Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Vì sao nhiều loài kền kền có nguy cơ tuyệt chủng?

Tuyên truyền phổ biến KH - CN  
Vì sao nhiều loài kền kền có nguy cơ tuyệt chủng?
Sau hàng loạt vụ việc, kền kền đội mũ được xếp vào loại “Cực kỳ nguy cấp” trong Sách Đỏ. Hiện có 12 loài kền kền được xem là có nguy cơ tuyệt chủng, hay nói cách khác, kền kền là một trong những nhóm chim bị đe dọa nhất trên hành tinh.


Ảnh minh họa
 

Vào đầu những năm 1990, các nhà môi trường ở Ấn Độ bắt đầu nhận thấy kền kền đang suy giảm với tốc độ chưa từng thấy. Lúc đầu, các nhà bảo tồn cứ tưởng đó là thông tin sai lệch. Kền kền là một trong những loài chim có khả năng thích nghi nhất thế giới, có thể tụ tập gần khu vực sinh sống của con người, chúng đóng vai trò như lực lượng dọn dẹp ở thành thị và nông thôn.

Tuy nhiên, chỉ trong 15 năm, từ năm 1992 đến 2007, tại Ấn Độ, số cá thể ở 3 loài kền kền phổ biến nhất đã giảm từ 97% đến 99,9%. Chỉ khi kền kền biến mất, mọi người mới nhận ra công việc quan trọng mà chúng đã làm: Dọn dẹp xác chết của gia súc và động vật hoang dã. Xác thối rữa gây ô nhiễm nguồn nước, khiến số lượng chuột và chó hoang quanh quẩn cũng tăng lên, dẫn đến sự gia tăng nguy cơ mắc bệnh ở người.

Hơn một thập kỷ sau đó, các nhà khoa học mới phát hiện ra nguyên nhân chính dẫn đến sự biến mất này. Kền kền châu Á chết vì suy thận, do ăn xác động vật có chứa diclofenac, một loại thuốc chống viêm thường được dùng cho gia súc nhưng gây độc cho chim.

Giờ đây, câu chuyện tương tự đang lặp lại ở châu Phi, nơi sinh sống của 11 trong số 16 loài kền kền trên toàn thế giới.

Hơn 2.000 kền kền đội mũ (hooded vulture) - một con số đáng kể nếu so với số cá thể kền kền còn sót lại trên toàn thế giới đã chết ở Guinea-Bissau vào tháng 3. Nguyên nhân cái chết là do ngộ độc và các báo cáo cho thấy cái chết của chúng liên quan đến việc buôn lậu các bộ phận của kền kền khi nhiều người tin rằng đầu của kền kền là một loại bùa may mắn, giúp họ chống lại các thế lực xấu xa.

Sau hàng loạt vụ việc như vậy, kền kền đội mũ được xếp vào loại “Cực kỳ nguy cấp” trong Sách Đỏ. Hiện có 12 loài kền kền được xem là có nguy cơ tuyệt chủng, hay nói cách khác, kền kền là một trong những nhóm chim bị đe dọa nhất trên hành tinh.

Đối với những kẻ săn trộm voi, việc kền kền tụ tập đông đúc quanh xác voi chết có thể đánh động cơ quan kiểm lâm. Vì vậy, bọn chúng thường đầu độc để giết hàng trăm con chim cùng một lúc. Andre Botha, một thành viên của tổ chức Endangered Wildlife Trust Nam Phi, kể lại: “Vào tháng 6 năm 2013, ở vùng Zambezi thuộc Namibia, người ta phát hiện xác của một chú voi. Nhưng điều đáng sợ là xung quanh đó còn có xác của hàng trăm con kền kền đã bị đầu độc”.

Gần đây hơn, vào tháng 6 năm ngoái, xung quanh xác một chú voi gần công viên quốc gia Chobe ở Botswana, có 537 con kền kền thuộc 5 loài khác nhau đã chết vì bị đầu độc. Tiến sĩ Steffen Oppel, nhà bảo tồn lâu năm thuộc tổ chức RSPB, người chuyên nghiên cứu về kền kền, cho rằng bên cạnh những vụ cố tình đầu độc, còn có nhiều trường hợp khác là do vô ý. “Để bảo vệ đàn gia súc của mình, người nông dân đã đầu độc chó hoang, sư tử và linh cẩu. Nhưng vô tình, kền kền khi ăn phải xác các loài động vật chết cũng bị ngấm thuốc độc theo”.

Theo Linda van den Heever, người quản lý dự án kền kền của tổ chức BirdLife Nam Phi, tốc độ đô thị hóa tại nhiều quốc gia châu Phi cũng là một yếu tố dẫn đến cái chết của kền kền. Tăng trưởng kinh tế nhanh chóng sẽ kéo theo việc xây dựng cơ sở hạ tầng đi kèm. Kền kền, với kích thước lớn, dễ bị va chạm với tua-bin gió, hoặc bị điện giật khi đậu lên đường dây điện.

 

Nguồn: Theo KH&PT

http://skhcn.bacninh.gov.vn/