Là đặc sản của người dân làng Chều, xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, bánh đa nem làng Chều nổi tiếng thơm ngon với lịch sử hình thành lâu đời, hơn 700 năm tuổi.
Bánh đa nem là sản phẩm truyền thống của người dân làng Chều, có hương vị đặc sắc, thơm ngon, sản phẩm đã được duy trì sản xuất và kinh doanh từ nhiều thế kỷ qua.
Đầu năm 2011, dưới sự giúp đỡ, ủng hộ của các cấp chính quyền từ tỉnh đến xã, làng Chều đã thành lập Hiệp hội bánh đa nem làng Chều để từng bước xây dựng thương hiệu tập thể, tăng quy mô sản xuất và kinh doanh bánh đa nem.
Đến tháng 12-2012, Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp cùng Sở Khoa học- Công nghệ Hà Nam tổ chức trao giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể "Bánh đa nem làng Chều" cho Hiệp hội sản xuất và kinh doanh bánh đa nem làng Chều.
Hiệp hội sản xuất và kinh doanh bánh đa nem làng Chều hiện có 52 hội viên là đại diện cho trên 700 hộ, cơ sở sản xuất của xã Nguyên Lý, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến sản phẩm bánh đa nem; nhiều hộ sản xuất đã đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại nhằm nâng cao năng suất.
Làng nghề hiện sản xuất trên 70 tấn bánh đa nem/ngày.
Để phát huy nhãn hiệu tập thể này, trong thời gian tới hiệp hội tiếp tục kết nạp thêm thành viên tham gia.
Nhãn hiệu tập thể này sẽ được gắn lên bao bì sản phẩm của làng, được bảo hộ để tránh tình trạng làm giả, làm nhái sản phẩm.
Tuy nhiên, đi đôi với sự phát triển kinh tế, thì môi trường làng nghề hiện nay cũng là vấn đề được các cấp, các ngành đang hết sức quan tâm.
Hiện nay, theo thống kê sơ bộ thì trung bình mỗi ngày ở xã Nguyên Lý tiêu thụ trên dưới 10 tấn than và thải ra lượng khí CO2 làm ô nhiễm môi trường, xả nước thải trong quá trình chế biến bột.
Bên cạnh đó, để tận dụng các sản phẩm thừa, các hộ và cơ sở sản xuất bánh đa nem cũng chăn nuôi, từ đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường làng nghề nơi đây.
Để tiếp tục phát triển duy trì và phát triển làng nghề truyền thống, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất việc sản xuất gây ô nhiễm môi trường từ các hộ, cơ sở sản xuất, các cấp các ngành từ tỉnh đến xã cần tìm giải pháp thích hợp cho làng nghề, như:
Một là: Thường xuyên tuyên truyền cho các lao động cập nhật kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, tham gia hội chợ quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.
Hai là: Quy hoạch một khu bánh tráng tập trung để cho các hộ, cơ sở sản xuất tiện trong quá trình phơi bánh không bị bụi bẩn, ô nhiễm môi trường.
Ba là: Các lò bánh tráng cần phải có hệ thống ống khói đủ tiêu chuẩn, hoặc dùng bằng lò điện, ga cho cung đoạn tráng bánh.
Theo
https://tuoitre.vn/xay-dung-thuong-hieu-banh-da-nem-lang-cheu-696792.htm