Ngày nay, với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, nền kinh tế thị trường đang ngày càng đòi hỏi các sản phẩm đảm bảo chất lượng cao, giá cả ổn định và mang tính cạnh tranh. Một yêu cầu cấp thiết đặt ra cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh là phải xác định được “tên tuổi và chỗ đứng" trên thị trường trong và ngoài nước.
Đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực để có được sự nhận biết và sự tin cậy của người tiêu dùng là một nhiệm vụ hết sức khó khăn. Chưa tính đến chất lượng hàng hoá là yêu cầu quan trọng nhất, việc tiếp cận thị trường làm cho người tiêu dùng biết đến hàng hoá đòi hỏi phải có khoản đầu tư đáng kể. Với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, các sản phẩm chất lượng của địa phương làm thế nào để đạt mục đích tiếp cận được thị trường? Để trả lời cho câu hỏi này, các tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm cần nghĩ ngay tới việc đăng ký tạo lập quyền sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm bản địa, đặc hữu, có danh tiếng, đậm tính đặc thù, chuyên biệt cho một khu vực địa lý. Đây là một trong những giải pháp cần thiết nhất để xây dựng thương hiệu và phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.
Nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận thường được sử dụng nhằm khẳng định giá trị của các sản phẩm mang đặc trưng của một vùng nhất định, hạn chế tình trạng làm hàng nhái đem lại lợi ích cho nhà sản xuất, nhà kinh doanh. Việc tạo dựng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận trên thực tế phải đi kèm sự phát triển của các tiêu chuẩn nhất định cùng với một chiến lược chung của mô hình quản lý. Khi đó, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận mới có thể trở thành một công cụ hữu hiệu cho phát triển sản phẩm. Vì vậy, tạo lập nhãn hiệu là việc đầu tiên cần thiết phải làm, nhưng để nhãn hiệu được áp dụng vào thực tế, song hành đó phải có kế hoạch quản lý, sử dụng và phát triển nhãn hiệu. Có như vậy, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương mới có thể phát huy được giá trị.
Hà Nam là một tỉnh có nền nông nghiệp chiếm ưu thế, sản phẩm nông sản khá đa dạng, phong phú. Qua quá trình phát triển, người dân Hà Nam đã mạnh dạn ứng dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất để cho ra những sản phẩm bước đầu đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong và ngoài nước. Nhưng vấn đề đạt ra, để phát triển các sản phẩm một cách bền vững, các sản phẩm cần được đầu tư mở rộng sản xuất, tạo đầu ra ổn định, tuân thủ những phương thức sản xuất để có những sản phẩm chất lượng cao và hướng đến thị trường lớn trong và ngoài nước. Đồng thời, xu thế của tiêu dùng của người hiện đại là lựa chọn những sản phẩm có chất lượng tốt, có thương hiệu, có nguồn gốc rõ ràng và đặc biệt đảm bảo những tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặc dù các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Hà Nam có lịch sử hình thành lâu đời, có danh tiếng nhưng chưa được quảng bá rộng rãi trên thị trường trong nước và quốc tế nên gặp nhiều khó khăn trong phát huy giá trị, danh tiếng nhất là trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Bên cạnh đó, việc quảng bá xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản của tỉnh chưa đủ mạnh nên chưa có thương hiệu đủ lớn, chưa có nhiều sản phẩm hàng hoá nông sản chất lượng cao cho tiêu dùng và xuất khẩu. Các vấn đề về chất lượng sản phẩm, bao bì, mẫu mã, nhãn hàng hoá, thị trường tiêu thụ... của các sản phẩm nông nghiệp chủ lực chưa được sự quan tâm đồng bộ của nhà nước, các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp... dẫn đến nhiều sản phẩm có thể bị mai một dần, thậm chí có thể bị biến mất trên bản đồ đặc sản của tỉnh. Một vấn đề khác cần quan tâm là hầu hết các doanh nghiệp, hộ sản xuất, tổ chức hợp tác xã/hội, hiệp hội sản xuất và kinh doanh sản phẩm hiểu rất mơ hồ về giá trị tài sản sở hữu trí tuệ (cụ thể là quyền sở hữu công nghiệp), không nhận thức được tầm quan trọng trong việc sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ như là một lợi thế tích cực trong việc mở rộng đầu tư và cạnh tranh thị trường. Các doanh nghiệp, hộ sản xuất sử dụng các nhãn hiệu một cách tự phát, mạnh ai nấy làm và không tuân theo quy định. Do đó, không thống nhất và tạo được sức mạnh tổng hợp nhằm đẩy mạnh việc xác lập, quảng bá và phát triển các nhãn hiệu đã được xác lập trở thành các thương hiệu mạnh.
Vì vậy, việc tạo lập thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh là rất cần thiết, là cơ sở mang lại trong sản xuất kinh doanh; song song với đó là việc thiết lập cơ chế quản lý, các điều kiện sử dụng các nhãn hiệu, cơ chế khai thác nhãn hiệu cần được đầu tư, đánh giá. Đó là những yếu tố cơ bản, giúp cho đơn vị quản lý và các đối tượng liên quan thuận lợi trong quản lý, sản xuất kinh doanh, giúp cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực đạt chất lượng tốt, nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm và có thương hiệu chính thức góp phần khẳng định được vị thế trên thị trường trong và ngoài nước.
Từ khi Quyết định số 1062/QĐ-TTg ngày 14/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 và Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030" ra đời, công tác quản lý về sở hữu công nghiệp được chú trọng, nhiều hoạt động truyền thông về vai trò của quyền sở hữu công nghiệp được phổ biến nhiều trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, hoạt động tập huấn, hội nghị, hội thảo về lĩnh vực sở hữu công nghiệp được đẩy mạnh đã góp phần nâng cao nhận thức của các tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh. Với những nỗ lực trong hoạt động quản lý sở hữu trí tuệ, trong thời gian qua đã góp phần đáng kể trong việc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đăng ký tạo lập quyền sở hữu công nghiệp dưới hình thức đăng ký nhãn hiệu nói chung và nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực nói riêng. Số lượng văn bằng nhãn hiệu được cấp cho các tổ chức tập thể và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây đã tăng lên đáng kể, là tiền đề nâng cao uy tín các sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội của tỉnh.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 50 sản phẩm nông nghiệp được đánh giá là sản phẩm chủ lực của tỉnh, song mới chỉ có 12 văn bằng bảo hộ thương hiệu cho các sản phẩm lĩnh vực nông nghiệp, làng nghề; trong đó, 01 Chỉ dẫn địa lý Chuối ngự Đại Hoàng; 10 nhãn hiệu tập thể gồm: Cá kho Nhân Hậu, Bánh đa nem làng Chều, lợn sạch Ngọc Lũ, rượu Vọc, gốm son Quyết Thành, thêu ren Thanh Hà, lụa Nha Xá, trống Đọi Tam, gà móng Tiên Phong, bánh đa sợi miến Bích Trì; 01 nhãn hiệu chứng nhận Hà Nam và 03 sản phẩm đang trong quá trình cấp văn bằng bảo hộ: nhãn hiệu tập thể bánh đa Sở Kiện; 02 nhãn hiệu chứng nhận gạo chất lượng cao Bình Lục và cá trắm đen Bình Lục. Ngoài ra, toàn tỉnh có hơn 30 sản phẩm của các tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hà Nam.
Việc sử dụng nhãn hiệu đã được tạo lập quyền sở hữu công nghiệp dưới hình thức nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận mang tên các địa danh trên các sản phẩm có ý nghĩa lớn, thương hiệu có tính bền vững cao, được pháp luật thừa nhận và có ấn tượng đối với đại bộ phận người tiêu dùng. Một số sản phẩm sau khi đăng ký xác lập quyền, bước đầu đã tạo được những ưu thế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân như giá cả tăng cao, thị trường được mở rộng và bước đầu tạo được lòng tin đối với người tiêu dùng như: Cá kho Nhân Hậu, lụa Nha Xá, trống Đọi Tam, Bánh đa nem làng Chều... đây là cơ sở để tiếp tục phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phát triển sản xuất hàng hoá. Đồng thời, là hoạt động có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống cho các sản phẩm nông, thuỷ đặc sản, làng nghề địa phương thúc đẩy cuộc chiến chống gian lận thương mại, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, giúp thúc đẩy tiềm năng phát triển của các nguồn lực địa phương, nâng cao đời sống cộng đồng.
Vì vậy, để phát huy hết được giá trị của các nhãn hiệu đã được xác lập quyền dưới hình thức nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận chúng ta cần phải có kế hoạch quản lý và phát triển nhãn hiệu một cách hiệu quả nhất. Một nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận muốn sử dụng có hiệu quả cần thực hiện một số nội dung sau:
Thứ nhất, xây dựng mô hình tổ chức đối với từng nhãn hiệu
+ Đối với nhãn hiệu tập thể; Chủ sở hữu là các tổ chức tập thể như: HTX, Hội, Hiệp hội... thành lập Ban Kiểm tra hoạt động, các bộ phận chuyên môn giúp việc chủ sở hữu và sự tham gia của các thành viên trong tổ chức tập thể...
+ Đối với nhãn hiệu chứng nhận: Chủ sở hữu là cơ quan quản lý nhà nước có thể là UBND tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố hoặc các sở, ngành liên quan; có cơ quan kiểm soát chứng nhận chất lượng sản phẩm, các bộ phận chuyên môn giúp việc và kể cả thành lập tổ chức tập thể vận hành...
- Xây dựng cơ chế hoạt động của bộ máy quản lý việc sử dụng nhãn hiệu.
- Bổ sung các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ hoạt động của các cơ quan tham gia quản lý việc sử dụng nhãn hiệu.
Thứ hai: Xây dựng hệ thống văn bản làm cơ sở cho công tác quản lý nhãn hiệu
Để có thể vận hành hiệu quả hệ thống quản lý việc sử dụng các nhãn hiệu, bên cạnh quy chế sử dụng nhãn hiệu, cần xây dựng và ban hành các văn bản khác quy định cụ thể về công tác quản lý; cụ thể như một số văn bản sau:
- Quy trình trao và thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu;
- Quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu;
- Quy trình kiểm soát và quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm;
- Quy trình kỹ thuật sản xuất, thu hoạch, bảo quản và chế biến sản phẩm;
- Quy trình truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm;
- Quy chế sử dụng mẫu nhãn hiệu trên hàng hoá, dịch vụ...
Thứ ba: Cần áp dụng thí điểm vận hành mô hình vào thực tế - tổ chức trao quyền sử dụng nhãn hiệu cho các tổ chức/ cá nhân có như cầu.
- Áp dụng các văn bản, quy định vào thực tế quản lý.
- Tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cho các nhà sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ về nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận; phương thức quản lý và sử dụng nhãn hiệu.
- Tổ chức trao quyền sử dụng nhãn hiệu: Chủ sở hữu hiệu có thẩm quyền xem xét, đánh giá và trao quyền sử dụng cho các tổ chức/cá nhân có nhu cầu. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng nhãn hiệu phải gửi yêu cầu tới chủ sở hữu đề nghị trao quyền sử dụng theo quy định tại quy chế sử dụng nhãn hiệu. Chủ sở hữu hiệu chủ trì tiến hành kiểm tra thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân yêu cầu từ đó ra quyết định trao quyền hoặc từ chối trao quyền.
Thứ tư: Phát triển sản phẩm
- Đẩy mạnh các hoạt động liên kết sản xuất, để phát triển giá trị sản phẩm hàng hoá theo chuỗi giá trị, nhằm đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ và chất lượng của sản phẩm.
- Ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm nhưng vẫn giữ được những giá trị đặc trưng, truyền thống của sản phẩm.
- Tập trung đầu tư nguyên liệu sản xuất, xây dựng mô hình trồng và chế biến để tạo ra vùng sản xuất nguyên liệu đảm bảo chất lượng.
- Tiếp tục sử dụng và cải tiến các công nghệ hiện có của doanh nghiệp, địa phương nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
- Tăng cường xúc tiến thương mại để thu hút các nhà đầu tư có năng lực tham gia đầu tư phát triển sản phẩm.
- Tổ chức giám sát việc tuân thủ Quy chế sử dụng nhãn hiệu, kiểm tra quy trình sản xuất, kinh doanh; kiểm tra hàng hoá, dịch vụ lưu thông trên thị trường để đảm bảo sản phẩm cung ứng đến người tiêu dùng đạt chất lượng cao nhất.
Thứ năm: Xây dựng hệ thống phương tiện quảng bá và khai thác giá trị nhãn hiệu
- Tổ chức việc thiết kế và phát hành các tài liệu giới thiệu hàng hoá, dịch vụ, biểu tượng, hệ thống tem nhãn sử dụng cho nhãn hiệu (tem truy xuất nguồn gốc, nhãn hàng hoá, tờ rơi, poster, biển hiệu quảng cáo...). Hệ thống tem, nhãn và các tài liệu giới thiệu hàng hoá, dịch vụ được thiết kế với các nội dung theo yêu cầu của chủ sở hữu, người dân trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh sản phẩm và các tổ chức khác liên quan nhằm quảng bá, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ đến đông đảo người tiêu dùng.
- Triển khai các hoạt động quảng bá nhãn hiệu:
+ Tham gia giới thiệu hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận tại các hội chợ, triển lãm.
+ Xây dựng các chuyên mục phóng sự, chương trình quảng cáo trên các phương tiện truyền thông (đài phát thanh, đài truyền hình, internet...) để giới thiệu về hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận.
+ Thiết kế và vận hành Website giới thiệu và xúc tiến thương mại cho hàng hoá, dịch vụ.
+ Xây dựng phương án thương mại hoá cho hàng hoá, dịch vụ, thiết lập các kênh, mạng lưới tiêu thụ hàng hoá, dịch vụ ở trong và ngoài nước. Trên cơ sở tính chất và riềm năng tiêu thụ hàng hoá, dịch vụ, chúng ta tiến hành các kênh tiêu thụ hàng hoá, dịch vụ phù hợp. Bước đầu thí điểm tiêu thụ tại các siêu thị thuộc các thành phố lớn, các điểm du khách đến tham quan, mua sắm.
- Khảo sát thị trường, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài...
Thứ sáu: Kết hợp phát triển sản phẩm mang nhãn hiệu với việc phát triển du lịch
+ Khôi phục các di tích liên quan đến ngành nghề của sản phẩm -là những địa điểm tham quan của du khách khi đến làng nghề.
+ Xây dựng các câu chuyện về hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm, những câu chuyện mang tính huyền thoại lịch sử hình thành và phát triển của sản phẩm.
+ Tổ chức các khu trình diễn về ngành nghề, về sản phẩm để thu hút khách du lịch.
+ Thiết kế, sản xuất các sản phẩm phục vụ du khách trong và ngoài nước.
+ Tổ chức các tour du lịch sinh thái, tự du khách thao tác các công đoạn để tạo ra sản phẩm.
Các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp cần phải chủ động và đặc biệt quan tâm đến việc đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận. Tìm kiếm thị trường và xúc tiến thương mại tại thị trường trong nước và ngoài nước. Vì vậy, để thành công các doanh nghiệp phải quan tâm giải quyết nhiều vấn đề, trong đó không thể bỏ qua hay xem nhẹ việc bảo hộ nhãn hiệu - là một loại tài sản trí tuệ có giá trị./.