH&CN, sở Kế hoạch Đầu tư của các tỉnh, yêu cầu họ trước hết phải cung cấp những số liệu về kết quả hoạt động KH&CN của năm trước, sản phẩm của các đề tài, dự án là gì… tổng số biên chế thường xuyên, số dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch, chiến lược đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, các dự án đó cần bao nhiêu tiền, giải ngân năm năm hay ba năm, mỗi năm cần bao nhiêu… Báo cáo kế hoạch của các Bộ, ngành, địa phương phải dựa trên cơ sở tính toán khoa học, có số liệu thống kê, trung thực. Trên cơ sở đó, chúng ta mới có thể tổng hợp lại để xây dựng được một kế hoạch có tính khả thi, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng chỗ cần ít chúng ta lại giao nhiều và ngược lại, buộc chúng ta phải điều chỉnh kế hoạch.
Có thể nói một cách khái quát, nhiều năm trước chúng ta làm kế hoạch KH&CN theo cách “từ dưới lên”, các Bộ, ngành, địa phương cứ xây dựng kế hoạch không cần biết là mình có bao nhiêu tiền. Rồi Bộ KH&CN tổng hợp lại, chuyển sang Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, sau đó được phân bổ bao nhiêu thì sử dụng bấy nhiêu. Bây giờ cần làm ngược lại - “từ trên xuống”, nghĩa là Bộ KH&CN đề xuất cơ cấu, tỷ lệ chi ngân sách KH&CN để Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính làm căn cứ phân bổ, thông báo trở lại để ta biết năm năm tới và từng năm tiếp theo toàn ngành sẽ được giao “hạn mức” kinh phí bao nhiêu cho các chương trình, dự án. Sau đấy các đơn vị chức năng của Bộ sẽ làm việc với các Bộ, ngành, địa phương, yêu cầu họ xây dựng kế hoạch đúng với phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ năm năm và hằng năm của Bộ, ngành, địa phương mình trong khuôn khổ “hạn mức” kinh phí được giao. Từ đó Bộ sẽ phê duyệt tổng mức đầu tư phát triển, tổng mức sự nghiệp khoa học của họ trong năm năm và hằng năm.