5G là viết tắt của công nghệ mạng di động thế hệ thứ năm. Công nghệ này cho phép giao tiếp không dây, ví dụ, từ điện thoại di động của bạn đến tháp di động, rồi truyền đến Internet. 5G là dịch vụ mạng do các đơn vị viễn thông cung cấp và không giống băng tần 5 GHz trên bộ định tuyến Wi-Fi của bạn.
Công nghệ 5G cung cấp băng thông lớn gấp 10 lần 4G. Băng thông càng lớn càng tốt vì trên sóng vô tuyến tần số thấp và trung bình, 5G sử dụng thêm sóng tần số cao hơn để mã hóa và truyền tải thông tin.
Băng thông tương tự như chiều rộng của đường cao tốc. Đường cao tốc càng rộng thì càng có nhiều làn đường và cho phép nhiều xe lưu thông cùng lúc. Điều này khiến cho 5G nhanh hơn nhiều và có thể xử lý nhiều thiết bị hơn.
Công nghệ 5G có thể cung cấp tốc độ khoảng 50megabit mỗi giây cho đến hơn 1 gigabit mỗi giây. Kết nối gigabit mỗi giây cho phép bạn tải một bộ phim có độ nét cao trong vòng chưa đầy một phút. Điều này có nghĩa là không còn tình trạng kết nối kém ở những nơi đông người? Việc tăng thêm băng thông sẽ hữu ích, nhưng cũng như việc tăng số làn đường trên cao tốc không phải lúc nào cũng làm giảm tắc đường, vì ngày càng có nhiều người sử dụng đường cao tốc mở rộng. 5G có khả năng mang lại nhiều lưu lượng hơn so với mạng 4G, nhưng đôi lúc, bạn không thể có được kết nối tốt.
Ngoài kết nối điện thoại và máy tính xách tay, 5G sẽ kết nối nhiều thiết bị khác, từ khung ảnh đến lò nướng bánh như một phần của cuộc cách mạng Internet kết nối vạn vật. Vì vậy, mặc dù mạng 5G có thể xử lý tới một triệu thiết bị trên một km vuông, nhưng tất cả băng thông đó có thể nhanh chóng được sử dụng hết và đòi hỏi nhiều hơn như 5,5G trong tương lai với băng thông lớn hơn.
Lợi ích của công nghệ 5G
Công nghệ 5G có thể sử dụng các tần số băng tần thấp, trung bình và cao, mỗi tần số đều có ưu và nhược điểm riêng. Sóng tần số thấp có thể truyền đi xa hơn nhưng chậm hơn. Sử dụng sóng tần số cao có nghĩa là thông tin có thể truyền đi nhanh hơn nhưng những sóng này chỉ có thể truyền đi những khoảng cách giới hạn. 5G tần số cao có thể đạt được tốc độ gigabit trên giây, hứa hẹn khiến ethernet (công nghệ mạng cục bộ hay mạng LAN) và các kết nối có dây khác trở nên lỗi thời trong tương lai. Tuy nhiên, hiện nay, tần suất cao đi kèm với chi phí cao nên chỉ được triển khai ở những khu vực cần thiết như trong môi trường đô thị đông đúc, sân vận động, trung tâm hội nghị, sân bay và phòng hòa nhạc.
Một loại dịch vụ 5G được gọi là Truyền thông siêu tin cậy và có độ trễ thấp, có thể được sử dụng khi dữ liệu cần được truyền đi mà không bị mất hoặc gián đoạn dịch vụ. Ví dụ, điều khiển máy bay không người lái trong các khu vực thiên tai. Một ngày nào đó, khi công nghệ 5G trở nên mạnh mẽ hơn, thì thậm chí có thể được sử dụng để phẫu thuật từ xa.
Bài báo nghiên cứu của Prasenjit Mitra, Giáo sư về Khoa học và Công nghệ thông tin tại trường Đại học PennSylvania, Hoa Kỳ đã được công bố trên trang the conversation.com.
N.P.D (NASATI), theo https://scitechdaily.com/what-is-5g-an-electrical-engineer-explains-the-technology/, 23/1/2022