Nhãn hiệu tập thể thường do một Hiệp hội, một Hợp tác xã sở hữu phải đảm bảo việc kiểm soát và quản lý nhãn hiệu tập thể có hiệu quả, việc công khai các thông tin liên quan đến nhãn hiệu tập thể, việc sử dụng nhãn hiệu tập thể sẽ giúp hạn chế các tranh chấp phát sinh và đảm bảo được uy tín trên thị trường. Các thành viên của nhãn hiệu tập thể cần phải có tinh thần đoàn kết trong việc xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể của tổ chức mình, để phát huy được sức mạnh, lợi thế cạnh tranh của nhãn hiệu tập thể trong quá trình cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường. Xây dựng mạng lưới thị trường bền vững, ổn định. Tích cực, chủ động trong việc phát hiện ra các hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu tập thể của tổ chức mình và xử lý nghiêm, triệt để các hành vi này.
Bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho một số sản phẩm truyền thống, đặc sản địa phương ở Hà Nam bước đầu mang lại kết quả quan trọng, tạo việc làm cho người lao động, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng hiệu quả sản xuất... Vì vậy, việc xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các làng nghề cũng như sản phẩm địa phương nhằm tạo được thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường, tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa làng nghề, tăng thu nhập cho người dân là một vấn đề cần được quan tâm từ các cơ quan quản lý cũng như các tổ chức hội, làng nghề...
Đến nay, Hà Nam đã có 04 dự án đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm: bánh đa nem làng Chều, rượu làng Vọc, gốm Quyết Thành, trống Đọi Tam và một số dự án bảo hộ nhãn hiệu tập thể đang tiếp tục được triển khai như: cá kho Nhân Hậu, lợn sạch Ngọc Lũ, gà móng Tiên Phong, thêu ren Thanh Hà, lụa Nha Xá... Các dự án triển khai phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, góp phần nâng cao uy tín, chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tạo ra mối liên kết và hỗ trợ giữa các cơ quan, ban, ngành, giúp các cơ sở, doanh nghiệp bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ. Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo được mô hình cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm của địa phương. Nâng cao hiểu biết của xã hội về lĩnh vực sở hữu trí tuệ để chấp hành, tôn trọng quyền và nghĩa vụ theo pháp luật về sở hữu trí tuệ. Các sản phẩm được bảo hộ đạt được những hiệu quả kinh tế, xã hội nhất định: Tăng giá bán, tăng thị phần trên các thị trường truyền thống, đảm bảo uy tín và sự nhận biết của người tiêu dùng đối với các sản phẩm được bảo hộ. Giá trị của các loại sản phẩm bánh đa nem làng Chều, rượu làng Vọc, gốm Quyết Thành, trống Đọi Tam đã tăng đáng kể so với trước khi được bảo hộ...
Các hộ dân tham gia vào Hiệp hội được hưởng các quyền lợi từ Hiệp hội đem lại, phấn khởi tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước tập trung nhân lực đầu tư sản xuất và kinh doanh tạo hiệu quả cao nhất. Cùng Hiệp hội chung sức, chung lòng xây dựng, phát triển, bảo vệ danh tiếng, uy tín của thương hiệu. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những hộ dân còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ giúp đỡ của nhà nước mới tập trung vào sản xuất bởi vì họ cho rằng nhãn hiệu tập thể là tài sản chung của cả Hiệp hội không của riêng ai nênđã không tuân thủ đúng các quy định về bảo vệ thương hiệu dẫn đến cạnh tranh lẫn nhau, làm cho danh tiếng của sản phẩm dần bị mai một. Dù đã có thương hiệu chung nhưng các các hộ dân vẫn theo kiểu mạnh ai người ấy làm.
Vẫn biết, việc xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể cho một sản phẩm là một chuỗi các công việc phức tạp bao gồm nhiều khâu. Vì vậy, việc xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể cần được thực hiện một cách thận trọng với lộ trình và bước đi cụ thể cho từng giai đoạn. Trong đó, cần chú trọng việc tuyên truyền, phổ biến về lợi ích của việc xây dựng nhãn hiệu tập thể nhằm đạt được sự đồng thuận và ủng hộ tuyệt đối của các chủ thể này.
Để phát huy thế mạnh nhãn hiệu tập thể được bảo hộ, biện pháp trước mắt là cần phải đánh giá đúng tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ và có chiến lược bảo vệ những tài sản trí tuệ của mình; tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ thông qua các lớp đào tạo tập huấn, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức của các thành viên trong tổ chức tập thể, các tổ chức Hiệp hội, hợp tác xã, các cán bộ quản lý trong các cấp lãnh đạo ở địa phương có đăng ký nhãn hiệu tập thể nói riêng và toàn tỉnh nói chung.
Mặt khác, việc xây dựng quy chế quản lý sử dụng nhãn hiệu tập thể cần xác định rõ quyền lợi và nghĩa vụ của các thành viên kết hợp xây dựng các văn bản mang tính quy phạm pháp luật khác liên quan (quy trình cấp, thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể; quy trình kiểm định sản phẩm đạt tiêu chuẩn mang nhãn hiệu tập thể, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, quy định đóng gói bao bì, gắn tem nhãn...). Ngoài ra, bộ máy tổ chức điều hành việc quản lý sử dụng nhãn hiệu tập thể cũng cần được đầu tư ngay từ bước đầu như việc cử các cán bộ có năng lực, có hiểu biết về sở hữu trí tuệ tham gia và thường xuyên được tập huấn nâng cao. Như vậy thì các sản phẩm đặc sản, truyền thống của tỉnh mới có thể phát huy được hết giá trị truyền thống của nó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trong các giai đoạn tiếp theo.
Việc đăng ký bảo hộ về sở hữu trí tuệ thành công cho 5 sản phẩm trên đã góp phần vực dậy và tôn vinh danh tiếng của làng nghề truyền thống, đặc sản địa phương từ đó góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm trên thị trường. Là căn cứ pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng, người tiêu dùng, chống lại các hành vi xâm phạm quyền. Từ việc đăng ký thành công nhãn hiệu cho 3 sản phẩm đã làm thay đổi nhận thức của người dân về sở hữu trí tuệ nói chung và các sản phẩm khi đã được đăng ký bảo hộ nói riêng./.