Lần đầu tiên, người bệnh được truyền tế bào máu nuôi cấy từ tế bào gốc trong phòng thí nghiệm. Thử nghiệm lâm sàng về tính an toàn của quy trình này hiện đang được tiến hành, có thể tạo nên một cuộc cách mạng trong việc truyền máu.
Hiến máu có thể cứu người, đặc biệt là đối với những người mắc chứng rối loạn như thiếu máu hồng cầu hình liềm. Tuy nhiên, nhu cầu về máu vượt xa nguồn cung và việc tương thích với nhóm máu hiến tặng là vấn đề phức tạp, thường khiến bệnh nhân bị thiếu máu.
Giải pháp thay thế sẽ là sản xuất trên quy mô lớn các tế bào hồng cầu trong phòng thí nghiệm, có thể được điều chỉnh để phù hợp với bất kỳ nhóm máu nào. Các nhà khoa học đã nghiên cứu hướng đến mục tiêu này trong nhiều thập kỷ và giờ đây, đã đạt được một dấu mốc quan trọng với việc lần đầu tiên truyền máu nuôi cấy trong phòng thí nghiệm cho người bệnh.
Kỹ thuật này bắt đầu với máu được lấy từ người hiến tặng, nhưng trong trường hợp này, các nhà khoa học không sử dụng các tế bào hồng cầu, mà là các tế bào gốc của máu. Các tế bào máu được phân lập và đặt trong dung dịch dinh dưỡng từ 18 đến 21 ngày, kích thích chúng sinh sôi và phát triển thành các tế bào máu trưởng thành. Sau đó, chúng được tinh chế và lưu trữ, sẵn sàng cho việc truyền máu.
Thử nghiệm lâm sàng mới, có tên là RESTORE, được thiết kế để kiểm tra độ an toàn của việc truyền các tế bào máu này, cũng như thời gian chúng tồn tại trong cơ thể. Các tế bào hồng cầu thường có tuổi thọ khoảng 120 ngày, nhưng máu hiến tặng thông thường chứa một mẫu tế bào ngẫu nhiên có thời gian tồn tại khác nhau. Mặt khác, máu nuôi cấy trong lab, đều được tạo ra ở dạng “tươi” nên đều tồn tại được đến 120 ngày.
Thử nghiệm RESTORE sẽ bao gồm ít nhất 10 người tham gia được truyền lượng máu nhỏ dao động từ 5 đến 10 ml (1-2 thìa cà phê) tế bào hồng cầu. Mỗi người sẽ được truyền máu hai lần, cách nhau bốn tháng - lần một là tế bào máu nuôi cấy trong phòng thí nghiệm và lần hai máu hiến tăng thông thường. Sau đó, họ sẽ được theo dõi tác dụng phụ và đặc biệt kiểm tra thời gian tồn tại của máu nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Cho đến nay, hai người tham gia đã được truyền tế bào máu nuôi cấy trong phòng thí nghiệm như một phần của thử nghiệm và chưa thấy tác dụng phụ không đáng có.
Tế bào máu nuôi cấy trong lab khi được phát triển thêm, có thể mang lại một số lợi ích vượt trội hơn so với hiến máu thông thường. Đối với những người có bệnh cần truyền máu thường xuyên, tuổi thọ của tế bào máu dài hơn sẽ giúp người bệnh kéo dài khoảng cách giữa các lần truyền máu. Từ đó làm giảm nhu cầu về sự tương thích nhóm máu giữa người cho và người nhận, sẽ giảm bớt tình trạng thiếu hụt máu về lâu dài. Mặc dù đây là bước đột phá mới hướng tới mục tiêu đó, nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm trước khi việc truyền máu thường xuyên được triển khai trong phòng thí nghiệm.
N.P.D (NASATI), theo https://newatlas.com/medical/first-human-patients-lab-grown-blood-cells-transfusions-clinical-trial/, 6/11/2022