Cây riềng (Alpinia officinarum) thuộc họ gừng, mọc hoang hoặc được trồng phổ biến ở nước ta, có thể thu hoạch quanh năm, đặc biệt nhiều vào mùa thu đông hoặc trước mùa xuân. Trong Đông y, riềng còn được gọi là Cao lương khương, mang ý nghĩa tạo nhiệt, ấm cơ thể. Chủ yếu dùng phần củ, tuy nhiên, một số bài thuốc có thể kết hợp thêm hạt và lá.
![Lần đầu tiên, nhà khoa học Việt Nam phân lập thành công chất hỗ trợ điều trị ung thư trong loại củ gia vị ‘nhà nào cũng có' - ảnh 1]()
Theo Đông y, riềng có một số tác dụng: Tiêu thực, tiêu sưng, giảm đau; Trị phong hàn, nôn mửa, khó tiêu; Giảm ợ hơi, ợ chua, đau dạ dày; Hỗ trợ điều trị tiêu chảy, đau bụng do lạnh; Giảm đau nhức xương khớp, đau răng. Trong y học hiện đại, riềng còn có nhiều công dụng khác như: Kháng viêm, sát trùng vết thương; Thải độc, thanh lọc cơ thể; Chống oxy hóa, ngăn ngừa lão hóa não bộ; Cải thiện tuần hoàn máu, hỗ trợ tiêu hóa; Chống buồn nôn, điều trị tiêu chảy; Tăng cường nhận thức, phòng chống trầm cảm; Hỗ trợ tái tạo tế bào, giúp vết bỏng nhanh lành; Ngăn ngừa ung thư vú, tăng cường hệ miễn dịch; Cải thiện sinh lý.
Trong nghiên cứu kéo dài hai năm từ năm 2022 đến năm 2024, các nhà khoa học tại Viện Hóa học tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phân lập và xác định cấu trúc của bảy hợp chất từ cây riềng, gồm hai flavone, ba flavanone và hai chalcone. Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng chưng cất, xác định thành phần hóa học của tinh dầu lá và rễ riềng Việt Nam.
Các thử nghiệm hoạt tính sinh học in vitro được thực hiện với các cặn chiết và hợp chất phân lập, bao gồm đánh giá khả năng gây độc tế bào, kháng viêm, chống oxy hóa và tiểu đường. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đã xây dựng quy trình tạo chế phẩm với quy mô 1kg nguyên liệu khô/mẻ, điều chế được 58,4g chế phẩm.
Thử nghiệm trên mô hình chuột thí nghiệm cho thấy, chế phẩm có khả năng ức chế 25,72% thể tích khối u ở liều 500 mg/kg thể trọng. Tiêu chuẩn cơ sở cho chế phẩm cũng đã được thiết lập, cùng với đánh giá tác dụng ức chế sự phát triển của khối u trên mô.
Đây là lần đầu tiên cây riềng Việt Nam được nghiên cứu sâu về thành phần hóa học và hoạt tính sinh học, mở ra tiềm năng ứng dụng trong chăm sóc sức khỏe.
N.P.D (tổng hợp)