Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Phòng trừ bệnh lùn sọc đen Phương Nam vụ mùa năm 2018

Tin tức sự kiện Tin trong tỉnh  
Phòng trừ bệnh lùn sọc đen Phương Nam vụ mùa năm 2018

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, đến thời điểm này, diện tích lúa đông xuân của tỉnh đã trỗ xong - đỏ đuôi. Tuy nhiên, trên một số diện tích lúa của các địa phương xuất hiện bệnh rầy lưng trắng. Qua giám định, kết quả có 6 mẫu rầy dương tính với virut lùn sọc đen Phương Nam (cụ thể tại Thụy Lôi, Hoàng Tây - Kim Bảng; Thanh Hương, Liêm Sơn - Thanh Liêm; Bối Cầu - Bình Lục; Tiên Hiệp - Phủ Lý. Như vậy, nguồn rầy lưng trắng mang bệnh đã có mặt trên đồng ruộng, có khả năng bùng phát trên diện rộng vụ mùa năm 2018. Để hạn chế mức thấp nhất sự phát sinh, phát triển và gây hại của bệnh lùn sọc đen, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật yêu cầu các địa phương sớm chủ động ngay trước khi gieo mạ để tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cho nông dân cụ thể:

Vệ sinh đồng ruộng: Cày vùi gốc rạ 100% diện tích (hoặc lồng bâm sớm) ngay sau thu hoạch để tiêu diệt lúa chét, lúa tái sinh phát triển; dọn sạch bờ cỏ ruộng, mương dẫn nước, tàn dư từ cây ngô, đặc biệt là tại các vùng đã có nguồn bệnh. Hướng dẫn nông dân xử lý 100% lượng hạt giống lúa bằng thuốc hóa học trước khi gieo cấy để tạo sức đề kháng của cây đối với rầy. Nếu thời tiết bất thuận phải cấy hoặc gieo sạ lại các địa phương phải chủ động kinh phí mua thuốc để xử lý hạt giống.

Tiến hành phun thuốc trừ rầy đặc hiệu cho mạ trước cấy 2-3 ngày bằng một số loại thuốc: Elsin 600 WP; Bonus - gold 500 EC; Chess 50 WG... theo liều lượng trên nhãn mác.

Nếu trên mạ có sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân hai chấm, bọ trĩ đến ngưỡng phòng trừ thì kết hợp với thuốc đặc trị rầy nâu - rầy lưng trắng để tiết kiệm công phun và tăng hiệu quả.

Hướng dẫn nông dân thực hiện nghiêm ngặt những biện pháp bảo hộ lao động khi sử dụng thuốc cũng như khi nhổ mạ, cấy sau khi đã xử lý thuốc để bảo đảm giảm thiểu nguy cơ do thuốc gây nên./.