Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Hà Nam năm 2024 – 2025

Tin tức sự kiện  
Bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Hà Nam năm 2024 – 2025

​Với mục đích triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của Trung ương và của tỉnh về công tác bảo tồn và phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống nhằm tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển bền vững gắn với bảo tồn giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của làng nghề, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các mục tiêu, nội dung phát triển làng nghề năm 2024 - 2025 trên địa bàn tỉnh, ngày 01/3/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 344/KH-UBND Bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Hà Nam năm 2024 – 2025.

Mục tiêu của kế hoạch : Duy trì 58 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận đang hoạt động. Có ít nhất 02 - 03 sản phẩm của làng nghề được công nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên; 01 sản phẩm của làng nghề được bảo hộ sở hữu trí tuệ. 70% người lao động trong làng nghề được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản. 100% cơ sở sản xuất - kinh doanh, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, kế hoạch đã xác định rõ các nội dung, nhiệm vụ cần thực hiện, đó là:

* Tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến phát triển thị trường và xây dựng thương hiệu: 

- Thực hiện hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác bảo tồn và phát triển làng nghề, công tác bảo vệ môi trường làng nghề, phát triển làng nghề gắn với phát triển sản phẩm OCOP trong các làng nghề, làng nghề truyền thống.

- Tổ chức, hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong làng nghề tham gia hội chợ, xúc tiến thương mại nhằm quảng bá thương hiệu, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

- Hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp tại làng nghề xây dựng thương hiệu, hệ thống truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, bộ phận nhận diện thương hiệu các sản phẩm làng nghề; xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu, quảng bá sản phẩm, bán hàng trực tuyến; hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể sản xuất tại các làng nghề lập hồ sơ tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP.

* Tổ chức rà soát, thống kê, đánh giá, phân loại nghề, làng nghề, thực hiện rà soát, đánh giá phân loại nghề, làng nghề theo Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ theo hướng:

- Những nghề, làng nghề có nguy cơ mai một, thất truyền nhưng không thể khôi phục. Những nghề, làng nghề có nguy cơ mai một, thất truyền nhưng có khả năng khôi phục và phát triển. Những nghề, làng nghề có xu hướng phát triển.

- Xây dựng quy định về việc công nhận và thu hồi bằng công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Xây dựng Chương trình phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

* Khôi phục, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống:

- Đối với những nghề, làng nghề có nguy cơ mai một, thất truyền nhưng không thể khôi phục thì tiến hành các biện pháp bảo tồn là chính. Trong đó, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

 + Tuyên truyền, vận động người dân bảo tồn nghề, làng nghề phục vụ công tác sưu tầm, tài liệu hóa, bảo tồn bí quyết, công nghệ cổ truyền tinh xảo, độc đáo, các sản phẩm được lưu truyền, các mẫu hoa văn truyền thống, các lễ hội truyền thống của làng nghề để lưu giữ tại các khu trưng bày, khu lưu niệm, nhà văn hóa của thôn, xóm.

+ Bảo tồn tại thực địa gắn với du lịch trải nghiệm làng nghề thông qua các hoạt động trình diễn của nghệ nhân, thợ giỏi. Tiến hành các biện pháp lưu giữ thông qua việc số hóa tư liệu, xây dựng phim, hình ảnh, ấn phẩm…

- Đối với các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền nhưng có khả năng khôi phục và phát triển:

+ Tuyên truyền, vận động người dân trong việc bảo tồn, giữ gìn nghề truyền thống của địa phương. Xây dựng kế hoạch nhằm khôi phục, bảo tồn đối với nghề truyền thống, làng nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một, thất truyền. Tổ chức lại hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nghề truyền thống và các làng nghề truyền thống theo hướng liên kết chuỗi giá trị và gắn với bảo vệ môi trường, cảnh quan khu vực làng nghề.

+ Ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh: Sử dụng công nghệ truyền thống kết hợp áp dụng cơ khí hóa một số công đoạn sản xuất thủ công mà không ảnh hưởng đến giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ và giá trị truyền thống của sản phẩm như các công đoạn xử lý, chuẩn bị nguyên liệu, sơ chế, hoàn thiện, đóng gói,… nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm làng nghề.

+ Đổi mới và đa dạng mẫu mã các sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Phát triển và xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề. Chủ động, tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Tổ chức tiến hành đào tạo nguồn nhân lực trong các làng nghề và tiến hành truyền nghề truyền thống.

- Đối với các nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận và đang hoạt động hiệu quả:

+ Đẩy mạnh phát triển các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống sản xuất ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ tốt. Chú trọng nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng. Đẩy mạnh công tác phát triển thương hiệu gắn với các điểm tiêu thụ sản phẩm.

+ Hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, mở rộng sản xuất phát triển sản phẩm, tạo liên kết với các cơ sở lớn tiêu thụ sản phẩm ra thị trường; Tăng cường xúc tiến thương mại, tạo điều tiếp thị các sản phẩm, nắm bắt thị trường, trao đổi kinh nghiệm để định hướng phát triển sản xuất các sản phẩm thủ công có giá trị xuất khẩu, phù hợp với điều kiện địa phương.

+ Chú trọng và tăng cường công tác bảo vệ môi trường làng nghề; xây dựng và triển khai thực hiện phương án bảo vệ môi trường làng nghề đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.

+ Đối với làng nghề có hệ thống xử lý nước thải tập trung cần áp dụng các công nghệ xử lý nước thải tiên tiến, phù hợp; tăng cường áp dụng các công nghệ sản xuất sạch, thân thiện với môi trường.

* Phát triển làng nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới:

- Phục hồi, tôn tạo các di tích liên quan đến giá trị văn hóa nghề, làng nghề truyền thống (không gian làm nghề, cảnh quan làng nghề,…); phát triển hạ tầng làng nghề gắn với du lịch (đường giao thông, công trình phụ trợ,…); tổ chức các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của nghề và làng nghề truyền thống gắn với nét độc đáo, bản sắc văn hóa riêng của từng làng nghề.

- Phối hợp với các công ty du lịch lữ hành xây dựng các tour du lịch gắn với thăm quan trải nghiệm tại các làng nghề truyền thống. Phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp xây dựng các trung tâm trưng bày và mua sắm các sản phẩm tại làng nghề để phục vụ khách du lịch.

- Tổ chức liên kết chuỗi giá trị, phát triển làng nghề gắn với du lịch: Phát triển các sản phẩm du lịch làng nghề trên cơ sở các công trình văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng, các điểm du lịch, các tuyến du lịch, chương trình du lịch nông thôn (du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh, du lịch canh nông,..), góp phần phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

* Tổ chức các hoạt động tôn vinh các sản phẩm và các nghệ nhân, thợ giỏi tiêu biểu:

- Phát huy vai trò của nghệ nhân, thợ giỏi: Duy trì và phát triển đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi, tạo nòng cốt thúc đẩy công tác đào tạo, truyền nghề, thực hành nghề thủ công truyền thống, lan tỏa các giá trị của di sản văn hóa nghề truyền thống trong cộng đồng, đặc biệt đối với thế hệ trẻ; bảo tồn, phát triển kỹ năng nghề truyền thống, sáng tạo thêm nhiều sản phẩm, tác phẩm mới có giá trị.

- Tổ chức đánh giá, phong tặng, tôn vinh các danh hiệu thợ giỏi, nghệ nhân và các sản phẩm làng nghề tiêu biểu. Sưu tầm, lưu giữ và tổ chức trưng bày các tác phẩm tiêu biểu, đặc sắc của các nghệ nhân, thợ giỏi, nghệ nhân tiêu biểu các cấp.

* Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng và bảo vệ môi trường làng nghề:

Xây dựng và tổ chức thực hiện phương án bảo vệ môi trường, khuyến khích việc xây dựng hương ước, quy ước về bảo vệ môi trường làng nghề; Nghiên cứu, chuyển giao quy trình công nghệ sản xuất tuần hoàn, khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở sản xuất trong làng nghề tái sử dụng phụ phẩm nông lâm nghiệp để làm nguyên liệu sản xuất, tái sử dụng và xử lý chất thải phù hợp với điều kiện làng nghề, giảm thiểu ô nhiễm, thân thiện môi trường;  Khuyến khích việc di dời cơ sở, hộ gia đình sản xuất ra khỏi làng nghề và chuyển đổi ngành, nghề không khuyến khích phát triển lại làng nghề theo quy định. Xử lý ô nhiễm môi trường tại các khu vực đã bị ô nhiễm sau khi di dời hoặc chấm dứt hoạt động.

Đối với việc thực hiện kế hoạch này, ngoài nhiệm vụ của các sở, ngành, đơn vị, địa phương, các làng nghề trên địa bàn tỉnh, Sở Khoa và Công nghệ có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, phổ biến, hướng dẫn, quản lý công nghệ sản xuất đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững các làng nghề; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm có giá trị, hiệu quả kinh tế tại các làng nghề dưới hình thức nhiệm vụ khoa học công nghệ./.​


Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nam