Bệnh đau mắt đỏ gây ra bởi adenovirut ở người (human adenovirus - HAdV) là căn bệnh về mắt phổ biến nhất trên thế giới. Việt Nam là điểm nóng về dịch đau mắt đỏ do HAdV, nhưng nghiên cứu về HAdV vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Năm 2006, Jin và cộng sự thuộc Đại học Hokkaido, Nhật Bản đã phối hợp với TS. Nguyễn Thanh Hà tại Bệnh viện Hữu nghị, Hà Nội, thực hiện điều tra ban đầu về bệnh đau mắt đỏ gây ra bởi HAdV ở Hà Nội. Tuy chỉ dựa trên 21 mẫu bệnh phẩm được nghi ngờ có mang virut HAdV gây bệnh đau mắt đỏ ở Hà Nội, nhưng nhóm tác giả đã phát hiện 14 mẫu mang HAdV, trong đó có 11 mẫu có chủng virut HAdV-8, 2 mẫu có chủng HAdV-3 và 1 mẫu có chủng HAdV-37.
Các kết quả bước đầu này chỉ ra rằng ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung có sự đa dạng cao về các chủng HAdV gây bệnh đau mắt đỏ. Tuy vậy, từ năm 2006 đến nay, chưa có nghiên cứu nào ở trong nước cũng như trên thế giới nghiên cứu về các chủng HAdV gây bệnh đau mắt đỏ ở Việt Nam. Vì thế, TS. Nguyễn Văn Sáng và các cộng sự tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã thực hiện đề tài: “Phân tích hệ gen các chủng virut HAdV gây bệnh đau mắt đỏ ở Việt Nam” trong thời gian từ năm 2017 đến năm 2021.
Đề tài hướng đến thực hiện mục tiêu phân lập và xác định được một số chủng virut HAdV gây bệnh đau mắt đỏ chủ yếu ở Việt Nam; phân tích trình tự hệ gen của các chủng HAdV chính đã phân lập được và chỉ ra tốc độ tiến hóa của HAdV ở Việt Nam so với chủng gốc; và góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu hệ gen HAdV gây bệnh đau mắt đỏ ở Việt Nam để ứng dụng cho các nghiên cứu về hệ protein, cơ chế gây bệnh của HAdV.
Trong nghiên cứu này, 122 mẫu dịch mắt được thu từ các bệnh nhân đau mắt đỏ nghi nhiễm HAdV ở bệnh viện Mắt Trung Ương được thu thập và nghiên cứu. Trong 120 mẫu phân tích bằng PCR, có 67 mẫu dương tính với HAdV trong đó có 3 mẫu HAdV-3 (4.5%), 1 mẫu HAdV-4 (1.5%), 2 mẫu HAdV-7 (3.0%), 56 mẫu HAdV-8 (86.5%), 1 mẫu HAdV-37 (1.5%), và 2 mẫu nghi là mẫu tái tổ hợp giữa chủng HAdV-8 và chủng HAdV-3 (3.0%). Việc sử dụng kết hợp cả 3 gen hexon, penton và fiber giúp tăng khả năng phát hiện HAdV trong mẫu bệnh phẩm. Ba chủng HAdV-3, HAdV-7 và HAdV-8 phổ biến nhất tại Việt Nam đã được phân lập và lưu dữ ở - 800C. Phân tích hệ gen chủng HAdV-8 của Việt Nam cho thấy chủng này có mức độ tương đồng hệ gen rất cao so với chủng HAdV-8 của Nhật Bản (99,80%), Saudi Arabia (99,80%), Đức (99,78%), và Mỹ (99,79%). Kết quả này chỉ ra rằng chủng HAdV-8 đang lưu hành phổ biến tại Việt Nam là chủng có phân bố rộng, đang gây bệnh ở nhiều nơi trên thế giới với mức độ bảo thủ hệ gen rất cao. Hệ gen HAdV-3 phân lập tại Việt Nam cũng cho mức độ bao thủ cao khi so sánh với các hệ gen HAdV-3 trên thế giới. Tuy nhiên, vẫn có một số biến đổi phân bố trên toàn bộ hệ gen chủng HAdV-3 và HAdV-8. Điều này cho thấy các chủng vi rút này tiếp tục biến đổi và cần phải có biện pháp điều tra và theo dõi thường xuyên sự biến đổi hệ gen của chúng nhằm có biện pháp phòng chống nguy cơ xuất hiện các chủng mới gây dịch.
Việc giải trình tự hệ gen và xây dựng cơ sở dữ liệu hệ gen các chủng HAdV ở Việt Nam là hết sức cấp thiết, tạo tiền đề cho hàng loạt các nghiên cứu sâu hơn về HAdV như phát triển các kit chẩn đoán nhanh bệnh do HAdV gây ra và các nghiên cứu cơ chế phân tử của quá trình gây bệnh, cũng như tìm ra các đích phát triển thuốc đặc hiệu cho HadV.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20370/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)