Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hội nghị trực tuyến chuyên đề “Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến”

Tin tức sự kiện  
Hội nghị trực tuyến chuyên đề “Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến”
Sáng ngày 31/8/2024, tại Trung tâm Hành chính công thành phố Đà Nẵng, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) tổ chức Hội nghị chuyên đề “Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến”. Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị - Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CĐS chủ trì hội nghị. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới trụ sở các bộ, ban, ngành Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước…

0cf9aa49a542021c5b53.jpg

50b92f4c20478719de56.jpg

Các đại biểu dự hội nghị

Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam có đồng chí Nguyễn Đức Vượng - Tỉnh ủy viên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo về CĐS tỉnh; đồng chí Vũ Tiến Tiệp - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo về CĐS tỉnh; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo về CĐS tỉnh; lãnh đạo: Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo về CĐS tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố; thành viên Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo về CĐS tỉnh…

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam đã trải qua 2 giai đoạn triển khai dịch vụ công trực tuyến: Giai đoạn từ năm 2011-2019 được xem là “khởi động" cho triển khai dịch vụ công trực tuyến hướng tới mức cao nhất. Năm 2011, cả nước chỉ có 4/83 cơ quan triển khai cung cấp 11 dịch vụ công trực tuyến mức cao nhất (mức 4), chiếm 0,01% tổng số dịch vụ công và sau đó mức độ tăng trưởng rất chậm, đến hết năm 2019 mới chỉ đạt gần 11%. Từ năm 2020 đến nay là giai đoạn phát triển theo chiều rộng. Đến nay, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của cả nước đạt 43%, tăng gấp 2,5 lần so với cuối năm 2023; trong đó, khối bộ, ngành đạt 63%, khối địa phương đạt 17,9%. Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến đã có thành công nhưng không đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh những đơn vị đạt kết quả cao, vẫn còn nhiều đơn vị, địa phương đạt kết quả rất thấp, đặc biệt là hồ sơ trực tuyến toàn trình; trung bình khối địa phương mới chỉ đạt 17,9%. Để triển khai dịch vụ công trực tuyến trong giai đoạn mới, phát triển theo chiều sâu, thực chất là phổ cập dịch vụ công trực tuyến theo hướng trực tuyến toàn trình tới mọi người dân và doanh nghiệp. Mục tiêu trong năm 2024, đối với các bộ, ngành, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt tối thiểu 70%; đối với các địa phương, đạt tối thiểu 30%. Năm 2025, đối với các bộ, ngành, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt tối thiểu 85%; đối với các địa phương, đạt tối thiểu 70%...

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, làm rõ thêm những thuận lợi, khó khăn, thách thức đặt ra trong quá trình cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến; các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong thời gian tới.

9f7bcab8c5b362ed3ba2.jpg
Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị - Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CĐS phát biểu kết luận hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghi, đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị - Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CĐS biểu dương, đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong việc cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến thời gian qua. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra một số hạn chế, tồn tại và bài học  kinh nghiệm trong việc cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Về quan điểm, định hướng thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ khẳng định CĐS có vai trò rất quan trọng, góp phần thay đổi phương thức lãnh đạo, chỉ đạo trong tình hình mới, phù hợp, hiệu quả, nâng cao năng lực phản ứng chính sách. Thủ tướng chỉ rõ 1 mục tiêu, 2 trụ cột, 3 đột phá, 4 không và 5 tăng cường trong triển khai dịch vụ công trực tuyến.

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ, nhất là phát huy vai trò người đứng đầu trong triển khai dịch vụ công trực tuyến. Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khẩn trương phân cấp, phân quyền cho địa phương thực hiện các thủ tục hành chính. Tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, xanh hóa các dịch vụ công; đẩy mạnh tái cấu trúc các quy trình, tái sử dụng dữ liệu liên thông; phấn đấu hoàn thành cung cấp 53/53 dịch vụ công trực tuyến theo Đề án 06. Đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; xây dựng, hoàn thành, đưa vào vận hành các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; tăng cường kết nối, chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công theo hướng người dân chỉ cung cấp thông tin một lần cho các cơ quan nhà nước. Tiếp tục quan tâm, đầu tư phát triển hệ thống công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu phục vụ CĐS quốc gia thông suốt, hiệu quả. Tiến hành tổng rà soát, đánh giá tình hình bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng đối với các hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý theo hướng dẫn của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông. Đổi mới, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp…/.

PV
https://hanam.gov.vn/