Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Xuất hiện viêm da nổi cục trên bò tại xã Phú Phúc

Tin tức sự kiện Tin trong tỉnh  
Xuất hiện viêm da nổi cục trên bò tại xã Phú Phúc

Hiện nay, cả nước còn 232 ổ dịch viêm da nổi cục tại 57 huyện của 17 tỉnh, trong đó có tỉnh Hà Nam có 03 ổ dịch tại 3 xã, phường của 2 huyện, thị xã với số bò tiêu hủy là 4 con.

Ổ dịch viêm da nổi cục xuất hiện đầu tiên tại 2 hộ dân phường Duy Hải, thị xã Duy Tiên vào tháng 12 năm 2020. Bệnh viêm da nổi cục là bệnh truyền nhiễm do một loại vi rút thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò với tỷ lệ mắc bệnh khoảng 10 - 20%; tỷ lệ chết khoảng 1- 5%; thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 1 - 5 tuần. Vi rút Viêm da nổi cục không gây bệnh trên người. Đường truyền lây chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve; bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch và qua tiếp xúc trực tiếp.

Trâu, bò mắc bệnh thường có triệu chứng sốt cao 40 - 410C, mất tính thèm ăn, bỏ ăn, giảm tiết sữa. Da nổi những nốt sần/cục cứng có đường kính từ 1-5 cm (thường xuất hiện ở vùng cổ, đầu). Loét ở vùng mõm, môi, trong miệng, mũi. Tăng tiết dịch tại mắt, mũi và chảy nhiều nước bọt. Sưng hạch bạch huyết bề mặt.

Những tháng đầu năm 2021, ở xã Phú Phúc (huyện Lý Nhân) phát sinh thêm 02 con bò mắc bệnh viêm da nổi cục của 02 hộ chăn nuôi ở thôn Duyên Hà và Phú Cốc. Xã Nhân Thịnh phát hiện 01 con bò của hộ thôn Do Đạo nghi mắc bệnh viêm da nổi cục, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã lấy 01 mẫu bệnh phẩm bò gửi xét nghiệm bệnh viêm da nổi cục. Ngày 20/4/2021, Trung tâm chẩn đoán Thú y Trung ương có phiếu trả lời kết quả xét nghiệm số 3282/CĐ-XN, kết luận (+) 01/01 mẫu bệnh phẩm bò lấy tại hộ bà Ty dương tính với vi rút gây bệnh Viêm da nổi cục.

Ngày 20/4/2021, Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân đã ban hành Quyết định số 2150/QĐ-UBND về việc công bố dịch bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò tại xã Phú Phúc.

Để phòng, chống dịch, đơn vị chức năng đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành tiêu hủy số bò bị bệnh theo đúng quy trình kỹ thuật, phun tiêu độc khử trùng chuồng trại, môi trường xung quanh và những nơi có nguy cơ cao lây nhiễm bệnh; thành lập các chốt kiểm soát, kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển trâu bò và sản phẩm trâu bò ra vào khu vực có dịch; tổ chức rà soát, kiểm kê đàn trâu, bò trên địa bàn, đề nghị người chăn nuôi cam kết không bán chạy, giết mổ hay vứt xác trâu bò chết ra môi trường./.


Sở Khoa học và Công nghệ