Trong nền kinh tế kỹ thuật số, một nghịch lý đã nổi lên rõ rệt: các công ty bắt chước thường giành được thắng lợi, thậm chí vượt qua những nhà tiên phong ban đầu. Những kẻ sao chép, thay vì chỉ là bản sao mờ nhạt, lại chứng tỏ sự linh hoạt và sáng tạo, tận dụng những thành công đã được chứng minh để phát triển vượt bậc. Từ câu chuyện của Snapchat, TikTok đến Spotify, có thể thấy những thách thức mà những công ty đổi mới sáng tạo gặp phải khi phải đối mặt với những kẻ đạo nhái. Vậy liệu có hy vọng nào cho những nhà đổi mới sáng tạo trong bối cảnh bị sao chép mạnh mẽ? Và đâu là chiến lược để họ duy trì lợi thế cạnh tranh?
Điển hình như Snapchat - startup nổi bật với tính năng chia sẻ ảnh tự hủy trong 24 giờ đã nhanh chóng thu hút giới trẻ. Mặc dù Facebook từng cố gắng mua lại Snapchat nhưng không thành, gã khổng lồ mạng xã hội đã phản ứng bằng cách sao chép các tính năng chính của Snapchat và tích hợp chúng vào Instagram, tạo ra Instagram Stories vào năm 2016. Kết quả là Instagram nhanh chóng vượt qua Snapchat về lượng người dùng hoạt động hàng ngày, còn Snapchat bắt đầu chững lại. Đây là ví dụ điển hình cho thấy các rào cản gia nhập lĩnh vực kỹ thuật số rất thấp, ngay cả với những nền tảng có lượng người dùng lớn. Đối với những startup tiên phong, cách tiếp cận thường thấy để bảo vệ vị trí dẫn đầu là đầu tư vào nội bộ, tuy nhiên, điều này cũng có thể vô tình tạo ra sự cạnh tranh khi kiến thức bị lan tỏa dễ dàng và có thể bị các đối thủ khai thác.
Các nhà nghiên cứu Jason David và Vikas Aggarwal đã đề xuất một phương pháp giúp các công ty đổi mới sáng tạo giữ vững lợi thế: phát triển liên tục các giải pháp sáng tạo phức tạp. Điều này đòi hỏi một quá trình tái tổ chức, tái kết hợp các yếu tố kiến thức nội bộ, và liên tục khai thác các cơ hội phức hợp. Đây không phải là việc bổ sung tính năng đơn lẻ, mà là tái cơ cấu nhiều khía cạnh và tích hợp các yếu tố mới một cách sáng tạo.
Bài học từ những kẻ bắt chước thành công
1. TikTok thắng lớn trước Facebook
TikTok là một ví dụ điển hình cho chiến lược tái kết hợp sáng tạo để đạt lợi thế cạnh tranh. Ra đời năm 2017, TikTok nhanh chóng đạt mốc 1 tỷ người dùng, phần lớn nhờ vào khả năng kết hợp và tối ưu các tính năng từ nhiều nền tảng khác nhau. Ở phía người dùng, thuật toán của TikTok phân tích sở thích của người dùng dựa trên các lượt “like” và thời gian xem, mang đến các đề xuất nội dung tùy chỉnh. Ở phía nhà sản xuất, trí tuệ nhân tạo giúp người dùng dễ dàng chỉnh sửa video, đề xuất nhạc, bộ lọc và các yếu tố phổ biến khác. Nhờ những kết hợp này, TikTok đã tạo nên một nền tảng giải trí mới mẻ và khác biệt hoàn toàn so với Facebook. Dù Facebook đã cố gắng giành lại người dùng bằng ứng dụng tương tự là Lasso, nỗ lực này không thành công, khẳng định rằng TikTok không chỉ là bản sao đơn giản mà đã tạo ra một hệ sinh thái độc đáo.
2. Spotify và sự khác biệt trong thị trường nhạc trực tuyến
Spotify cũng áp dụng chiến lược đổi mới liên tục phức tạp, tạo ra một nền tảng nhạc trực tuyến có tính cá nhân hóa cao. Họ kết hợp giao diện người dùng động, thuật toán đề xuất và một danh mục nhạc đa dạng để mang lại trải nghiệm phát nhạc chất lượng. Bằng cách phân tích sở thích cá nhân và hành vi của người dùng, Spotify cung cấp các đề xuất nội dung chính xác và phù hợp. Thậm chí, khi Apple Music ra mắt với sức mạnh của thương hiệu Apple, dịch vụ của họ vẫn chưa thể lấn át Spotify. Spotify tiếp tục đổi mới bằng cách mở rộng sang lĩnh vực podcasting và ký hợp đồng độc quyền với Joe Rogan, củng cố vị thế của mình trong ngành.
Khi những kẻ bắt chước học hỏi lẫn nhau: Uber và các đối thủ
Một yếu tố khác cản trở nhà đổi mới ban đầu là những đối thủ bắt chước thường xuyên học hỏi lẫn nhau. Trường hợp của Uber và các đối thủ cạnh tranh như Lyft, Didi, Gojek, và Grab là một minh chứng. Các công ty này không chỉ sao chép Uber mà còn điều chỉnh và nâng cấp tính năng của nhau, tạo ra một môi trường cạnh tranh mạnh mẽ. Grab, Gojek và Didi đã học hỏi từ nhau và phát triển các tính năng, chiến lược độc đáo nhằm thu hút người dùng. Kết quả là Uber gặp khó khăn ở các thị trường châu Á và cuối cùng phải rút lui. Các đối thủ của Uber thậm chí còn vượt qua Uber bằng cách phát triển các “siêu ứng dụng” cung cấp nhiều dịch vụ hơn như bảo hiểm, dịch vụ tài chính và giao đồ ăn.
Hiệu ứng chia sẻ kiến thức và sao chép lẫn nhau cho thấy, các công ty đổi mới sáng tạo cần cân nhắc về cách quản lý kiến thức nội bộ và bảo vệ lợi thế của mình. Để duy trì vị thế, chiến lược bền vững không chỉ đơn thuần là chạy đua tốc độ với những kẻ bắt chước, mà là liên tục tái tổ chức, tái kết hợp các yếu tố kiến thức để đáp ứng các cơ hội phức hợp. Những đổi mới này không dễ bị sao chép và có thể mang lại lợi thế cạnh tranh lâu dài.
N.P.A (NASATI), theo Havard Business Review, 2024