Trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế sâu rộng, sở hữu trí tuệ (SHTT) đang đóng vai trò ngày càng lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế quốc gia, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đồng thời trở thành một yếu tố quan trọng, gắn chặt với các quan hệ kinh tế - thương mại quốc tế. Chính vì vậy, SHTT nhận được sự quan tâm ngày càng to lớn từ các chính phủ, các tập đoàn lớn đến các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, và đông đảo mọi tầng lớp người dân trong xã hội. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ đã khiến SHTT càng phát huy vai trò là một công cụ hữu hiệu cho các hoạt động kinh tế, thương mại nội địa và quốc tế, khi công nghệ trở thành xương sống cho tăng trưởng kinh tế quốc gia và toàn cầu, và SHTT đóng góp tích cực vào sự hình thành, phát triển và ứng dụng công nghệ.

Sự phát triển mạnh mẽ của SHTT là cơ hội to lớn cho các quốc gia có nền kinh tế dựa trên công nghệ và tri thức, đồng thời cũng tạo ra những thách thức trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với hệ thống SHTT quốc gia. Trong bối cảnh đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng là nâng cao năng lực cho hệ thống SHTT quốc gia, trong đó việc phát triển nguồn nhân lực (NNL) về SHTT, đảm bảo sự phát triển nhanh và bền vững cho hệ thống, đóng vai trò then chốt.
Xuất phát từ thực tiễn trên, TS. Nguyễn Thị Hoàng Hạnh cùng nhóm nghiên cứu tại Cục sở hữu trí tuệ thực hiện “Nghiên cứu đề xuất các nội dung cần thực hiện nhằm phát triển nguồn nhân lực về sở hữu trí tuệ của Việt Nam” với mục tiêu nghiên cứu để làm rõ các luận cứ khoa học và thực tiễn nhằm đề xuất các nội dung cần thực hiện để phát triển nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực SHTT, chú trọng vào các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và số lượng nguồn nhân lực về SHTT trong các cơ quan có liên quan thuộc Bộ KH&CN và các giải pháp nhằm nâng cao kiến thức về SHTT cho nguồn nhân lực của một số cơ quan, tổ chức khác hoạt động trong lĩnh vực SHTT (cơ quan thực thi quyền SHTT, tổ chức hỗ trợ về SHTT...).
Trong khuôn khổ đề tài này, nhóm tác giả đã triển khai nghiên cứu, đánh giá thực trạng nguồn nhân lực trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (SHCN) trong hệ thống SHTT của Việt Nam, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế. Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế có thể thấy, Tổ chức SHTT thế giới cũng như nhiều quốc gia đã sớm chú trọng và thực hiện khá bài bản công tác phát triển nguồn nhân lực về SHTT nói chung và SHCN nói riêng. Trong phát triển nguồn nhân lực, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên môn luôn là giải pháp được đặt ra hàng đầu. Chúng ta có thể lựa chọn những kinh nghiệm, nội dung phù hợp, cũng như xem xét để khai thác các tài liệu sẵn có, tránh lãng phí nguồn lực.
Căn cứ vào thực tế của Việt Nam hiện nay, nhóm nghiên cứu xác định nguồn nhân lực về SHCN là đội ngũ cán bộ làm việc ở Cục SHTT, cán bộ quản lý KHCN và SHTT ở địa phương, cán bộ chuyên trách xử lý các vụ việc về SHCN ở trong các cơ quan thực thi quyền, đội ngũ làm công tác bổ trợ như tư vấn, đại diện hoặc giám định SHCN và đội ngũ cán bộ chuyên trách trong các tổ chức nghiên cứu đào tạo và doanh nghiệp.
Kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực nói chung và kinh nghiệm trong phát triển nguồn nhân lực về SHTT của các nước cho thấy, ngoài các giải pháp về tuyển dụng, đãi ngộ và môi trường làm việc, thì đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng là giải pháp không thể thiếu, thậm chí đóng vai trò quyết định tới chất lượng nguồn nhân lực.
SHTT là một lĩnh vực khó và luôn có những kiến thức mới cập nhật, trong khi ở hầu hết các nước đây không phải là nội dung được đào tạo chính thống trong hệ thống giáo dục, đào tạo quốc gia. Chính vì vậy mà Tổ chức SHTT thế giới cũng như cơ quan SHTT của các nước đều rất chú trọng đến việc xây dựng các kế hoạch, chiến lược về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về SHTT. Các nước phát triển còn thành lập các học viện SHTT cấp quốc gia để triển khai hoạt động đào tạo, bồi dưỡng SHTT một cách bài bản, thống nhất.
Thực tế hoạt động đào tạo, bồi dưỡng về SHTT ở Việt Nam còn chưa được triển khai một cách tổng thể. Kết quả khảo sát cho thấy các cơ quan trong hệ thống SHTT đã quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng về SHTT cho nguồn nhân lực chuyên trách của cơ quan mình nhưng hoàn toàn chưa có những chương trình, kế hoạch được xây dựng một cách bài bản. SHTT là một lĩnh vực cần có sự thống nhất trong cách hiểu và áp dụng, nhưng các khóa đào tạo, bồi dưỡng của các cơ quan dường như chưa có sự phối hợp một cách đầy đủ giữa các bên liên quan.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 23236/2023) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)