công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chuẩn bị nguồn nhân lực cho thời kì mới của đất nước là một nhiệm vụ nặng nề của ngành giáo dục đào tạo nói riêng và toàn xã hội nói chung. Ngày 17/10/2000, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị 58 CT - TW về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chỉ thị cũng nêu rõ cần đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác giáo dục và đào tạo ở các cấp học, bậc học, ngành học. Đặc biệt tập trung phát triển mạng máy tính phục vụ cho giáo dục và đào tạo, kết nối Internet với tất cả các cơ sở đào tạo phục vụ cho nhu cầu của xã hội.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là môn khoa học mang tính lý luận, khái quát hóa về những vấn đề chung nhất của cách mạng Việt Nam. Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định Tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với Khoa học Mác – Lênin là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động…. Tuy nhiên, hiện nay trong thực tế trên các trang mạng xã hội vẫn đang có rất nhiều các thế lực thù địch dùng mọi luận điệu nhằm bêu xấu chế độ, bôi nhọ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Do vậy, việc truyền thụ tri thức của môn Tư tưởng Hồ Chí Minh cho sinh viên không chỉ dừng lại ở cung cấp tri thức mà phải hình thành cho sinh viên tư duy lý luận để lý giải, xử lý những vấn đề thực tiễn đặt ra. Vì vậy, môn tư tưởng Hồ Chí Minh đã có sự thay đổi đáng kể về nội dung, hình thức dạy và học, đặc biệt là áp dụng CNTT trong quá trình dạy học, nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của người học và nâng cao chất lượng dạy và học.
Ứng dụng CNTT trong bài dạy học môn Tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ làm cho nội dung bài học phong phú,
đa dạng, sinh động, giúp sinh viên dễ dàng tiếp nhận và khắc sâu kiến thức
1. Sự cần thiết phải ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học môn Tư tưởng Hồ Chí Minh
Công nghệ thông tin, cụ thể là Internet, được tạo ra đầu tiên nhằm mục đích quân sự và công nghiệp, sau đó mới được ứng dụng vào giáo dục. Để có thể sử dụng một cách hiệu quả nhất, các nhà giáo dục cần phải nhất quán mục đích của việc sử dụng CNTT là nhằm xác định và chuẩn hóa nội dung, phát triển tư duy chủ động, sáng tạo. CNTT có rất nhiều công dụng đối với việc giảng dạy và học tập:
- Nhờ có CNTT mà giảng viên có thể trao đổi, giao tiếp với tất cả các đối tượng: đồng nghiệp, sinh viên… một cách nhanh chóng bằng email.
- Việc giảng dạy không những có thể diễn ra trên lớp mà có thể diễn ra ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào.
- Việc học của sinh viên có thể được cá nhân hóa với sự giúp đỡ của giảng viên bằng cách trao đổi trực tiếp mà không ngại bị đánh giá.
- Việc truy cập internet thường xuyên có thể trang bị thêm cho sinh viên các kĩ năng khác như tiếp cận và xử lý thông tin, giải quyết vấn đề, hợp tác, sáng tạo, các kĩ năng về công nghệ và ngoại ngữ nói chung.
- Việc truy cập internet cũng tạo cho giảng viên và sinh viên niềm say mê, hứng thú trong học tập và giảng dạy, giúp cho họ có thêm động cơ học tập.
- Sinh viên có thể chủ động trong việc xây dựng lộ trình học tập của mình và có thể mở rộng hoặc giới hạn mối quan tâm của mình.
- Iternet là công cụ tuyệt vời trong việc giúp sinh viên thực hành khả năng làm việc và nghiên cứu độc lập.
- Giảng viên có thể liên kết nhiều nghành, kiến thức, kĩ năng và thái độ trong một bài giảng có sử dụng iternet.
- Sinh viên có thể làm việc theo nhóm, độc lập hay kết hợp với nhiều thành viên bên ngoài lớp học, thành phố, thậm chí quốc gia để có thể thực hiện việc học tập của mình…
Như vậy, với những công dụng trên thì việc ứng dụng CNTT vào thuyết trình bài giảng Tư tưởng Hồ Chí Minh là hết sức cần thiết. Nó không chỉ phát huy tính tích cực học tập của sinh viên mà còn nâng cao hiệu quả dạy và học môn Tư tưởng Hồ Chí Minh.
2. Quy trình thiết kế bài giảng môn Tư tưởng Hồ Chí Minh theo hướng sử dụng công nghệ thông tin
♦ Xác định mục tiêu của bài giảng
Xác định mục tiêu bài giảng là hướng đến việc trả lời câu hỏi: “bài giảng đó để làm gì?". Trong dạy học người giảng viên cần xác định rõ kiến thức, năng lực và phẩm chất mà sinh viên cần đạt được.
Để xác định đúng mục tiêu của bài giảng, giảng viên phải nghiên cứu kỹ nội dung được đề cập trong giáo trình, hiểu rõ về đối tượng sinh viên, về cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và học tập.
♦ Lựa chọn kiến thức cơ bản, nội dung trọng tâm của bài học
Đây là khâu quan trọng vì kiến thức là biển cả, do vậy giáo viên cần xác định đúng kiến thức cơ bản, nội dung trọng tâm của bài học. Giảng viên cần bám vào chương trình dạy học và giáo trình bộ môn. Ngoài nắm vững nội dung từng bài, giảng viên cần có cái nhìn hệ thống và khái quát chung toàn bộ chương trình và mối liên hệ giữa chúng để xác định đúng những nội dung cần đi sâu, cần bổ sung hoặc giảm bớt cho phù hợp, tránh tình trạng chồng chéo, vừa thiếu vừa thừa thông tin. Giảng viên phải hết sức quan tâm tới đối tượng dạy học như về trình độ, ngành học, đặc điểm tâm lý để cân nhắc, xác định kiến thức cơ bản và lựa chọn thông tin minh họa phù hợp.
Sau khi xác định những nội dung trọng tâm và các kiến thức bắt buộc, giảng viên cần chỉ ra các kiến thức mà sinh viên phải tự tìm hiểu, khai thác trên cơ sở hướng dẫn của giáo viên nhằm bổ sung cho kiến thức đã lĩnh hội.
♦ Lập kế hoạch bài giảng
Đối với bài giảng Tư tưởng Hồ Chí Minh thông thường có 3 phần là phần mở đầu, phần nội dung và phần kết luận.
* Phần mở đầu, yêu cầu chính của phần này là khởi động tư duy, làm cho sinh viên quan tâm, chú ý và tham gia bằng một số phương án gắn với những gì họ đã biết và có thể suy luận bằng kiến thức và kỹ năng thích hợp. Giảng viên cần tạo hứng thú học tập cho sinh viên. Để dẫn dắt sinh viên đi vào nội dung chính của bài giảng, kết nối tri thức cũ và tri thức mới.
* Phần nội dung, giảng viên cần sắp xếp các vấn đề cơ bản theo một trình tự chặt chẽ và logic hợp lý. Toàn bộ kết cấu bài giảng như một bộ khung cần được thể hiện theo tiến trình của bài giảng. Sự phân tích, thuyết trình, minh họa, mô phỏng và các thao tác khác sẽ được thực hiện kết hợp.
Khi thiết kế và giảng dạy phần nội dung giảng viên cần chú ý:
- Đối với những tri thức sinh viên phải biết, giảng viên cần chủ động triển khai từng nội dung tri thức ở mỗi bài học, dẫn dắt sinh viên hoạt động để họ nhận biết và chiếm lĩnh tri thức. Khi đó sự kết hợp giữa thuyết trình với sử dụng CNTT là rất cần thiết. Giảng viên cần sắp xếp nội dung cho thích hợp, đưa ra được những minh họa gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ, khơi dậy kiến thức và cuối cùng chốt lại nội dung các kiến thức và yêu cầu sinh viên phải ghi nhớ.
- Đối với những tri thức sinh viên nên biết: Tùy theo nội dung của bài học, giáo viên cần đưa ra được những minh họa xác đáng, thật đắt để làm rõ nội dung, giúp sinh viên dễ hiểu vấn đề hơn, vận dụng vào thực tiễn có hiệu quả hơn. Thông qua bài học, giảng viên cần chỉ cho sinh viên thấy được mỗi tri thức đều có giá trị thực tiễn trong toàn bộ tiến trình vận động và phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy. Bởi vậy, sinh viên nên biết là tri thức này cần phải được liên hệ với đời sống xã hội, con người để thấy được giá trị thực tiễn của nó.
- Đối với những tri thức sinh viên có thể biết, bên cạnh việc định hướng cho người học những giá trị được rút ra từ lý luận và thực tiễn để tiến đến chân lý thì cần định hướng cho sinh viên thấy những ứng dụng có thể có từ các tri thức chính trị và phải biết ứng dụng những tri thức đó vào cuộc sống.
Ngoài ra, để những tư tưởng của Bác đến với sinh viên thì người giảng viên còn phải lựa chọn phương pháp và phương tiện tổ chức dạy học hợp lý. Đây là khâu rất quan trọng bởi để có một giờ giảng thành công thì ngoài vốn kiến thức sâu rộng người giảng viên còn phải có phương pháp truyền đạt thu hút sự chú ý, kích thích trí tò mò, ham hiểu biết của sinh viên. Căn cứ vào từng nội dung cụ thể của các phần trong bài giảng mà giảng viên lựa chọn phương pháp, phương tiện hỗ trợ khác nhau. Đồng thời, giảng viên phải chú ý đến việc phân bổ thời gian. bảo đảm hoàn thành nội dung, chương trình giảng dạy. Như vậy, sự phối hợp nhịp nhàng giữa nội dung, phương pháp, phương tiện và việc sắp xếp thời gian hợp lý sẽ là yếu tố cần thiết cho mỗi bài giảng.
* Phần kết luận, đây là phần củng cố toàn bộ nội dung bài giảng, giảng viên cần nhấn mạnh, khắc sâu những kiến thức sinh viên cần ghi nhớ. Trong phần này yêu cầu giảng viên khái quát những tri thức của bài giảng theo một lôgíc gắn với mục tiêu được xác định ở phần mở đầu, khái quát lại những nội dung đã giảng, và một phần không thể thiếu là lấy thông tin phản hồi từ sinh viên. Từ những kiến thức đã học, giảng viên hướng cho sinh viên tiếp cận bài học mới, đưa ra câu hỏi để sinh viên thảo luận và những yêu cầu để sinh viên chuẩn bị trước ở nhà, tạo mối liên hệ lôgíc giữa các bài học.
♦ Lựa chọn loại hình công nghệ kết hợp với hình thức thuyết trình để tiến hành soạn giảng
* Một số phần mềm chuyên dụng hỗ trợ việc thiết kế các bài giảng
Đối với môn tư tưởng Hồ Chí Minh thì phương pháp thuyết trình vẫn giữ vai trò chủ đạo. Bên cạnh đó, để phát huy tối đa những ưu điểm vốn có và thu hút được sự chú ý của sinh viên cũng như có thể khơi dậy tính tò mò, ham học hỏi của họ thì chúng ta phải làm mới phương pháp thuyết trình. Một trong những cách làm mới đó là ứng dụng của CNTT vào kiến tạo và thiết lập các bài giảng điện tử.
Phần mềm được sử dụng phổ biến để soạn bài giảng điện tử đó là phần mềm Microsoft Powerpoint. Ngoài ra còn một số phần mềm chuyên dụng khác hỗ trợ việc thiết kế các bài giảng điện tử như: Microsoft Word, Microsoft Powerpoint, padlet, Lectora, canva, Herosoft, Window Media Player, Photoshop, Autocad, Flash, các phần mềm đồ họa,…. Kỹ thuật và phương tiện là quan trọng, là yếu tố không thể thiếu trong thiết kế bài giảng điện tử, song chính con người mới là nhân tố cốt lõi tạo nên linh hồn của những bài giảng, những giờ học.
* Khai thác và thu thập thông tin phục vụ giảng dạy
Để thông tin có thể được thu thập, sử dụng và khai thác có hiệu quả, thông tin phải đáp ứng được những tiêu chí sau:
- Thứ nhất, thông tin phải đúng, trung thực, chính xác và khách quan. Muốn thu thập thông tin một cách khoa học cần phải có các điều kiện: con người được huấn luyện, có hiểu biết, có ý thức làm việc nghiêm túc. Hệ thống trang thiết bị phục vụ cho việc thu thập, truyền nhận và lưu trữ thông tin phải đồng bộ, phù hợp với trình độ và yêu cầu của thực tế. Phương pháp thu thập và xử lý thông tin phải khoa học, thích ứng với trình độ con người và khả năng của trang thiết bị.
- Thứ hai, thông tin phải có tính toàn diện, phản ánh được tất cả các khía cạnh cần thiết chứ không được cắt xén từ ngữ hoặc cung cấp một vài hình ảnh phiến diện, méo mó, lệch lạc; phải giúp cho người nhận thông tin tiếp cận vấn đề một cách chân thực, tương đối hoàn chỉnh, gần đúng về đối tượng đang được xem xét. Thông tin đủ là thông tin không thừa và phù hợp với các chủ đề hoặc danh mục, phù hợp với mục đích đã đề ra.
- Thứ ba, thông tin phải được cập nhật thường xuyên. Thực tiễn luôn vận động và biến đổi không ngừng, do vậy giảng viên không thể đưa ra những thông tin đã lạc hậu, thiếu tính thời sự. Nếu giảng viên sử dụng những thông tin như vậy sẽ làm cho bài giảng trở nên kém thuyết phục, thậm chí còn tạo phản ứng ngược hoặc có tác động tiêu cực.
- Thứ tư, thông tin phải có tính hệ thống, gắn với quá trình với diễn biến của sự việc, nghĩa là thông tin đưa ra phải có tính lôgíc, theo một trình tự hợp lý nhằm giúp cho hoạt động tư duy của con người trở nên rõ ràng, mạch lạc và lôgíc. Công nghệ càng hiện đại thì độ chuẩn xác của thông tin càng phải cao.
- Thứ năm, thông tin phải phù hợp với nội dung kiến thức đang giảng dạy. Lượng thông tin đang gia tăng theo hàm mũ, tri thức của nhân loại đang tăng rất nhanh. Do vậy, việc chọn lọc thông tin trong quá trình thu thập, sử dụng và khai thác sẽ giúp chúng ta có được một hệ thống thông tin có giá trị thực sự.
* Làm rõ nguồn tài liệu: Nội dung của các trang Web không phải lúc nào cũng chính xác. Ngoài những trang Web có ích còn có những trang Web chứa đựng những nội dung phản động hay tư lợi. Hiện nay trên mạng tồn tại rất nhiều những trang Web có nội dung chống phá cách mạng và chủ nghĩa Mác, chống phá chế độ, bôi nhọ và hạ thấp danh dự của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì vậy, chúng ta phải thận trọng khi lấy thông tin từ những trang Web trên mạng, giải pháp tốt nhất đó là làm rõ nguồn tài liệu. Khi biết rõ tài liệu xuất phát từ nguồn gốc tin cậy thì chúng ta yên tâm sử dụng nó vào giảng dạy và nghiên cứu. Ngoài nguồn tư liệu khai thác hợp pháp trên mạng Internet hay các phương tiện thông tin đại chúng khác chúng ta còn có thể thu thập qua các sách, báo, tạp chí… Tuy nhiên cần chú ý đến vấn đề bản quyền.
3. Một số yêu cầu đặt ra khi sử dụng công nghệ thông tin trong thuyết trình bài giảng Tư tưởng Hồ Chí Minh
CNTT có rất nhiều ưu việt, nhưng nếu quá lạm dụng thì sẽ thu được kết quả ngược lại. Chính vì vậy mà người giảng viên cần phải biết khai thác, lựa chọn và sử dụng để mục đích đặt ra lúc đầu được thực hiện với hiệu quả cao nhất. Bởi “máy tính không kì diệu mà chính các giáo viên mới đem lại sự kì diệu" (Craig Barett, intel CEO). Do vậy, khi kết hợp phương pháp thuyết trình với công nghệ thông tin cần phải chú ý một số nguyên tắc sau:
Thứ nhất, phải đảm bảo tính lôgíc của hệ thống tri thức và phải có tính khái quát, rõ ràng lược bỏ những yếu tố phụ không cần thiết. Tất nhiên khi đưa lên trình chiếu vẫn phải phản ánh được những nội dung cơ bản của bài học. Hơn nữa, trong toàn bộ chương trình môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, không phải bài nào, phần nào giảng viên cũng có thể sơ đồ hóa để đưa lên trình chiếu được nên cần có sự lựa chọn kiến thức. Nếu quá lạm dụng sẽ gây ra tình trạng tầm thường hóa kiến thức.
Thứ hai, thiết kế phần trình chiếu phải phù hợp với thời gian của tiết dậy. Nghĩa là phải chú ý đến tính vừa sức của sinh viên. Do vậy, giảng viên cần lưu ý, không nên làm cho phần trình chiếu trở nên phức tạp, mà phải làm cho những tri thức từ chỗ trừu tượng thành đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ.
Thứ ba, ngoài việc phải đảm bảo tính khoa học, chính xác, giảng viên còn phải đảm bảo tính thẩm mĩ. Nếu đưa phần mềm Microsoft PowerPoint vào ứng dụng giảng dạy, nó có thể mang đến tính thẩm mĩ cao nhưng nó cũng có những tác dụng ngược lại mong muốn. Chính vì vậy, người giảng viên phải đảm bảo nguyên tắc nhất quán khi thiết kế các slide trên Powerpoint. Mỗi slide chỉ thể hiện một nội dung kiến thức, cần nhất quán về phông chữ, cỡ chữ, kiểu chữ, phông nền. Không nên dùng phông chữ khó nhìn khi phóng lớn, không sử dụng quá ba phông chữ trên một slide.
Thứ tư, Microsoft Powerpoint cung cấp nhiều hình dạng đặc biệt hấp dẫn. Tuy nhiên, chúng ta không nên tùy tiện khi lựa chọn để sử dụng chúng, tránh tùy tiện, không khoa học.
Thứ năm, trong trình chiếu, cần chọn đồ họa một cách thận trọng. Bởi Microsoft Powerpoint cung cấp những hình ảnh, âm thanh hấp dẫn. Chúng có thể trợ giúp khả năng lĩnh hội của sinh viên. Nhưng ngược lại, chúng cũng sẽ làm phân tán sự tập trung chú ý của sinh viên hoặc tạo ra những quá trình tư duy lệch lạc, thậm chí phản cảm nếu sử dụng không hợp lý. Chính vì vậy, khi sử dụng các hình vẽ, sơ đồ, cần chú ý sử dụng nó làm nguồn phát thông tin dạy học và luyện tập cho sinh viên biết cách quan sát, nhận xét, rồi rút ra kết luận cần thiết. Nghĩa là, sinh viên cần tập trung vào nội dung trình bày chứ không phải là màu sắc, hay hình ảnh vui nhộn.
Thứ sáu, phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa giảng giải và các thao tác trình diễn trên các slide.
Thứ bảy, tạo không khí chủ động cho sinh viên lĩnh hội tri thức; tránh sự thụ động, e ngại của sinh viên. Nghĩa là, giảng viên cần nêu rõ cấu trúc nội dung kiến thức mà mình sẽ trình chiếu, phương pháp làm việc giữa giảng viên và sinh viên. Khi đó, giảng viên trình bày các vấn đề được thuận lợi và hiệu quả hơn, còn sinh viên sẽ chủ động lĩnh hội tri thức mà giảng viên đang diễn giảng và trình diễn.
Những yêu cầu trên đây phải được thực hiện một cách triệt để mới đem lại sự sinh động, cuốn hút của bài giảng và do đó dẫn đến hiệu quả cao khi giảng dạy và học tập các tri thức khoa học, đặc biệt là những tư tưởng của Bác về các vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam.
Nói tóm lại, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học nói chung và dạy học tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng là một trong những cách thức đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy năng lực người học. Tuy nhiên, thay đổi thói quen đã thành công trong quá khứ không phải là điều dễ dàng. Sử dụng công nghệ thông tin trong thuyết trình bài giảng Tư tưởng Hồ Chí Minh không có nghĩa là công nghệ thông tin sẽ thay thế hoàn toàn vai trò của người Thầy. Cho dù có áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giảng dạy thành thạo đến thế nào thì quá trình dạy học cũng không thể thiếu giáo án và thao tác sử dụng “phấn trắng, bảng đen". Thiết bị kỹ thuật hiện đại chỉ là phương tiện hỗ trợ đắc lực cho việc dạy học, chúng không thể thay thế và làm mờ đi vai trò chỉ đạo, tổ chức, hướng dẫn của giảng viên. Vai trò của người Thầy không hề suy giảm mà ngày càng quan trọng hơn bởi “máy tính không kỳ diệu mà chính các giáo viên đem lại sự kì diệu". Đây cũng chính là nghệ thuật sư phạm mà mỗi giảng viên cần tự rèn luyện để có thể đáp ứng nhu cầu của thời đại mới./.