Trong những năm gần đây, chất lượng môi trường biển đã có những biến động mạnh, ngày càng diễn biến theo chiều hướng xấu do sự biến đổi khí hậu toàn cầu và các hoạt động của con người. Chất lượng môi trường các đảo vừa chịu ảnh hưởng của sự suy giảm chất lượng nước biển dải ven bờ vừa chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên đảo như du lịch, sinh hoạt, khai thác, nuôi trồng thuỷ sản, dịch vụ hậu cần nghề cá… Các hoạt động khai thác cạn kiệt, sử dụng các hình thức khai thác mang tính huỷ diệt như sử dụng mìn, hoá chất độc hại chứa gốc xyanua… đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học (ĐDSH), nguồn lợi, môi trường và các hệ sinh thái (HST) biển.
Các số liệu thống kê gần đây về sức khoẻ rạn san hô Việt Nam cho thấy, chỉ còn 1% các rạn trong điều kiện tốt (độ phủ san hô sống trên 75%); 26% các rạn trong điều kiện tốt (độ phủ san hô sống 50-75%); 41% các rạn trung bình (độ phủ san hô sống 25-49%) và còn lại 31% là các rạn nghèo (độ phủ san hô sống dưới 25%). Số liệu thống kê còn cho biết, 96% các rạn trên khắp vùng biển cả nước đang phải hứng chịu tác động tiêu cực từ những hoạt động con người, trong đó gần 75% các rạn có mức độ rủi ro cao và rất cao. Khai thác huỷ diệt được xác định như là tác động mạnh mẽ nhất, 85% các rạn san hô có mức độ rủi ro từ trung bình trở lên bị tác động do hoạt động này. Điều này đặt ra yêu cầu xây dựng giải pháp qui hoạch và quản lý tổng hợp mang tính hiệu quả.
Xuất phát từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Đỗ Văn Khương tại Viện nghiên cứu hải sản đã thực hiện đề tài: “Điều tra tổng thể đa dạng sinh học các hệ sinh thái rạn san hô và vùng ven đảo ở vùng biển Việt Nam phục vụ phát triển bền vững” trong thời gian từ năm 2010 đến năm 2015. Đề tài hướng đến thực hiện mục tiêu xác định được hiện trạng về điều kiện môi trường, ĐDSH và nguồn lợi sinh vật trong các hệ sinh thái rạn san hô và vùng ven đảo Việt Nam phục vụ phát triển bền vững.
Sau năm năm nghiên cứu, đề tài đã thu được các kết quả như sau:
- Đã đánh giá được mức độ suy giảm ĐDSH đối với một số nhóm loài sinh vật quan trọng trong HST rạn san hô và vùng ven đảo tại 19 đảo so với những năm trước đây. Đánh giá được các tác động đến các HST điển hình như HST rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển tại 19 đảo. Ngoài các tác động do tự nhiên như biến đổi khí hậu, sóng biển, gió bão… các tác động của con người như khai thác thủy sản không hợp lý, mang tính hủy diệt, phát triển du lịch thiếu kiểm soát, xây dựng cơ sở hạ tầng ven đảo, nuôi trồng thủy sản, lắng đọng trầm tích, ô nhiễm môi trường… đã tác động rất lớn đến các HST ven đảo tại 19 đảo.
- Đã đánh giá được các mức độ suy thoái và dự báo biến động các HST rạn san hô, rừng ngập mặn, cỏ biển tại 19 đảo. Đây là cơ sở khoa học quan trọng để đề xuất các giải pháp quản lý, sử dụng hợp lý và phát triển bền vững các HST rạn san hô và vùng ven đảo ở vùng biển Việt Nam.
- Đã đánh giá được các biến động về môi trường, ĐDSH học, kinh tế - xã hội nghề cá tại một số đảo so với các kết quả nghiên cứu trước đây. Nhìn chung, đối với các khu vực chưa thành lập khu bảo tồn biển (KBTB) nguồn lợi hải sản vẫn theo xu hướng suy giảm. Ngược lại một số KBTB, nguồn lợi hải sản giảm nhẹ hoặc được duy trì; một số khu bảo tồn quản lý tốt, nguồn lợi có xu hướng phục hồi.
- Đã đánh giá được hiện trạng và hiệu quả công tác bảo tồn ĐDSH tại hai KBTB Cồn Cỏ và Hòn Cau. Nhìn chung, hiệu quả bảo tồn ĐDSH tại hai khu vực này khá tốt. Một số nhóm loài mục tiêu bảo tồn như trồng phục hồi san hô cứng, trồng rừng, hoạt động bảo tồn rùa biển, cua đá… đạt hiệu quả cao.
- Dựa trên các kết quả đánh giá hiện trạng quản lý ĐDSH trong HST rạn san hô và vùng ven đảo; các kết quả bảo tồn các HST biển ven bờ; kết quả xây dựng, khoanh vùng bảo vệ các vùng nhạy cảm, dễ bị tổn thương, dự án đã đề xuất các giải pháp quản lý, sử dụng hợp lý và phát triển bền vững các HST rạn san hô và vùng ven đảo ở biển Việt Nam.
- Dựa trên các tiêu chí về môi trường tự nhiên, ĐDSH và nguồn lợi sinh vật biển, kinh tế - xã hội, tầm quan trọng khoa học, các đe dọa đến HST, môi trường và tính khả thi thiết lập khu bảo tồn, dự án đề xuất quy hoạch mở rộng mạng lưới KBTB Việt Nam đối với vùng biển đảo Thổ Chu (Kiên Giang). KBTB Thổ Chu được đề xuất là Khu bảo tồn loài, sinh cảnh với tổng diện tích là 11.152 ha, gồm ba vùng chức năng chính là vùng lõi (2.020 ha), vùng đệm (2.768 ha) và vùng phát triển (6.364 ha).
Kết quả điều tra, nghiên cứu của đề tài là cơ sở khoa học quan trọng để các nhà quản lý hoạch định các chính sách sử dụng và phát triển kinh tế - xã hội hệ thống đảo ven bờ Việt Nam, trong đó bao gồm cả chính sách phát triển khai thác, nuôi trồng các đối tượng có giá trị kinh tế, nuôi trồng phát triển nguyên liệu phục vụ công nghiệp y dược và dược phẩm trong tương lai.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19205/2016) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)