Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Rượu nếp quê đạt sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 3 sao

Làng nghề Hà Nam Rượu nếp thủ công nhãn hiệu Cường Hạnh  
Rượu nếp quê đạt sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 3 sao

 Về thôn Trung Hạ Đại vượng xã Thanh Nguyên hỏi thăm cơ sở rượu nếp truyền thống Cường Hạnh ai cũng biết, bởi đây là cơ sở sản xuất rượu đã và đang giữ được nét truyền thống lâu đời đồng thời vẫn đáp ứng các tiêu chí của sản phẩm hiện đại cần có, tạo uy tín với khách hàng trong và ngoài địa phương. Trò chuyện với chúng tôi anh Bùi Mạnh Cường- chủ cơ sở cho biết: Đây là nghề truyền thống từ ba đời nay của gia đình. Xưa các cụ nhà anh chỉ đơn thuần là nấu thủ công với nồi hông xôi, nồi chưng cất rượu nhỏ, công suất thấp trên bếp than, củi vừa nhếch nhác vừa không đảm bảo chất lượng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm nên sản phẩm tiêu thụ cũng nhỏ lẻ, thu nhập chỉ đủ ăn đã là khó rồi. Từ khi anh tiếp quản cơ sở của gia đình, nhận thấy để có được chỗ đứng trên thị trường, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay có rất nhiều thương hiệu rượu xuất hiện trên thị trường, trong số đó nhiều hàng giả, hàng nhái kém chất lượng khiến người tiêu dùng khó phân biệt được đồng thời những sản phẩm đó ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy anh quyết tâm tìm tòi, học hỏi, cải tiến kỹ thuật đồng thời đầu tư thêm máy móc hiện đại để từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

rượu cường hạnh.jpg

 Anh Bùi Văn Cường người dân thôn Trung Hạ Đại vượng là một trong những khách hàng quen thuộc, thường xuyên sử dụng rượu của cơ sở Cường Hạnh cho biết : Rượu của  Cơ sở Cường Hạnh là sản phẩm chúng tôi ở địa phương sử dụng từ lâu rồi. Từ nhiều mục đích sử dụng khác nhau như ngâm rượu thuốc, đình đám cho đến sử dụng hàng ngày hay lễ tết chúng tôi đều lấy ở đây. Vì rượu này đã được khử độc tố, uống ngon, thơm đặc biệt uống không đau đầu.

Trên cơ sở diện tích hơn 200m2 vợ chồng anh  đã mạnh dạn đầu tư trên 500 triệu đồng  nâng cấp hệ thống nồi hấp cơm, nồi chưng cất rượu chạy bằng điện, sử dụng nguồn nước máy đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, đầu tư thêm máy lọc khử độc tố để loại bỏ độc tố trong rượu.Thay thế hoàn toàn cách làm thủ công trước đây mà vẫn giữ được chất lượng thơm ngon. Từ đó, công suất chất lượng sản phẩm tăng lên rõ rệt, giúp giải phóng sức lao động và tăng thu nhập cho gia đình. Hiện mỗi năm anh tiêu thụ 35 đến 40 tấn gạo nếp của nhân dân địa phương. Sản xuất 2000 lít rượu mỗi tháng với giá bán bình quân 25000đ/lít. Các sản phẩm của anh hiện có là rượu nếp có nồng độ từ 32 đến 40 độ được nấu theo phương pháp truyền thống nên giữ nguyên hương vị đặc trưng, hậu vị cay ngọt, uống không gây đau đầu, uống say không mệt và đào thải nhanh.  Sản phẩm đóng can nhựa 5 lít, 10 lít, 20 lít. Ngoài ra còn có rượu nếp cẩm vắt, rượu ngâm chuối hột, rược đóng nậm gốm Bát Tràng phục vụ lễ tết theo nhu cầu khách hàng, trên mỗi sản phẩm đều có dán tem truy xuất nguồn gốc và ngày sản xuất rõ ràng. Nguyên liệu đầu vào là nguồn nước máy và gạo nếp của nhân dân trong vùng sản xuất ra. Men làm rượu được sử dụng men thuốc bắc sản xuất tại thôn Bạc làng xã Thanh Tân. Tất cả nguyên liệu đều được kiểm soát cặn kẽ nguồn gốc.  Các sản phẩm của cơ sở đã được trừng bày ở các hội chợ, các sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh, huyện và xã Thanh Nguyên, được người tiêu dùng gần xa biết đến. Hầu như ngày nào cũng có khách đặt mua hàng. Cao điểm có  ngày cơ sở anh xuất vài trăm lít là bình thường. Đặc biệt rượu nếp cơ sở Cường Hạnh đặt vấn đề sức khỏe người tiêu dùng lên trên hết vì vậy khi sản xuất ra, ngoài việc lọc bằng máy loại bỏ độc tố, còn được đóng chum bảo quản sau một thời gian nhất định mới xuất bán ra thị trường.

Anh Bùi Mạnh Cường chia sẻ: Tháng 12/2019 sản phẩm rượu nếp của cơ sở Cường Hạnh đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận sản phẩm Ocop đạt tiêu cuẩn 3 sao. Từ khi sản phẩm của gia đình đạt giấy chứng nhận Ocop tiêu chuẩn 3 sao anh luôn cảm thấy vinh dự và trách nhiệm ngày càng lớn hơn việc bảo tồn và phát triển nghề này. Thời gian qua tuy gặp một số khó khăn do dịch bệnh Covid-19 nhưng đây là nghề truyền thống của gia đình, của quê hương nên anh và gia đình quyết tâm tháo gỡ khó khăn bảo tồn và phát triển.  Ngoài sản xuất rượu, các phụ phẩm từ sản xuất rượu anh chăn nuôi thêm lợn, gà. Tính ra tổng thu nhập của gia đình anh đạt trên 200 triệu đồng/năm.

 Đánh giá về mô hình sản xuất rượu của gia đình anh Cường, bà Cù Thị Thu phó Bí thư thường trực đảng ủy xã Thanh Nguyên cho biết:  Cơ sở sản xuất rượu nếp Cường Hạnh là sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP đầu tiên của địa phương nên rất được cấp ủy, chính quyền quan tâm. Từ việc tạo điều kiện hướng dẫn về mặt thủ tục pháp lý đến giám sát quản lý về mặt sản xuất, chất lượng sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng đúng theo quy định. Từ khi đạt chuẩn OCOP đến nay  cơ sở đảm bảo sản phẩm chất lượng duy trì ổn định, sản lượng tăng dần đều và tạo niềm tin thu hút khách hàng tại địa phương và các vùng lân cận. Địa phương chúng tôi tiếp tục rà soát phát hiện những sản phẩm có tính chất truyền thống và đặc thù của địa phương để tập trung xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đạt tiêu chuẩn Ocop tiếp theo.

 Đến nay uy tín và thương hiệu rượu nếp Cường Hạnh đã dần khẳng định chỗ đứng vững vàng trên thị trường, được người tiêu dùng lựa chọn sử dụng.  Cụm từ “nấu rượu nuôi lợn" chúng ta nghe đã quá quen thuộc, phản ánh quy trình sản suất khép khín của nhiều hộ nông dân từ xưa đến nay nhưng nấu rượu quy mô lớn có thương hiệu rượu sạch, thịt sạch như cơ sở Cường Hạnh thì hẳn là chưa nhiều. Đây cũng là mô hình điển hình hiệu quả trong phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường  ở nông thôn rất đáng để nhân rộng, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập ổn định cho người dân địa phương./.

https://skhcn.hanam.gov.vn/