Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể mang lại rất nhiều lợi ích, giúp nâng cao chất lượng báo chí về mặt nội dung và hình thức. Từ các báo cáo về hoạt động doanh nghiệp cho đến tin tức về các giải bóng nhỏ, tự động hóa và các thuật toán đang trở thành một phần quan trọng tạo nên dòng chảy thông tin. Các nhà báo của AP, Reuters, Washington Post, New York Times, ProPublica, Forbes, Oregon Public Broadcasting, Yahoo cùng nhiều cơ quan báo chí khác đang sử dụng thuật toán để kể các câu chuyện về kinh doanh, thể thao cũng như giáo dục, bình đẳng giới, an toàn công cộng… Đối với các cơ quan quản lý báo chí truyền thông, việc triển khai thành công AI sẽ giúp các nhà quản lý dễ dàng thực hiện công việc của mình như: lọc tin tức, thẩm định, ngăn chặn những thông tin có hại, giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Ứng dụng AI trong quản lý báo chí giúp tăng cường năng lực thẩm định thông tin. AI chưa thể thay thế con người trong việc thẩm định thông tin nhưng chúng có thể giúp các nhà quản lý phát hiện những vấn đề nổi lên cần phải được thẩm định và xác định những lần thẩm định thông tin trước đó khi yêu cầu được lặp lại.
Để hỗ trợ công tác quản lý báo chí, đặc biệt là quản lý thông tin trên mạng xã hội, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo là xu hướng đang phát triển mạnh trong những năm gần đây. Vì vậy, việc nghiên cứu cách thức, giải pháp sử dụng trí tuệ nhân tạo AI để hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về báo chí số tại Việt Nam là nhiệm vụ thực sự cấp thiết và có ý nghĩa thực tiễn cao. Do vậy, năm 2021, nhóm nghiên cứu của TS. Lê Thị Hằng tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đề xuất giải pháp sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản lý báo chí số tại Việt Nam”.
Đề tài hướng đến thực hiện các mục tiêu sau: nghiên cứu tổng quan về AI và báo chí số, bao gồm: khái niệm về AI, các ứng dụng chủ yếu của AI trong lĩnh vực báo chí, truyền thông; khái niệm báo chí số, công tác quản lý báo chí số, việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý báo chí số; nhu cầu ứng dụng AI trong báo chí số và hoạt động quản lý báo chí số; đánh giá thực trạng ứng dụng AI trong báo chí số và hoạt động quản lý báo chí số tại Việt Nam, bao gồm: khung pháp lý về quản lý báo chí tại Việt Nam; hiện trạng phát triển báo chí tại Việt Nam; hiện trạng ứng dụng công nghệ số trong quản lý báo chí tại Việt Nam; hiện trạng ứng dụng công nghệ số trong quản lý báo chí số tại Việt Nam. - Kinh nghiệm quốc tế trong việc sử dụng AI trong quản lý, phát triển báo chí số, truyền thông số. - Đề xuất giải pháp sử dụng AI trong quản lý báo chí số tại Việt Nam, bao gồm: đề xuất các ứng dụng, giải pháp sử dụng AI trong quản lý báo chí số tại Việt Nam; dự kiến hiệu quả sử dụng AI trong quản lý báo chí số tại Việt Nam; đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí và với các cơ quan báo chí.
Đề tài đã nghiên cứu về xu hướng ứng dụng AI trong lĩnh vực báo chí nhằm đề xuất một số giải pháp áp dụng tại Việt Nam. Từ nghiên cứu tình hình thế giới và thực tiễn Việt Nam về vấn đề này, có thể thấy AI đã thể hiện rõ vai trò trong việc định hình lại lĩnh vực báo chí và giúp công chúng đối phó với một thế giới quá tải tin tức và thông tin sai lệch và kết nối họ theo cách thuận tiện với nội dung đáng tin cậy có liên quan, hữu ích cho cuộc sống của họ.
Để làm được điều này, các cơ quan báo chí, các hãng tin tức một lần nữa phải thay đổi, cần áp dụng một số hình thức chiến lược AI, cần thay đổi quy trình làm việc, hệ thống và tuyển dụng ngay cả khi những thay đổi này sẽ rất khó khăn vì đây là một công nghệ tương đối phức tạp và tốn kém. Các cơ quan báo chí cần đầu tư nghiêm túc để thu hút các kỹ năng, kiến thức và sự đổi mới mà báo chí cần để tối ưu hóa các cơ hội của AI và giảm thiểu những tác hại tiềm ẩn. Điều này sẽ đòi hỏi một sự thay đổi trong tư duy, đòi hỏi một mức độ linh hoạt và lập kế hoạch dài hạn. Lĩnh vực truyền thông đại chúng sẽ phải đối mặt với một thách thức tương tự để tự thích ứng.
Đối với cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực báo chí, sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ gây nhiều khó khăn cho hoạt động quản lý. Để quản lý được hoạt động báo chí ứng dụng công nghệ số (tốc độ nhanh, phản hồi, tương tác tức thì…) đòi hỏi các cơ quan quản lý cũng phải thay đổi phương pháp quản lý và được trang bị các công cụ, ứng dụng hiện đại để bắt kịp tốc độ phát triển của báo chí số. Trong số các công nghệ mới thì trí tuệ nhân tạo (AI) đang thể hiện những ưu điểm vượt trội cho tới thời điểm hiện tại trong việc hỗ trợ các nhà báo cũng như các nhà quản lý lĩnh vực báo chí trong hoạt động của mình.
Những đề xuất ứng dụng và giải pháp sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động báo chí và quản lý báo chí mà nhóm nghiên cứu đưa ra hoàn toàn mang tính khả thi, là tài liệu tham khảo cho các cơ quan báo chí và cơ quan quản lý nhà nước về báo chí. Nếu được đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về mặt thời gian và công sức, nhóm nghiên cứu tin rằng các đề xuất sẽ được cụ thể hóa hơn nữa, đáp ứng được các yêu cầu đặt ra hiện nay trong lĩnh vực quản lý báo chí số.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20375/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)