Vi nhựa được tìm thấy ở biển Bắc Cực và thậm chí có trong cả băng. Rãnh Mariana (phần sâu nhất của đại dương) và đỉnh Everest đều bị ô nhiễm vi nhựa. Nước uống và thực phẩm của chúng ta, đặc biệt là thực phẩm chế biến trong bao bì dùng một lần, cũng có sự hiện diện của vi nhựa. Các nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra vi nhựa trong máu, phổi, gan và thận của con người ... và cả trong nhau thai của trẻ sơ sinh.
Các nghiên cứu về tác động xấu của vi nhựa đến sức khỏe con người chỉ mới được thực hiện gần đây. Các vấn đề về hô hấp, tiêu hóa, nội tiết, phát triển và sinh sản, thậm chí cả ung thư có liên quan đến việc tiêu thụ và hít phải vi nhựa. Sự xuất hiện của vi nhựa và nhựa nano là không tránh khỏi. Để xử lý vi nhựa, các nhà nghiên cứu tại Đại học Missouri đã đưa ra phương pháp tương đối đơn giản và an toàn để chiết xuất hơn 98% hạt nhựa nano khỏi nước.
Trên cơ sở sử dụng các thành phần tự nhiên kỵ nước và không độc hại, nhóm nghiên cứu đã tạo ra dung môi lỏng nổi trên mặt nước như dầu. Khi nhũ hóa nước và sau đó tách ra, dung môi sẽ nổi trở lại trên bề mặt mang theo hơn 98% chất ô nhiễm nhựa nano để dễ dàng vớt ra khỏi nước. Do kỵ nước, dung môi eutecti rất ít nguy cơ để lại chất gây ô nhiễm.
Gary Baker, phó giáo sư tại Khoa Hóa học thuộc trường Đại học Missouri và là đồng tác giả nghiên cứu cho rằng: "Chiến lược của chúng tôi sử dụng một lượng nhỏ dung môi để hấp thụ các hạt nhựa từ khối lượng lớn nước. Hiện nay, khả năng ứng dụng của các dung môi này vẫn chưa được hiểu rõ. Trong tương lai, chúng tôi đặt mục tiêu tăng tối đa việc sử dụng dung môi. Ngoài ra, chúng tôi sẽ khám phá các phương pháp tái chế dung môi, cho phép tái sử dụng nhiều lần khi cần".
Nhóm nghiên cứu hiện đã đưa ra một số cách loại bỏ vi nhựa trong nước uống dựa vào kích thước vi nhựa. Bộ lọc than hoạt tính cơ bản không được thiết kế riêng để loại bỏ vi nhựa nhưng khá hiệu quả trong việc xử lý những thứ có kích thước lớn hơn năm micron. Bộ lọc cặn nhiều giai đoạn có kích thước lỗ một micron hoạt động khá tốt. Thẩm thấu ngược, ép nước qua các lỗ nhỏ bằng một phần mười nghìn micron là một trong những phương pháp tốt nhất để loại bỏ mọi loại chất ô nhiễm khỏi nước. Tuy nhiên, các lỗ nhỏ có hạn chế là hay bị tắc và cần được vệ sinh thường xuyên. Nước cất đạt hiệu quả xử lý gần 100%, nhưng lại loại bỏ cả những khoáng chất thiết yếu cho cơ thể.
Phương pháp mới bổ sung thêm một cách xử lý khác và hoạt động hiệu quả với cả nước ngọt và nước mặn. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí ACS Applied Engineering Materials.
N.P.D (NASATI), theo Newatlas, 8/2024