Là sản phẩm đặc sản của vùng quê Hà Nam, chuối ngự Đại Hoàng (chuối tiến Vua) từ lâu được biết đến bởi sự thơm ngon nổi tiếng đã gắn với lịch sử hàng trăm năm và nét văn hóa cộng đồng dân cư. Những năm qua, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, chuối ngự Đại Hoàng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý, vào tháng 12 năm 2009. Đây là sản phẩm thứ 17 được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý trên toàn quốc.
Chuối Ngự - loại chuối dùng để tiến Vua trước đây là một trong các loại chuối thuộc họ Musaceae (mu-sa-ke) được trồng chủ yếu ở thôn Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Từ lâu, chuối ngự đã được biết đến bởi sự thơm ngon nổi tiếng, đã đi vào thơ, văn… Trải qua nhiều năm tháng, loại trái cây đặc sản gắn với vùng đất đặc biệt này vẫn được người dân Đại Hoàng gìn giữ như lời căn dặn của Bác Hồ: “Đây là vật quý của Đại Hoàng nên lưu giữ".
Chuối ngự Đại Hoàng có được danh tiếng như vậy là nhờ có tính chất, chất lượng đặc thù, khác biệt hẳn so với các loại chuối khác. Những tính chất, chất lượng đặc thù của chuối ngự Đại Hoàng có được là do điều kiện khí hậu vùng đất này. Bên cạnh đặc thù về điều kiện địa lý tự nhiên, tính chất, chất lượng đặc thù, chuối ngự Đại Hoàng có được chất lượng tốt, ngon còn do bàn tay chăm sóc của người dân nơi đây.
Để phát triển, bảo tồn giống chuối ngự, theo ý kiến tư vấn của các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Hợp tác Khoa học Kỹ thuật Châu Á - Thái Bình Dương, Hội Phụ nữ huyện Lý Nhân đã đề xuất dự án Khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn và phát triển quỹ gen cây ăn quả đặc sản của hệ sinh thái nông nghiệp vùng chiêm trũng huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam (VN/05/005) và đã được Tổ chức tài trợ các dự án vừa và nhỏ thuộc Quỹ Môi trường toàn cầu đồng ý cho triển khai thực hiện từ tháng 3/2006-3/2009. Dự án được triển khai tại 2 xã là Hòa Hậu và Tiến Thắng (Lý Nhân). Trong đó, diện tích trồng chuối ngự theo dự án tại xã Hòa Hậu là 3,3 ha, chiếm 8,6% tổng diện tích trồng chuối của cả xã, với 54 hộ dân tham gia. Tại xã Tiến Thắng, có 21 hộ tham gia sản xuất chuối, tập trung ở 02 cánh đồng của xóm 12 và xóm 5, với diện tích 1,68 ha. Các hộ tham gia dự án đã thực hiện nghiêm túc theo đúng quy mô, diện tích đăng ký và quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc nên tỷ lệ cây sống đạt 96%. Ngoài ra, dự án đã xây dựng được bản đồ khoanh vùng phát triển chuối ngự tỉnh Hà Nam: diện tích vùng phát triển chuối ngự khoảng 200 ha, trong đó vùng cho chất lượng chuối ngon nhất bao gồm 17 xóm của xã Hòa Hậu và 9 xóm của xã Tiến Thắng, với diện tích trên 100 ha.
Mô hình trồng chuối ngự đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định, giá trị thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/ha/năm, tâm lý người dân phấn khởi và họ đã ý thức được lợi ích từ việc bảo tồn và phát triển loài gen quý hiếm này.
Năm 2007, với sự hỗ trợ của cơ quan tư vấn là Trung tâm nghiên cứu & phát triển Hệ thống nông nghiệp trong khuôn khổ đề tài “Xây dựng hồ sơ Đăng bạ chỉ dẫn địa lý Đại Hoàng cho sản phẩm chuối ngự ở huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam", đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý do UBND huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam làm chủ đơn đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý vào tháng 12 năm 2009. Đây là sản phẩm thứ 17 được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý trên toàn quốc.
Tuy nhiên, sau một thời gian mở rộng diện tích đã xuất hiện tình trạng suy giảm về hình thức, chất lượng sản phẩm, đặc biệt là việc tổ chức khai thác, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý chưa được triển khai hiệu quả do chưa có một tổ chức (hội, hiệp hội, hợp tác xã) thích hợp để quản lý sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ; sản phẩm tuy đã được cấp bằng bảo hộ nhưng công tác trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý vẫn chưa được triển khai; chưa có một cơ chế, chính sách thích hợp để kiểm soát việc sử dụng chỉ dẫn địa lý; nhận thức của người dân về chỉ dẫn địa lý còn rất hạn chế; sản phẩm chuối ngự chưa được gắn nhãn mang chỉ dẫn địa lý Đại Hoàng nên người tiêu dùng không phân biệt được đâu là chuối ngự Đại Hoàng và sản phẩm cùng loại; chưa có một chiến lược thương mại thích hợp mang tên chỉ dẫn địa lý Đại Hoàng.
Xuất phát từ thực trạng trên, thời gian qua, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Hệ thống nông nghiệp xây dựng dự án: Mở rộng vùng tiềm năng và phát triển chỉ dẫn địa lý của chuối ngự (Lý Nhân - Hà Nam) và đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam ra quyết định phê duyệt. Dự án có mục tiêu là: phát triển và mở rộng vùng sản xuất chuối ngự Đại Hoàng; xây dựng mô hình và chuyển giao các biện pháp kỹ thuật tăng năng suất, phẩm chất, giải vụ, phòng trừ sâu bệnh và rấm chuối ngự Đại Hoàng (5 mô hình: với diện tích 1.000m2/1 mô hình); xây dựng mô hình tổ chức của người hưởng lợi (Hiệp hội) để quản lý và phát triển bền vững sản phẩm chuối ngự Đại Hoàng mang Chỉ dẫn Địa lý; tăng cường khả năng tiếp cận thị trường cho sản phẩm chuối ngự Đại Hoàng mang chỉ dẫn địa lý (xây dựng 3 kênh phân phối mới); nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh và sở hữu trí tuệ cho người hưởng lợi.
Hy vọng, sau nhiều cố gắng nỗ lực phát triển sản phẩm và đạt được chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm đặc sản của quê hương mình, người dân địa phương các khu vực trồng sản phẩm chuối ngự Đại Hoàng của huyện Lý Nhân cùng với các đơn vị có trách nhiệm cần ý thức rõ chỉ dẫn địa lý là văn bằng bảo hộ có ý nghĩa hết sức quan trọng, sẽ làm tăng giá trị kinh tế, phát triển thương hiệu sản phẩm. Để có được Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chuối ngự Đại Hoàng là điều không hề dễ dàng, nhưng giữ được giá trị của văn bằng, duy trì và phát triển chỉ dẫn địa lý Đại Hoàng lại càng khó và sẽ tốn nhiều công sức hơn, rất cần có sự chung sức của cả cộng đồng./.