Ngày 19/03/2023, tại Hà Nội, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức buổi tọa đàm “Cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các tổ chức đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo”.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh phát biểu tại Tọa đàm
Tại Tọa đàm, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, cho biết: Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, tính đến tháng 3/2023, tổng số vốn đầu tư mạo hiểm đạt 427 triệu USD. Việt Nam có sự cải thiện thứ hạng, từ vị trí 48 lên 46 trên 132 quốc gia, vùng lãnh thổ. Hiện nay đã có 20 địa phương đã và đang xây dựng Đề án hình thành Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST; 60 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch triển khai Đề án 844; 39 tỉnh, thành phố ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân quy định cơ chế tài chính cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp; Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lọt top 200 hệ sinh thái nghiệp toàn cầu. Bộ KH&CN đang phối hợp các bộ, ban, ngành và các địa phương trên cả nước đẩy mạnh các hoạt động khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam đi tới giai đoạn hội nhập. Với lực lượng lao động dồi dào, hạ tầng công nghệ ngày càng được đầu tư và phát triển, vị thế của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam ngày càng được cải thiện trên trường quốc tế. Đồng thời, ông Phạm Hồng Quất kiến nghị, cần có những chính sách đủ hấp dẫn để hội nhập với xu hướng hiện nay của thế giới như: thúc đẩy start-up tham gia vào hệ sinh thái của các tập đoàn công nghệ thế giới; hình thành các doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ (spin-off) tại các viện nghiên cứu, trường đại học; thúc đẩy chuyển đổi số gắn liền với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; quy định về vườn ươm khởi nghiệp ĐMST; hành lang pháp lý cho doanh nghiệp…
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã chia sẻ một số kết quả đạt được trong hoạt động quản lý khoa học, công nghệ và ĐMST tại đơn vị. Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng đề xuất một số ý kiến thiết thực cho hoạt động ĐMST.
Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh cho biết, hiện nay, hệ thống ĐMST quốc gia tại Việt Nam đang phát triển và hoàn thiện. Mối liên kết giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp đang được thúc đẩy mạnh mẽ, trong đó doanh nghiệp được coi là trung tâm của quá trình ĐMST thông qua các chương trình KH&CN. Đáng chú ý, các doanh nghiệp, tổ chức về ĐMST, KNST đã có nhiều thành tích nổi bật. Ngoài ra, nhiều văn bản pháp luật mới đã được xây dựng, sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường vai trò của nhà nước trong quản lý về khoa học, công nghệ và ĐMST. Tuy nhiên, hệ thống quản lý khoa học, công nghệ và ĐMST của Việt Nam vẫn còn một số bất cập và hạn chế. Vì thế, điều cần thiết hiện nay là tìm ra được cơ chế, chính sách đột phá để có thể thúc đẩy phát triển hơn nữa các tổ chức ĐMST, khởi nghiệp sáng tạo (KNST).
Thứ trưởng Hoàng Minh tổng kết một số nội dung đã được trao đổi và thống nhất với ý kiến của các đại biểu tham dự, theo đó:
Thứ nhất, mặc dù có sự giao thoa, nhưng ĐMST và KNST là khác nhau và cần phân biệt để có các ứng xử phù hợp về quản lý nhà nước. ĐMST được hiểu đơn giản là quá trình chuyển đổi từ tri thức, công nghệ thành sản phẩm cụ thể, ĐMST không nhất thiết phải từ hoạt động nghiên cứu và phát triển mà còn từ phổ biến kinh nghiệm, kiến thức của người dân nhưng không thể tách rời KH&CN. Đối tượng chính để thực hiện ĐMST là doanh nghiệp, doanh nhân. Tuy nhiên để thực hiện ĐMST hiệu quả và có tác động lan toả, doanh nghiệp cần được kết nối với các tác nhân khác của hệ thống ĐMST quốc gia. ĐMST trong bối cảnh của cuộc cách mạng 4.0 sẽ tạo ra các sản phẩm, dịch vụ chưa từng có, do đó cần có hành lang pháp lý đặc thù và cơ chế liên ngành để có giải pháp ứng xử phù hợp; KNST tập trung vào tinh thần kinh thương với hoạt động chính là gọi vốn hoặc IPO để đầu tư, tạo ra mô hình, sản phẩm mới, doanh nghiệp mới nhưng chưa có hoạt động sản xuất để đưa sản phẩm ra thị trường. KNST có thể do nhóm, cá nhân hoặc có thể thực hiện dưới "vỏ mượn" của doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Hiện nay KNST đang được "gửi gắm" vào luật SME, dẫn đến "hiểu nhầm" khởi nghiệp là SME với các ứng xử chưa phù hợp. Do đó, cần có khung khổ pháp lý riêng cho KNST cũng như cần có các hub để gắn kết KNST với doanh nghiệp cũng như với các các nhân tố khác của hệ sinh thái KNST.
Thứ hai, hiện nay, có nhiều định danh được sử dụng cho các đối tượng ĐMST và KNST dẫn đến sự thiếu thống nhất. Hơn nữa, các tổ chức mới chỉ được quy định về thành lập chứ chưa có quy định về quản lý hoạt động và các chính sách ưu đãi. Điều này đặt ra sự cần thiết phải có quy định chung nhằm xác định, thống nhất chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức ĐMST và KNST. Đồng thời, cần bổ sung các quy định về việc theo dõi, đánh giá, xác nhận để các tổ chức được hưởng các ưu đãi phù hợp và chính đáng.
Thứ ba, Bộ KH&CN ủng hộ và khuyến khích các bộ, ngành, địa phương hình thành và phát triển các tổ chức ĐMST và KNST. Là cơ quan được Chính phủ giao quản lý nhà nước về ĐMST và KNST (tại Nghị định số 28/2023/NĐ-CP), Bộ KH&CN có trách nhiệm nhìn nhận tổng thể các vấn đề quản lý nhà nước đối với hệ thống ĐMST quốc gia, trong đó NIC và các trung tâm ĐMST quốc gia của các ngành, lĩnh vực đóng vai trò nòng cốt. Để thực hiện trách nhiệm này, Bộ KH&CN đã có báo cáo trình Chính phủ giao chủ trì xây dựng Nghị định nhằm tháo gỡ vướng mắc chung cho cả hệ thống ĐMST quốc gia và hệ sinh thái KNST quốc gia, trong đó ưu tiên cho các đối tượng đặc thù, trọng tâm như NIC. Trong thời gian tới, với vai trò chủ trì xây dựng các cơ chế, chính sách chung cho hệ thống ĐMST quốc gia và hệ sinh thái KNST quốc gia, Bộ KH&CN sẽ chủ trì và mong muốn nhận được sự đồng lòng, chia sẻ của bộ, ngành, địa phương để thúc đẩy sự hoạt động ĐMST và KNST.
P.A.T (Tổng hợp)