Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hướng dẫn quy trình tưới lúa tiết kiệm nước giảm phát thải khí nhà kính

Tuyên truyền phổ biến KH - CN Khoa học Công nghệ và đời sống  
Hướng dẫn quy trình tưới lúa tiết kiệm nước giảm phát thải khí nhà kính
Ở nước ta, nông nghiệp là ngành sử dụng nước nhiều nhất. Theo thống kê, lượng nước sử dụng hàng năm cho nông nghiệp khoảng 93 tỷ mét khối, cho công nghiệp khoảng 17,3 tỷ mét khối, cho dịch vụ là 2 tỷ mét khối, cho sinh hoạt là 3,09 tỷ mét khối. Tính đến năm 2030 cơ cấu dùng nước sẽ thay đổi theo xu hướng nông nghiệp 75%, công nghiệp 16%, tiêu dùng 9%. Do vậy, tiết kiệm nước trong nông nghiệp hết sức có ý nghĩa trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Theo kết quả kiểm kê khí nhà kính của Việt Nam, cao nhất là lượng phát thải khu vực nông nghiệp (65,09 triệu tấn CO2) chiếm 43,1% tổng lượng phát thải khí nhà kính Quốc gia. Trong khu vực nông nghiệp, cao nhất là khu vực trồng lúa chiếm 57,5%, khu vực chăn nuôi chiếm 17,18%, đất nông nghiệp chiếm 21,85%, còn lại là các nguồn phát thải do đốt savan và đốt phế thải. Để giảm lượng phát thải khí nhà kính, một trong những biện pháp chính là giảm phát thải mê-tan trên vùng trồng lúa nước.

Nguyên nhân mê-tan sinh ra trên ruộng lúa là do ngập nước. Khi rút nước phơi ruộng giữa vụ, rút nước định kỳ, lộ ruộng thì lượng phát thải mê-tan giảm rõ rệt. Đồng thời lại tiết kiệm lượng nước tưới, giảm độc tố trong đất góp phần nâng cao năng suất lúa.

Việt Nam với trên 3,8 triệu héc-ta canh tác lúa nước, việc áp dụng một chế độ tưới tiêu khoa học nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, tiết kiệm nước đồng thời có ý nghĩa bảo vệ môi trường (giảm phát thải khí nhà kính) cho từng vùng đất trồng lúa ở Việt Nam là rất có ý nghĩa và cần thiết.

I. Điều kiện áp dụng kỹ thuật tưới lúa tiết kiệm nước, giảm phát thải khí nhà kính

- Hệ thống công trình thủy lợi tương đối hoàn chỉnh, chủ động tưới tiêu;

- Mặt ruộng tương đối bằng phẳng;

- Thay đổi tập quán canh tác truyền thống của người dân;

- Có cơ chế chính sách khuyến khích nông dân áp dụng khoa học công nghệ;

- Không áp dụng cho vùng đất trồng lúa ảnh hưởng bởi chua phèn hoạt tính và nước tưới nhiễm mặn;

- Không khuyến khích áp dụng cho vùng đất trũng và lúa vụ 3 (vụ thu đông) vì chi phí bơm tiêu lớn.

II. Lợi ích khi áp dụng kỹ thuật tưới lúa tiết kiệm nước, giảm phát thải khí nhà kính

- Năng suất lúa tăng 5% - 10%;

- Tiết kiệm lượng nước 20% - 30%;

- Lượng phát thải khí nhà kính giảm 20% - 30%;

- Cây lúa cứng không đổ ngã, giảm thất thoát sau thu hoạch so với tưới ngập liên tục.

III. Hướng dẫn quy trình kỹ thuật tưới lúa tiết kiệm nước, giảm phát thải khí nhà kính

Sau đây sẽ giới thiệu kỹ thuật tưới lúa tiết kiệm nước, giảm phát thải khí nhà kính cho vùng Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có tỉnh Hà Nam).

1. Thời vụ gieo cấy

a) Vụ xuân

- Trà xuân sớm: gieo mạ 25/11 - 5/12; cấy 10/01 - 5/02 khi mạ 4-5 lá.

- Trà xuân chính vụ: gieo mạ 5 - 15/12; cấy 20/01 - 5/02 khi mạ 4-5 lá.

- Trà xuân muộn: gieo mạ 25/01 - 10/02, cấy 5 - 28/2.

b) Vụ mùa

- Mùa sớm: gieo mạ 5 - 15/6; cấy trong tháng 6, đầu tháng 7.

- Mùa chính vụ: gieo mạ 15 - 25/6, cấy trước 20/7.

- Mùa muộn: gieo mạ đầu tháng 7, cấy trước 30/7.

2, Quản lý nước mặt ruộng

a) Nguyên tắc chung

Trong quá trình sinh trưởng cây lúa không nhất thiết phải tưới ngập nước liên tục, chỉ cần tưới ngập mặt ruộng giai đoạn hồi xanh (tránh cỏ) và giai đoạn trổ bông (không ảnh hưởng đến năng suất).

Theo dõi lớp nước mặt ruộng bằng ống nhựa cứng dài 30cm, đường kính 15cm (hình 1), đục lỗ 4 - 6 hàng, phần 20cm chôn trong đất.

Hình 1. Ống theo dõi mực nước mặt ruộng

b) Lúa xuân

+ Thời kỳ đổ ải: duy trì mực nước mặt ruộng 3 - 5 cm.

Lượng nước tưới 1.500 m3/ha - 2.500 m3/ha trong 3 - 5 ngày với mức tưới 500 m3/ha/ngày.

+ Các giai đoạn tưới dưỡng

- Giai đoạn cấy - hồi xanh: (10 - 12 ngày sau cấy) duy trì lớp nước mặt ruộng tối đa là 3 cm liên tục để tránh cỏ dại.

Tưới 01 đợt với mức tưới 200 m3/ha - 300 m3/ha.

- Giai đoạn đẻ nhánh: (10 - 35 ngày sau cấy).

Giai đoạn đầu đẻ nhánh: duy trì lớp nước mặt ruộng 3 - 5 cm, gặp mưa cho phép trữ tối đa đến 10 cm, để cạn tự nhiên đến lộ mặt ruộng, khi mực nước thấp hơn mặt ruộng 10 - 12 cm thì tưới tối đa là 5 cm. Giai đoạn này lúa đã giáp tán nên hạn chế được cỏ dại, để lộ mặt ruộng hạn chế nấm khô vằn phát tán.

Giai đoạn này tưới 01 đợt với mức tưới 500 m3/ha - 700 m3/ha.

Giai đoạn cuối đẻ nhánh (khi số dảnh đạt yêu cầu): tháo cạn nước lộ mặt ruộng trong thời gian 5 - 7 ngày để hạn chế đẻ nhánh vô hiệu. Nếu gặp mưa phải tháo hết nước trên ruộng trong ngày.

Hết giai đoạn này tưới 01 đợt để bón đón đòng với mức tưới 500 m3/ha - 700 m3/ha.

- Giai đoạn làm đòng: (35 - 50 ngày sau cấy) duy trì lớp nước mặt ruộng tối đa 5 cm, gặp mưa cho phép trữ đến 10 cm, để cạn tự nhiên đến lộ mặt ruộng trong thời gian 2 ngày đêm, sau đó tưới lên đến 5 cm.

Giai đoạn này tưới 01 đợt với mức tưới 700 m3/ha.

- Giai đoạn trổ bông: (50 - 60 ngày sau cấy) duy trì lớp nước mặt ruộng đến 5 cm trong suốt giai đoạn này, gặp mưa cho phép trữ đến 10 cm.

Giai đoạn này tưới 1 đợt với mức tưới 700 m3/ha.

- Giai đoạn chắc xanh đến chín vàng: (60 - 85 ngày sau cấy) chỉ tưới khi lớp nước thấp hơn mặt ruộng 10 - 12 cm.

Giai đoạn này tưới 1 - 2 đợt (10 - 15 ngày/đợt) với mức tưới 600 m3/ha - 700 m3/ha.

Trước khi thu hoạch 7 - 10 ngày tháo khô ruộng.

Tổng mức tưới dưỡng cả vụ 4.000 m3/ha - 4.500 m3/ha.

c) Lúa mùa

+ Thời kỳ đổ ải: duy trì mực nước mặt ruộng 3 - 5 cm.

Lượng nước tưới 600 m3/ha - 1.000 m3/ha trong 2 - 3 ngày với mức tưới 300 m3/ha/ngày.

+ Các giai đoạn tưới dưỡng

- Giai đoạn cấy - hồi xanh: (10 - 12 ngày sau cấy) duy trì lớp nước mặt ruộng tối đa là 3 cm liên tục để tránh cỏ dại.

Tưới 01 đợt với mức tưới 200 m3/ha - 300 m3/ha.

- Giai đoạn đẻ nhánh: (10 - 35 ngày sau cấy).

Giai đoạn đầu đẻ nhánh: chỉ tưới 3 - 5 cm khi lớp nước thấp hơn mặt ruộng 10 - 12 cm.

Giai đoạn này tưới 01 đợt với mức tưới 500 m3/ha - 700 m3/ha.

Giai đoạn cuối đẻ nhánh (khi số dảnh đạt yêu cầu): tháo cạn nước lộ mặt ruộng trong thời gian 5 - 7 ngày để hạn chế đẻ nhánh vô hiệu. Nếu gặp mưa phải tháo hết nước trên ruộng trong ngày.

Hết giai đoạn này tưới 01 đợt để bón đòng với mức tưới 500 m3/ha - 700 m3/ha.

Giai đoạn làm đòng: (35 - 50 ngày sau cấy) duy trì lớp nước mặt ruộng tối đa 5 cm, gặp mưa cho phép trữ đến 10 cm, để cạn tự nhiên đến lộ mặt ruộng trong thời gian 2 ngày đêm, sau đó tưới lên đến 5 cm.

Giai đoạn này tưới 01 đợt với mức tưới 700 m3/ha.

- Giai đoạn trổ bông: (50 - 60 ngày sau cấy) duy trì lớp nước mặt ruộng đến 5 cm trong suốt giai đoạn này, gặp mưa cho phép trữ đến 10 cm.

Giai đoạn này tưới 01 đợt với mức tưới 700 m3/ha.

- Giai đoạn chắc xanh đến chín vàng: (60 - 85  ngày sau cấy) chỉ tưới khi lớp nước thấp hơn mặt ruộng 10 - 12 cm.

Giai đoạn này tưới 1 - 2 đợt (10 - 15 ngày/đợt) với mức tưới 600 m3/ha - 700 m3/ha.

Trước khi thu hoạch 7 - 10 ngày tháo khô ruộng.

Mức tưới dưỡng cho cả vụ 3.500 - 4.000 m3/ha.

IV. Kết luận

Trong những điều kiện cho phép, việc áp dụng kỹ thuật tưới lúa tiết kiệm nước, giảm phát thải khí nhà kính không những tiết kiệm nước, nâng cao năng suất cây trồng mà còn góp phần giữ gìn và bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong tình trạng biến đổi khí hậu như hiện nay. Vì vậy bà con nông dân và các tổ chức khai thác công trình thủy lợi cần sớm nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật này trên địa bàn tỉnh để việc canh tác nông nghiệp đạt hiệu quả cao./.

Trần Sỹ Phúc - Chi cục Thủy lợi Hà Nam