Trong năm 2105, việc các doanh nghiệp (DN) công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam vẫn chưa thể trở thành nhà cung cấp linh kiện cho Samsung, một tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới của Hàn Quốc đang đầu tư ở Việt Nam đã từng mang tính thời sự. Thậm chí tại thời điểm đó các doanh nghiệp này còn chưa trở thành được nhà cung cấp cho các doanh nghiệp cung ứng lớp 1 (vendor 1) của họ.
Trong các kết quả khảo sát thực tế, không chỉ các doanh nghiệp CNHT điện tử đang tìm cách cung ứng linh kiện cho tập đoàn Samsung gặp khó khăn mà các doanh nghiệp CNHT điện tử khác của Việt Nam hiện cũng đang gặp hoàn cảnh tương tự. Các doanh nghiệp này không đáp ứng được các tiêu chuẩn để tham gia chuỗi cung ứng linh kiện, trong đó yêu cầu rất quan trọng là đáp ứng được về trình độ công nghệ sản xuất do các tập đoàn lớn đặt ra. Nguyên nhân của những khó khăn này là do các DN chưa chuẩn bị sẵn sàng về tiềm lực công nghệ, không có được thông tin đầy đủ về về sản phẩm và công nghệ sản xuất sản phẩm, chưa có mục tiêu và phương thức hiệu quả trong việc tìm kiếm, nhận dạng và lựa chọn công nghệ mình cần, chưa có đủ năng lực để đánh giá được chính xác hiện trạng về trình độ và năng lực công nghệ sản xuất hiện tại mà một tập đoàn điện tử lớn yêu cầu
Để đáp ứng được các tiêu chuẩn của các tập đoàn điện tử lớn về cung ứng linh kiện, doanh nghiệp cần phải tìm kiếm và làm chủ được công nghệ sản xuất để có định hướng đầu tư và phát triển phù hợp. Việc nghiên cứu và đề xuất về tiêu chí, quy trình tìm kiếm, nhận dạng và lựa chọn công nghệ sản xuất phải mang tính đồng bộ và gắn liền với thực trạng của các doanh nghiệp CNHT. Xuất phát từ những thực tế này, nhóm thực hiện đề tài từ Văn phòng Hội đồng chính sách khoa học và công nghệ quốc gia do TS. Đỗ Đức Nam làm chủ nhiệm đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu xây dựng tiêu chí, quy trình tìm kiếm, nhận dạng và lựa chọn công nghệ sản xuất linh kiện, phụ kiện của công nghiệp hỗ trợ trong ngành công nghiệp điện tử” nhằm giúp các doanh nghiệp CNHT ngành điện tử nói riêng và các doanh nghiệp CNHT khác nói chung có được nguyên tắc, mục tiêu và phương pháp tìm kiếm, nhận dạng, có được cách thức lựa chọn các công nghệ sản xuất cần thiết trong quá trình nâng cao năng lực và tiến tới đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp của mình, đồng thời cũng phù hợp với mục tiêu của Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020.
Trong nhiệm vụ nghiên cứu này, nhóm tác giả đã triển khai thực hiện được các nội dung nghiên cứu xoay quanh chủ thể là việc xây dựng tiêu chí và quy trình cho hoạt động tìm kiếm, nhận dạng và lựa chọn công nghệ sản xuất linh phụ kiện của CNHT trong ngành công nghiệp điện tử. Kết quả nghiên cứu của đề tài đạt được ở một số điểm chính như sau:
- Đã xây dựng được phương pháp luận về việc xây dựng tiêu chí, quy trình của các hoạt động tìm kiếm, nhận dạng và lựa chọn công nghệ sản xuất nói chung và áp dụng cho ngành công nghiệp điện tử nói riêng.
- Đã phân tích và đúc kết được các bài học kinh nghiệm về chính sách phát triển ngành công nghiệp điện tử, ngành CNHT điện tử cũng như chính sách hỗ trợ tìm kiếm, nhận dạng và lựa chọn công nghệ sản xuất của một số quốc gia có trình độ sản xuất linh kiện, phụ kiện điện tử tiên tiến và hàng đầu thế giới.
- Đã đề xuất được bộ tiêu chí và quy trình tìm kiếm, nhận dạng và lựa chọn công nghệ sản xuất linh kiện, phụ kiện áp dụng cho các doanh nghiệp CNHT ngành công nghiệp điện tử tại Việt Nam.
- Đã tập hợp được thông tin chi tiết của một số nhóm công nghệ sản xuất linh kiện, phụ kiện điển hình, tạo lập bước đầu trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu công nghệ sản xuất linh phụ kiện cho ngành CNHT điện tử, làm tiền đề để các nhóm nghiên cứu sau tiếp tục hoàn thiện.
- Đề xuất được một số giải pháp chính sách hỗ trợ doanh nghiệp CNHT trong việc thúc đẩy hoạt động tìm kiếm, nhận dạng và lựa chọn công nghệ sản xuất ngành CNHT điện tử.
Như vậy, đề tài: “Nghiên cứu xây dựng tiêu chí, quy trình tìm kiếm, nhận dạng và lựa chọn công nghệ sản xuất linh kiện, phụ kiện của công nghiệp hỗ trợ trong ngành công nghiệp điện tử” mang tính cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn, giúp các doanh nghiệp CNHT ngành điện tử nói riêng và các doanh nghiệp CNHT khác nói chung có được nguyên tắc, mục tiêu và phương pháp tìm kiếm, nhận dạng, có được cách thức lựa chọn các công nghệ sản xuất cần thiết trong quá trình nâng cao năng lực và tiến tới đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp của mình, đồng thời cũng phù hợp với mục tiêu của Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020. Với kết quả đạt được sẽ xây dựng bộ tiêu chí và cẩm nang giúp các doanh nghiệp CNHT phát triển và có khả năng tham gia được vào chuỗi cung ứng sản phẩm, linh kiện cho các tập đoàn lớn trong lĩnh vực tương ứng. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu của đề tài có thể làm tài liệu tham mưu, căn cứ cho các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước trong việc đề xuất cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp CNHT tham gia vào được chuỗi cung ứng và dần thay thế các nhà cung ứng có vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy nền CNHT trong nước phát triển.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 17012/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
P.T.T (NASATI)