Theo số liệu thống kê của Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích cây ăn quả cả nước và các vùng, miền nhìn chung có xu hướng liên tục tăng trong những năm gần đây. Một số giống cây ăn quả có múi được phát triển mạnh như bưởi Diễn, cam Vinh, cam Đường Canh, cam Xã Đoài, cam Sành và một số giống cam mới (V2, BH, CT36...) đã thể hiện được ưu thế và khả năng thích nghi với điều kiện sinh thái của địa phương. Mặc dù tăng nhanh về diện tích, năng suất ở khu vực này còn khá thấp so với tiềm năng mà một trong những nguyên nhân quan trọng nằm ở khâu tạo ra vườn cây sạch bệnh, hay nói cách khác tỷ lệ các vườn cam sạch bệnh còn khiêm tốn so với diện tích của toàn vùng.

Hơn nữa, trong thực tế sản xuất, các giống cam đang trồng trên địa bàn các tỉnh hiện nay còn một số mặt hạn chế, như: (1) Quy trình chống tái nhiễm bệnh trên cây có múi chưa thực hiện hợp lý; (2) Nguồn giống sử dụng bị nhiễm bệnh hoặc không đúng giống; (3) Quy trình trồng mới và thâm canh chưa hợp lý dẫn đến cây bị nhiễm bệnh, năng suất và chất lượng sụt giảm trong khi lại tốn kém tiền đầu tư ban đầu. Từ thực tế trên, ThS. Trần Đức Phúc và các cộng sự tại Viện Khoa học nông nghiệp công nghệ cao Trường Phát thực hiện đề tài: “Ứng dụng công nghệ cao để sản xuất giống sạch bệnh và thâm canh cam quy mô công nghiệp tại một số tỉnh trung du miền núi phía Bắc” từ năm 2018 đến năm 2020.
Thông qua việc áp dụng quy trình công nghệ nhân giống cam sạch bệnh quy mô công nghiệp, quy trình thâm canh tiên tiến, quản lý vườn cam theo VietGAP, đề tài hướng đến thực hiện mục tiêu ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước kết hợp với bón phân điều khiển tự động để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả cho sản xuất cam bền vững tại một số tỉnh trung du miền núi phía Bắc.
Đề tài đã thu được một số kết quả nổi bật như sau:
- Đã hoàn thiện quy trình nhân giống cam CT36, BH sạch bệnh quy mô công nghiệp; quy trình trồng mới các giống cam CT36 và BH trong điều kiện sinh thái ở ba tỉnh Hòa Bình, Yên Bái và Hà Giang; quy trình canh tác giống cam CT36 và BH giai đoạn kiến thiết (1-3 năm tuổi); và quy trình canh tác cam CT36 và BH giai đoạn kinh doanh (cây 3-5 năm tuổi).
- Đã xây dựng thành công 04 mô hình ứng dụng, các mô hình đều phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng tại địa phương cũng như trình độ tiếp nhận của cơ quan Chủ trì. Kết quả xây dựng các mô hình cụ thể như sau: (1) Mô hình vườn cây mẹ cung cấp mắt ghép cho vườn ươm; (2) Mô hình vườn ươm sản xuất cây giống; và (3) Xây dựng các mô hình trồng mới và thâm canh ứng dụng công nghệ cao các giống cam V2, CT36 và BH.
Kết quả của đề tài là cơ sở để mở rộng diện tích trồng các giống cam mới V2, CT36 và BH không hạt, năng suất, chất lượng cao tại các vùng trồng cam có tiềm năng ở các tỉnh miền núi phía Bắc như tỉnh Hoà Bình, Hà Giang, Yên Bái... trong những năm tới bằng nguồn giống sạch bệnh. Đồng thời, các giống cam V2, CT36 và BH đưa vào sản xuất đã góp phần đa dạng sản phẩm cam cho địa phương, rải vụ thu hoạch, giảm áp lực về sự thiếu hụt lao động, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân...
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19586/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)