Đồng Tháp xem chuyển đổi số là động lực, là tài nguyên để phát triển kinh tế - xã hội và mong muốn tạo ra làn sóng mới trong sản xuất nông nghiệp. Chính vì thế, trong thời gian qua, Đồng Tháp đã tiên phong xây dựng các mô hình hay, cách làm mới, hiệu quả như sử dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực thực vật (BVTV), phân bón, lúa giống; sử dụng bẫy đèn thông minh để dự báo tình hình sâu rầy; hệ thống điều khiển thiết bị tưới thông minh được triển khai dựa trên dữ liệu, nền tảng số và đang xây dựng những cánh đồng thông minh.
Với sự chủ động tiếp thu, học hỏi, nhiều nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX), hội quán ở Đồng Tháp đã mạnh dạn thay đổi, từng bước tiếp cận với sản xuất nông nghiệp thông minh, tự động hóa trong canh tác. Đơn cử, HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành (huyện Lấp Vò, Đồng Tháp), đang quản lý gần 1.200ha đất sản xuất lúa 3 vụ/năm, gần 100% nông dân đã sử dụng thiết bị bay phun thuốc BVTV tiện lợi. Các sản phẩm của HTX làm ra như lúa, gạo, nước uống đóng bình, đóng chai đều gắn mã QR để minh bạch trong sản xuất, thuận tiện trong quản lý, truy cập thông tin nhanh chóng và chính xác. Bên cạnh đó, HTX sử dụng phần mềm kế toán, thuế điện tử, hóa đơn điện tử, chữ ký số, thiết bị bơm nước tự động, xây dựng website để giới thiệu sản phẩm...và có định hướng đầu tư mô hình trạm giám sát sâu rầy thông minh để tự động đưa ra cảnh báo và dự báo sâu rầy trong thời gian tới. Nhờ ứng dụng công nghệ số, hiệu quả sản xuất kinh doanh của HTX cao gấp nhiều lần so với trước đây; vùng trồng xoài Tân Thuận Tây cũng trở nên nổi tiếng nhất ở Đồng Tháp vì nơi đây nông dân đều ứng dụng công nghệ số trong sản xuất. Các bác nông dân giờ chỉ cần truy cập vài thao tác vào hệ thống quan trắc là hiện đầy đủ các chỉ số về môi trường nước, độ ẩm của đất, độ mặn, độ pH, không khí, dự báo khí tượng thủy văn trong ngày tại khu vực xã Tân Thuận Tây. Căn cứ vào các chỉ số đó, họ có thể áp dụng vào sản xuất một cách chủ động. Hệ thống quan trắc thông minh này đã giúp nông dân rất nhiều trong canh tác và hiệu quả mang lại cao hơn; tại xã Tân Thuận Tây, cách trung tâm TP Cao Lãnh chưa đầy 3km, hầu hết bà con nơi đây sống bằng nghề trồng xoài rải vụ quanh năm, nhờ đó bà con trong xã ai nấy đều xây nhà tường khang trang, hộ nghèo trong xã hầu như không còn. HTX xoài Tân Thuận Tây - đơn vị đứng ra liên kết, bao tiêu sản phẩm cho nông dân - có 116ha, với 127 thành viên sản xuất xoài theo hướng hữu cơ có bao trái, năng suất luôn cao, trái đẹp nên bán ra thị trường giá cao hơn từ 1.000 - 2.000 đồng/kg so với xoài sản xuất truyền thống. Tổng sản lượng xoài mỗi năm của HTX khoảng 1.600 tấn, trong đó HTX đứng ra tiêu thụ cho nông dân khoảng 500 tấn, số còn lại HTX giới thiệu doanh nghiệp đến bao tiêu cho nông dân. Bình quân 1ha xoài cho sản lượng từ 10 - 12 tấn/năm, sau khi trừ chi phí nông dân lời từ 12 - 18 nghìn đồng/kg. Hiện nay bà con trong xã đa phần trồng giống xoài Cát Chu nức tiếng, mỗi cây xoài đều được gắn mã QR để truy xuất nguồn gốc; Tân Thuận Tây giờ đây ngoài diện tích gần 500ha xoài với những mô hình độc đáo, bà con còn biết cách trồng xoài rải vụ, xoài VietGAP, hữu cơ và 100% diện tích xoài nơi đây đều có mã số vùng trồng. Bà con cũng đã biết làm du lịch cộng đồng để phát huy giá trị tài nguyên bản địa, biết ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất cũng như trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.
Điều đáng mừng hơn xã Tân Thuận Tây đã thành lập được 2 hội quán là Hội quán Tâm Quê và Hội quán Thuận Tân với 640 thành viên, đều được các ban ngành trong tỉnh quan tâm. 2 hội quán đã được UBND tỉnh Đồng Tháp và Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) đồng chủ trì, được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt với tổng kinh phí gần 16 tỷ đồng để xây dựng Làng thông minh, phù hợp với xu hướng phát triển nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Mục tiêu là kết nối cộng đồng, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm phát triển nông thôn bền vững, hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống người dân dựa trên thế mạnh và cơ hội của địa phương.
Đối với việc xây dựng dữ liệu số ngành nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết, địa phương đã ứng dụng công nghệ số vào ngành nông nghiệp với 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 tỉnh đang tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là xây dựng cơ sở dữ liệu trong truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng. Ở lĩnh vực trồng trọt, tỉnh đã triển khai xây dựng thông tin tổng quan; lĩnh vực phát triển nông thôn, nông thôn mới, sản phẩm địa phương đã thực hiện xây dựng dữ liệu về sản phẩm để người dân có thể cập nhật thông tin và theo dõi. Lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai cũng đã và đang được xây dựng cơ sở dữ liệu để đảm bảo các biện pháp cảnh báo, phòng chống thiên tai và chủ động trong sản xuất.
Ở giai đoạn 2, tỉnh Đồng Tháp căn cứ vào các cơ sở dữ liệu để chủ động nắm được năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi và có thể ứng phó với biến đổi khí hậu. Đối với giải pháp IoT, Đồng Tháp đã xây dựng dữ liệu về dịch hại cây trồng, chỉ tiêu chất lượng nước. Công nghệ AI cũng đang triển khai áp dụng vào công tác dự báo thiên tai, dịch hại ảnh hưởng đến sản xuất, giúp các địa phương điều hành sản xuất hiệu quả. Trong giai đoạn 3, Đồng Tháp sẽ kết hợp công nghệ GIS cùng trí tuệ nhân tạo (AI) để dự báo sản lượng, thị trường, xúc tiến thương mại, đồng bộ dữ liệu từ trung ương đến địa phương để đồng bộ nền tảng nông nghiệp số quốc gia.
Như vậy, trong lĩnh vực trồng trọt và BVTV, Đồng Tháp đã quản lý được mã số vùng trồng, nắm rõ các dữ liệu số; triển khai tập huấn cập nhật dữ liệu số cho các xã thông qua các app. Qua đó thực hiện quy trình báo cáo định kỳ từ các xã… Vấn đề hiện nay ở địa phương này là tiếp cận công nghệ và chuyển đổi số vẫn còn chậm do vậy cần triển khai tập huấn nhiều hơn trong thời gian tới.
P.T.T (tổng hợp)