Những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống. Qua đó, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã có nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được chuyển giao mà đối tượng hưởng lợi trực tiếp là người dân như: các quy trình trồng trọt, chăn nuôi tổng hợp theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm an toàn; các quy trình khám chữa bệnh nâng cao sức khỏe nhân dân;...
Riêng trong năm 2023, Ninh Bình đã nộp 100 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, có 54 đơn được cấp văn bằng bảo hộ; thực hiện hỗ trợ cho 3 tổ chức, cá nhân xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu và thiết kế kênh thông tin cho sản phẩm hàng hóa; thẩm định 45 dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, cấp 5 giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ. Sở Khoa học và Công nghệ còn thường xuyên phối hợp tổ chức giúp các doanh nghiệp tham gia tập huấn, phổ biến kiến thức về khoa học, công nghệ, các thông tin về thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu khoa học từ các viện, nhà trường, tổ chức nghiên cứu khoa học trong và ngoài tỉnh.
Vài năm trở lại đây, tỉnh Ninh Bình chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tăng cường ứng dụng KH và CN vào sản xuất rau màu, mở rộng diện tích rau an toàn. Ðiển hình như dự án xây dựng mô hình sản xuất, bảo quản và tiêu thụ rau an toàn, chất lượng tại xã An Khánh, huyện Yên Khánh do Công ty cổ phần đầu tư Công nghệ Xanh tham gia. Dự án đã xây dựng được 1.000 m2 nhà kính để sản xuất rau, 5.000 m2 nhà lưới sản xuất rau thương phẩm với thiết bị hiện đại theo công nghệ Nhật Bản phục vụ sản xuất rau chính vụ và trái vụ. Người dân đã tiếp nhận và áp dụng các quy trình như: sản xuất rau trong nhà lưới, sản xuất rau trong vòm che thấp, sản xuất rau trên ruộng đại trà, quy trình công nghệ sơ chế, bảo quản và vận chuyển rau an toàn...
Có thể nói, các dự án được triển khai tại Ninh Bình có mục tiêu cụ thể, phù hợp đặc điểm sinh thái địa phương, đã tạo được điểm sáng về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực. Quá trình triển khai dự án có nhiều thuận lợi, nhất là UBND tỉnh đặt hàng nhiệm vụ KH&CN hằng năm, người dân tham gia tích cực học tập, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật. Các đơn vị chủ trì dự án đã làm chủ công nghệ, qua đó tổ chức triển khai nhân rộng các mô hình có hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, còn một số khó khăn như: Các dự án triển khai ở những nơi giao thông đi lại khó khăn, thiếu vốn sản xuất, đời sống người dân còn nghèo cũng như tập quán canh tác đơn giản, cho nên tiếp cận tiến bộ KH&CN còn hạn chế. Ðội ngũ cán bộ KH&CN ở cơ sở còn thiếu, chưa sâu sát trong việc đề xuất, triển khai thực hiện, quản lý các nhiệm vụ KH&CN.
Với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, những năm tiếp theo, Ninh Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất và chế biến nông sản, trong đó lựa chọn các giống mới, kỹ thuật canh tác tiên tiến phù hợp vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để bảo đảm ổn định an ninh lương thực, từng bước nâng cao đời sống người dân; xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật viên, khuyến nông viên cơ sở đủ sức tiếp nhận tiến bộ KH&CN để hỗ trợ người dân sản xuất và phát triển nông thôn mới.
Việc đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào sản xuất đã tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng của các sản phẩm hàng hoá, nâng cao giá trị kinh tế và thu nhập cho người dân. Các kết quả nghiên cứu, ứng dụng này đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
P.T.T (tổng hợp)