Thế Vĩnh
“9 năm trường kỳ kháng chiến, quân và dân Hà Nam đã đánh gần 10 nghìn trận, diệt 40 nghìn tên địch; phá hủy, phá hỏng gần 400 xe quân sự, bắn rơi 2 máy bay; bắn chìm, bắn cháy 5 tàu chiến, ca nô, thu nhiều vũ khí trang bị của địch. Các gia đình, dòng họ trong tỉnh đã động viên 9.525 con em gia nhập quân đội, tham gia chiến đấu trên khắp các mặt trận; huy động hàng vạn dân công, hàng chục vạn tấn lương thực, thực phẩm, quần áo, thuốc men chi viện cho chiến trường. Kết thúc 9 năm kháng chiến, toàn tỉnh có 3.599 liệt sĩ, 905 thương binh. Với những thành tích đạt được trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Đảng bộ, quân và dân Hà Nam cùng 20 tập thể, cá nhân được Đảng, Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân". (Theo “Lịch sử Đảng bộ Quân sự tỉnh Hà Nam 1947 - 2012").
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và hình ảnh chiến thắng Điện Biên Phủ
Mùa xuân 1951, Đại đoàn quân chủ lực 320 (Đại đoàn Đồng Bằng) được thành lập theo chủ trương của Trung ương, Liên khu ủy và Bộ Tư lệnh Liên khu Ba. Đây là tin vui lớn động viên, khích lệ tinh thần, đồng thời mở ra cơ hội để quân dân Hà Nam và quân dân các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng đẩy mạnh xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang (LLVT) địa phương, phối hợp phát triển mạnh chiến tranh du kích, tiêu hao sinh lực địch.
Tháng 4/1953, quân dân Hà Nam chủ động phối hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực của Trung đoàn 46, Trung đoàn 48 (Đại đoàn Đồng Bằng) liên tục đẩy mạnh hoạt động kháng chiến, giành thế chủ động trên chiến trường. Chiến tranh du kích trở thành cao trào diễn ra ở khắp các địa bàn từ Phủ Lý đến các vùng nông thôn trong tỉnh.
Tuyến phòng thủ sông Đáy của địch bị phá vỡ từng mảng, các tuyến quốc lộ 1, đường 60 và địa bàn Phủ Lý bị cô lập. Thừa thắng, quân dân Hà Nam tranh thủ phát triển nhanh LLVT địa phương phối hợp với các Trung đoàn 46, 48 (Đại đoàn Đồng Bằng) thực hiện nhiều trận tập kích tiêu diệt hàng loạt đồn bốt trọng yếu trên các tuyến phòng thủ của địch. Những thắng lợi liên tiếp của các đơn vị LLVT trong tỉnh phối hợp với bộ đội chủ lực trên chiến trường Hà Nam đã góp phần quan trọng cùng với quân và dân hai tỉnh Nam Định, Ninh Bình giành thắng lợi quyết định của Chiến dịch Quang Trung.
Tiếp tục chủ trương đẩy mạnh hoạt động phối hợp với các đơn vị quân chủ lực, Tỉnh ủy Hà Nam đề ra hai nhiệm vụ lớn trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 là: tiếp tục phát triển mạnh mẽ chiến tranh du kích, tiêu hao phần lớn sinh lực địch, mở rộng vùng tự do. Nhờ có sự phối hợp chặt chẽ của một số đơn vị thuộc Đại đoàn Đồng Bằng nên các LLVT trong tỉnh càng đánh càng thắng, càng đánh càng mạnh.
Cuối năm 1953, các đơn vị du kích trong tỉnh phối hợp bất ngờ tập kích gây thiệt hại nặng nề cho Binh đoàn số 5 của địch. Bộ đội Duy Tiên cũng tiến hành nhiều trận tập kích nhỏ tiêu diệt 110 tên địch; du kích các xã Hoàng Đông, Tiên Nội, Trác Văn (Duy Tiên) đã táo bạo tổ chức chặn đánh tiểu đoàn Âu Phi, diệt 35 tên, phá hủy một xe tăng địch.
Tại Thanh Liêm, du kích Liêm Túc tấn công tiêu diệt 35 tên địch. Trên khắp các tuyến đường trong tỉnh, hàng trăm xe của địch bị bom mìn của du kích lật đổ, thiêu cháy. Nhiều đoạn đường giao thông bị phá hỏng và chia cắt nặng nề. Trên các tuyến đường sông, tàu chiến, ca nô địch cũng bị quân ta liên tiếp chặn đánh, tiêu diệt.
Năm 1954, LLVT Hà Nam tiếp tục sát cánh cùng các đơn vị trực thuộc Đại đoàn Đồng Bằng liên tục bao vây, tấn công những vị trí trọng yếu trên phòng tuyến sông Đáy của địch. Ngày 6/2/1954, LLVT Hà Nam tiêu diệt các vị trí chiến lược của địch tại Hoàng Đan, Kinh Thanh (phía đông nam Thanh Liêm, giáp Ninh Bình). Ngày 15/2/1954, LLVT Hà Nam đón đánh Binh đoàn số 4 của địch ở Phù Lão (Kim Bảng), diệt 400 tên. Quân địch ở Thanh Khê, Mai Cầu (Thanh Liêm) hoảng sợ bỏ chạy, 30 km tuyến phòng thủ sông Đáy từ Phủ Lý đi Ninh Bình của chúng bị phá vỡ từng mảng lớn.
Ngày 22/2/1954, “Vua mìn" Trần Văn Chuông (Bình Nghĩa, Bình Lục) đã chỉ huy đơn vị chặn đánh tàu chiến địch trên sông Hồng (khu vực Từ Đài, Mộc Bắc, Duy Tiên), bắn cháy một tàu chiến, bốn ca nô địch. Thừa thắng, kết hợp nội công, ngoại kích, quân ta tiêu diệt luôn vị trí Đồng Văn (Duy Tiên), bao vây bức rút vị trí Quế (Kim Bảng), tiêu diệt vị trí Kiện Khê (Thanh Liêm), bắt sống 216 tên. Phủ Lý bị cô lập, địch phải vội vã điều hai binh đoàn về cố giữ đường giao thông Phủ Lý - Nam Định. Đêm 27/3/1954, vị trí chùa Ông (Tượng Lĩnh, Kim Bảng), vị trí cuối cùng của địch dọc phòng tuyến sông Đáy trên đất Hà Nam đã bị tiêu diệt.
Với chiến thắng này, LLVT Hà Nam đã phối hợp mở thông con đường vận chuyển người, vũ khí, lương thực của ta từ vùng đồng bằng Liên khu Ba lên Việt Bắc, phục vụ đắc lực cho chiến trường Điện Biên Phủ.
Tháng 5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi hoàn toàn, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ lập lại hòa bình ở Đông Dương. Góp công lớn vào thắng lợi lịch sử này, suốt những năm kháng chiến, đặc biệt là trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, LLVT và nhân dân Hà Nam sát cánh cùng quân dân các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng phối hợp với bộ đội chủ lực đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “kháng chiến toàn dân, toàn diện", vừa chiến đấu, vừa phát triển LLVT, xây dựng hậu phương vững mạnh, chi viện đắc lực cho chiến trường trọng điểm Tây Bắc, Điện Biên./.