Chiều ngày 25/9/2024, tại TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 TP. Hồ Chí Minh đã được ra mắt và sẽ tập trung thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất.
Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 đặt tại Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh
Lễ ra mắt 14 thành viên sáng lập và thành viên hội đồng quản lý Trung tâm cách mạng công nghiệp lần 4.0 (C4IR) được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. C4IR là kết quả hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) giai đoạn 2023-2026. Đây là trung tâm thứ 2 ở Đông Nam Á sau Malaysia và thứ 19 thế giới tham gia mạng lưới toàn cầu WEF. Ở Việt Nam, C4IR hoạt động theo mô hình hợp tác công tư, tận dụng những tri thức, kinh nghiệm của mạng lưới C4IR toàn cầu mang lại hỗ trợ, đề xuất các giải pháp, chính sách phù hợp với định hướng quốc gia và xu thế quốc tế về công nghệ trên thế giới.
Các thành viên sáng lập C4IR là các nhà lãnh đạo gồm Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, Phó chủ tịch TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan; Đại diện các Sở Khoa học - Công nghệ, Thông tin Truyền Thông, Ngoại Vụ và lãnh đạo các doanh nghiệp như Viettel, HD Bank, Techcombank, SaigonTel, GIBC; lãnh đạo Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh đóng vai trò thành viên sáng lập và thành viên hội đồng quản lý C4IR. Các thành viên sáng lập và thành viên hội đồng quản lý C4IR sẽ tham dự các sự kiện quốc tế, diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sĩ), phối hợp với WEF tổ chức Diễn đàn kinh tế TP. Hồ Chí Minh cùng các sự kiện liên quan khác.
CI4R sẽ thực hiện các dự án thí điểm, nghiên cứu giải pháp ứng dụng chuyển giao công nghệ do doanh nghiệp sáng lập đăng ký với mục tiêu hoàn thiện 6 dự án trong lĩnh vực AI, bán dẫn, sản xuất tiên tiến trong ba năm. Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 sẽ đào tạo nhân lực theo đặt hàng doanh nghiệp, nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp bên ngoài, tiến tới thành lập sàn giao dịch công nghệ từ năm 2026.
TP. Hồ Chí Minh xác định mục tiêu phát triển đến 2030 tầm nhìn 2050 là hiện đại hóa, tự động hóa, phát triển công nghiệp sạch thân thiện môi trường. Để đạt mục tiêu này thành phố đặt các nhóm nhiệm vụ chính gồm phát triển các ngành tiềm năng có tầm quan trọng; khuyến khích áp dụng công nghệ mới trong các ngành công nghiệp trọng điểm; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh... Việc này có vai trò quan trọng của Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0.
P.A.T (tổng hợp)