Tại Nam Định, lạc Sen (lạc đỏ) là một trong ba loại cây trồng chủ lực của ngành trồng trọt. Nhờ có nhiều tính trạng di truyền quý như chất lượng ngon và khả năng chống chịu tốt, lạc Sen tạo ra được nhiều lợi thế, tiềm năng sản xuất hàng hóa với giá trị thương mại rất cao, trong đó giá lạc khô có thể lên tới 60-100 nghìn/kg (tùy loại). Hiện nay, giống lạc này đang bị thoái hóa do không được chọn lọc thường xuyên, nhiều nơi trồng mang tính tự phát, chưa có quy hoạch vùng sản xuất gắn với nhu cầu thị trường, dẫn tới nguy cơ suy giảm chất lượng nguồn gen quý. Trước tình hình thực tế này, ThS Nguyễn Việt Hà cùng các cộng sự tại Trung tâm chuyển giao công nghệ và khuyến nông (CETDAE) thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam đã thực hiện đề tài: “Đánh giá tiềm năng di truyền và phục tráng, phát triển giống lạc Sen Nam Định”.

Giống lạc Sen cho quả sai, hạt mẩy. Ảnh: CETDAE
Đề tài đã tiến hành điều tra trên 300 hộ trồng lạc sen tại hai huyện Giao Thuỷ và Hải Hậu (Nam Định) với diện tích ở vụ xuân trên 500 ha và cho thấy năng suất bình quân chỉ đạt hơn 2,5 tấn/ha. Giống đã bị thoái hóa, không còn giữ được năng suất, chất lượng. chúng tôi đã tiến hành thu thập các mẫu giống dựa trên các đặc trưng vốn có của lạc sen để phục tráng.
Theo đó, các nhà khoa học đã sử dụng các công cụ công nghệ sinh học phân tử, đặc biệt là chỉ thị phân tử để đánh giá đa dạng di truyền các dòng lạc, từ đó xác định tiềm năng di truyền của một số tính trạng nông sinh học có ý nghĩa.
Nhóm đề tài cũng đã xây dựng bản mô tả lạc Sen với 14 tính trạng đặc trưng của giống, và phân tích đánh giá đa dạng di truyền của 20 dòng lạc Sen trên 32 chỉ thị sinh học. Từ đó, họ xác định được hai chỉ thị phân tử (TC9H09, TC9F10) có liên kết với vùng nhiễm sắc thể QTL kháng bệnh gỉ sắt và đốm lá muộn, có thể áp dụng để sàng lọc các dòng lạc Sen có khả năng kháng bệnh này. Ngoài ra, còn tìm được hai chỉ thị phân tử (TC2A12, TC3E02) có thể giúp các dòng lạc Sen sinh ra hàm lượng chất béo/lipid cao hơn. Nhóm đã phục tráng giống và tạo ra 500 cá thể G0 (vụ thứ nhất), sau khi gieo trồng thu được 225 cá thể, từ đó lựa chọn được 150 cá thể dòng G1 (vụ thứ hai). Các cá thể này sau đó lại được lọc ra 50 cá thể dòng G1, đem gieo trồng tạo ra 437 kg hạt giống lạc Sen ở cấp siêu nguyên chủng.
Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hạt giống lạc “nguyên chủng” phải đạt tiêu chuẩn, chất lượng như sau: độ sạch > 99%, tỷ lệ nảy mầm > 70%, độ ẩm < 10%. Từ khi gieo đến lúc ra hoa vào khoảng 40 ngày. Thời gian sinh trưởng của lạc Sen khoảng 115 - 120 ngày trong vụ xuân. Trong đề tài này, nhóm nghiên cứu đã xây dựng hai mô hình trình diễn thâm canh giống lạc phục tráng tại huyện Hải Hậu và huyện Giao Thủy, mỗi mô hình rộng 1 ha.
Nhóm nghiên cứu cho biết, vụ xuân năm 2024, thời tiết đầu vụ có mưa ẩm nên cây lạc Sen xuất hiện bệnh héo xanh vi khuẩn, lở cổ rễ; giữa và cuối vụ xuất hiện một số bệnh như gỉ sắt, đốm đen, đốm nâu... nhưng giống lạc Sen Nam Định đã phục tráng có tỷ lệ nhiễm sâu bệnh ít hơn giống lạc đỏ du nhập từ địa phương khác đang trồng tại địa phương. Giống này cũng cho năng suất cao và ổn định hơn, khoảng 3,4 tấn/ha, và đem lại tiềm năng kinh tế cao hơn 21-26% so với giống thông thường”. Nhóm thực hiện đề tài cũng đã xây dựng được hướng dẫn kỹ thuật thâm canh giống lạc Sen và tập huấn cho ít nhất 60 nông dân.
P.T.T (tổng hợp)