Một câu hỏi bấy lâu nay đeo bám cuộc chiến Covid suốt hơn 4 năm rằng: Tại sao bệnh nhiễm trùng lại gây bệnh nặng cho người lớn tuổi? Câu hỏi vẫn còn đó mặc dù các nhà điều tra y tế toàn cầu đã đưa ra một số lý do nhưng không phải là toàn bộ câu chuyện.
Kể từ khi bắt đầu đại dịch vào năm 2020, rõ ràng người lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong cao hơn. Tuy nhiên, cơ chế cơ bản về tính nhạy cảm không phải lúc nào cũng rõ ràng mặc dù các nghiên cứu đã tính đến các bệnh nền đi kèm, như tiểu đường, rối loạn tim và phổi, cũng như những thay đổi bất thường do bệnh mãn tính khác của tuổi tác có thể khiến mức độ bệnh truyền nhiễm trở nên trầm trọng hơn.
Để giải thích nguy cơ mắc bệnh COVID nghiêm trọng tăng cao ở dân số già, cho đến nay, các nhà khoa học cho rằng đó là do hệ thống miễn dịch ở người già bị rối loạn điều hòa, liên quan đến tuổi tác với tình trạng đông máu quá mức và sự suy giảm tổng thể của các thành phần chủ chốt của hệ thống miễn dịch thích ứng là tế bào T và B. Nhưng câu hỏi không thể tránh khỏi vẫn xuất hiện đó là: Vì sao?
Một nghiên cứu lâm sàng mới được báo cáo trên tạp chí Science Translational Medicine đã đưa ra câu trả lời toàn diện và làm sáng tỏ một số bí ẩn xung quanh vấn đền này ở người lớn tuổi. Các nhà khoa học tại Đại học California, San Francisco và các cộng tác viên ở khắp nước Mỹ, đã kiểm tra sự tiến triển của bệnh nhiễm trùng bằng cách nghiên cứu một đoàn hệ lâm sàng theo chiều dọc lớn. Đối tượng của nghiên cứu là những người có độ tuổi từ rất trẻ đến người già đặc biệt. Tiến sĩ Hoang Van Phan, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi đã đánh giá tác động của lão hóa đến phản ứng miễn dịch của vật chủ trong máu và đường hô hấp trên, cũng như hệ vi sinh vật ở mũi”.
Mô tả cuộc điều tra như một thử nghiệm đoàn hệ đa trung tâm, có triển vọng với 1.031 bệnh nhân “chưa được tiêm vắc xin” - chưa được tiêm chủng - trong độ tuổi từ 18 đến 96 tuổi, Tiến sỹ Phan nói thêm rằng tất cả những người tham gia thử nghiệm, bất kể tuổi tác, đều phải nhập viện vì COVID. Theo Phan, mục đích là để xem sự khác biệt mà tuổi tác gây ra khi cơ thể phản ứng với việc nhiễm SARS-CoV-2.
Đi sâu vào nghiên cứu, Phan và các đồng nghiệp biết rằng tuổi tác có tương quan với khả năng loại bỏ vi rút bị suy giảm. Họ cũng biết rằng những bệnh nhân lớn tuổi có nhiều khả năng bị gián đoạn hơn trong phản ứng viêm và miễn dịch của cơ thể. Các nghiên cứu dịch tễ học từ lâu đã chỉ ra rằng bản thân tuổi già là yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh COVID nghiêm trọng. Người lớn trên 75 tuổi có nguy cơ tử vong vì bệnh này cao gấp 140 lần so với những người ở độ tuổi trẻ hơn.
Tuy nhiên, ngay cả khi đối mặt với mô hình dịch tễ học mạnh mẽ, những lý do sinh học cốt lõi đằng sau tác động của lão hóa vẫn khó nắm bắt, bao gồm cả lý do tại sao người già có xu hướng chứa nồng độ virus cao hơn. Để tìm hiểu lý do tại sao, nhóm nghiên cứu đã tiến hành một loạt các bài kiểm tra phức tạp để tìm ra câu trả lời.
Trong bài báo của mình, tiến sĩ Phan viết: “Chúng tôi đã thực hiện phương pháp tế bào học khối, lập hồ sơ protein huyết thanh, xét nghiệm kháng thể kháng SARS-CoV-2 và phiên mã máu và mũi được tìm thấy nhiều hơn trong cả máu và đường hô hấp trên”.
Kết quả từ các thử nghiệm của họ mang lại dữ liệu mới và mức độ hiểu biết mới. Theo tiến sĩ Phan: “Tuổi cao hơn tương quan với sự gia tăng lượng virus SARS-CoV-2 khi nhập viện, quá trình đào thải virus bị chậm lại và tăng biểu hiện gen interferon loại I trong cả máu và đường hô hấp trên”.
Giải thích thêm rằng việc sản xuất bạch cầu đơn nhân của hệ thống miễn dịch bẩm sinh tăng lên trong khi các tế bào T và B của hệ thống miễn dịch thích nghi lại ở mức thấp, tiến sĩ Phan nói: "Chúng tôi cũng quan sát thấy sự điều chỉnh tăng lên của các con đường truyền tín hiệu miễn dịch bẩm sinh và sự điều chỉnh giảm của các con đường truyền tín hiệu miễn dịch thích ứng phụ thuộc vào độ tuổi”.
Không giống như những bệnh nhân trẻ tuổi, những người lớn tuổi cũng biểu hiện con đường miễn dịch bẩm sinh tích cực hơn và có sự gia tăng dai dẳng của các gen và cytokine gây viêm, cho thấy rằng tuổi càng cao thì càng dễ làm gián đoạn khả năng tắt phản ứng viêm của cơ thể.
Ngoài ra, các dấu ấn sinh học về mức độ nghiêm trọng của bệnh, chẳng hạn như interleukin-6, là nghiêm trọng nhất ở những bệnh nhân lớn tuổi nhất. Nhóm nghiên cứu kết luận rằng những dữ liệu này cung cấp cái nhìn sâu sắc về lý do tại sao tuổi tác là yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh COVID nghiêm trọng.
"Nghiên cứu của chúng tôi phát hiện ra rằng sự lão hóa có liên quan đến khả năng thanh thải virus bị suy giảm, tín hiệu miễn dịch bị điều hòa không ổn định và sự kích hoạt dai dẳng và có khả năng gây bệnh lý của các gen và protein gây viêm”, tiến sỹ Phan nói thêm.
Những kết quả này có thể mở đường cho các phương thức điều trị đặc biệt cho những người cao tuổi.
P.T.T (NASATI), theo https://Medicalxpress.com/news, 7/2024