Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Phát triển đàn lợn nái áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo phục vụ nhiệm vụ tái đàn lợn trên địa bàn tỉnh Hà Nam

Tin tức sự kiện  
Phát triển đàn lợn nái áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo phục vụ nhiệm vụ tái đàn lợn trên địa bàn tỉnh Hà Nam

​Từ năm 2019, Ngành chăn nuôi của tỉnh Hà Nam nói riêng cũng như của cả nước nói chung gặp rất nhiều khó khăn, bất lợi do bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Dịch này đã xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh từ cuối tháng 2 năm 2019 và diễn ra trong thời gian dài, gây thiệt hại rất lớn đối với nhiều hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh. Trước thực trạng đó đòi hỏi phải có sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh trong cơ chế để tạo đòn bẩy khôi phục và phát triển ngành chăn nuôi lợn sau khi đại dịch qua đi.


Bàn giao lợn giống cho các hộ tham gia Đề án

Thiệt hại từ dịch tả Châu Phi và mục tiêu tái đàn lợn

Theo số liệu thống kê riêng năm 2019 cả nước đã thực hiện tiêu hủy gần 5,8 triệu con tương đương khoảng 300 triệu tấn thịt. Còn tại tỉnh Hà Nam, tính đến nay đã tiêu hủy 132.061 con của 9.843 hộ chăn nuôi tại 614 thôn thuộc 111/116 xã, phường, thị trấn của 6 huyện, thị xã, thành phố (bằng 29% tổng đàn lợn trước khi có dịch) với trọng lượng 7.631.878 kg, chiếm khoảng 12% trong tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng năm 2019. Trong đó huyện có số lợn tiêu hủy nhiều nhất là Lý Nhân với 43.160 con, Bình Lục 42.671 con. Đặc biệt đàn lợn nái bị giảm gần 40.000 con tương đương 60% tổng đàn do bị nhễm bệnh phải tiêu hủy hoặc bị phá bỏ do người chăn nuôi lo ngại lợn có thể nhiễm bệnh dẫn đến bị tiêu hủy. Số đầu lợn nái suy giảm đã gây tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung giống lợn nuôi thương phẩm phục vụ công tác tái đàn, ổn định quy mô sau dịch; đồng thời làm khan hiếm sản lượng thịt lợn cung cấp ra thị trường, dẫn đến người tiêu dùng phải sử dụng loại thực phẩm này với giá cao chưa từng có. Đến nay, tổng đàn lợn nái toàn tỉnh là 30.000 nái trong đó 50% nái tại các công ty và trang trại lớn, chỉ khoảng 15.000 nái trong nông hộ và gia trại, do vậy công tác tái đàn không những không đảm bảo được số lượng nhằm phục hồi mà còn yếu kém cả về chất lượng đàn nái.

Với mục tiêu tái đàn lợn nái một cách bền vững, đảm bảo về chất lượng con giống cũng như giảm thiểu rủi ro của dịch bệnh, trong thời gian tới cần chú trọng nâng quy mô đầu lợn nái tái đàn đúng theo phẩm cấp giống lợn bố mẹ, đồng thời tăng cường sử dụng các giống lợn nái ngoại, nái lai có khả năng sinh sản tốt, thích nghi với điều kiện khí hậu, chăn nuôi tại địa phương; đồng thời tăng khả năng sinh trưởng và chất lượng thịt của con thương phẩm nhằm đáp ứng được nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo (TTNT) và các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH) theo hướng VietGAHP sẽ góp phần nâng cao năng suất sinh sản, hạn chế dịch bệnh lây lan cũng như bảo vệ môi trường nhằm hướng tới một ngành chăn nuôi an toàn bền vững.

Xuất phát từ thực tiễn nêu trên cùng với mục tiêu và định hướng của tỉnh, Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Hà Nam xây dựng Đề án: “Phát triển đàn lợn nái áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo phục vụ nhiệm vụ tái đàn lợn trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2020 - 2022".

Mục tiêu của Đề án nhằm giúp người chăn nuôi được tiếp cận các giống lợn bố mẹ là lợn ngoại có năng suất sinh sản cao, chất lượng tốt, thích nghi với điều kiện khí hậu, phương thức chăn nuôi của địa phương góp phần nâng cao hiệu quả cho người chăn nuôi; Tăng quy mô đàn lợn nái chất lượng cao phục vụ công tác sản xuất giống lợn nuôi thương phẩm, cung ứng cho các hộ dân đảm bảo chất lượng, an toàn về dịch bệnh, giảm chi phí và từng bước tái đàn lợn trên địa bàn tỉnh sau ảnh hưởng của Dịch tả lợn Châu phi.

Với mục tiêu trên, năm 2020, đã xây dựng 12 điểm trình diễn với quy mô 06 con lợn đực giống và 900 con lợn nái hậu bị tại 6 huyện, thị, thành phố; Năm 2021 xây dựng 8 điểm trình diễn với quy mô trình diễn là 400 lợn nái hậu bị, cụ thể: Trong đó ở Lý Nhân, Bình Lục mỗi huyện được hỗ trợ 150 lợn nái cho 15 hộ tại 3 xã. Huyện Kim Bảng và Thị xã Duy Tiên mỗi huyện thị xã được hỗ trợ 50 lợn nái cho 5 hộ tại 1 xã. Hiện nay Sở Nông nghiệp đã giao cho Trung tâm Khuyến nông triển khai công tác nhập lợn giống  chia thành 3 đợt để bàn giao an toàn cho các hộ tại các điểm triển khai. Tính đến ngày 5/5/2021 đã có Phủ Lý, Kim Bảng, Duy Tiên, Thanh Liêm đã nhận lợn giống với tổng số 270 lợn nài/27 hộ. Lợn khỏe mạnh, không có biểu hiện dịch bệnh, đạt tiêu chuẩn so với các tiêu chí chọn lọc theo quy chuẩn chọn lợn giống.

Giải pháp thực hiện

Để Đề án đạt hiệu quả cao, Sở Nông nghiệp đã giao cho Trung tâm Khuyến nông Hà Nam tổ chức triển khai Đề án một cách bài bản khoa học với những giải pháp hợp lý, hiệu quả.

- Về tiêu chí tham gia:

Đối với các xã được chọn tham gia mô hình phải nằm trong vùng quy hoạch phát triển chăn nuôi lợn của tỉnh; Có truyền thống nuôi lợn nái, có tiềm năng và điều kiện cơ sở hạ tầng cho mở rộng quy mô phát triển chăn nuôi lợn đực giống và lợn nái sinh sản; Các hộ nuôi lợn nái áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạ; Các xã có vùng hoặc khu chăn nuôi tập trung.

Đối với các hộ phải có đơn tự nguyện tham gia mô hình và bản cam kết tuân thủ quy trình kỹ thuật, các hướng dẫn, các quy định của mô hình; Đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thú y và vệ sinh môi trường: khu chăn nuôi và khu xử lý chất thải phải tách biệt với khu nhà ở, định kỳ vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, dụng cụ trang thiết bị chăn nuôi; có hệ thống thu gom, xử lý phân, nước thải chăn nuôi, xác vật nuôi và chất thải chăn nuôi khác theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường Đảm bảo các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học theo hướng VietGAHP. Có địa điểm để thực hiện mô hình trình diễn phù hợp với nội dung, quy trình kỹ thuật của mô hình; Có chuồng trại, cơ sở vật chất và trang thiết bị đáp ứng điều kiện nuôi đối tượng vật nuôi trong mô hình là lợn đực giống và lợn nái sinh sản; Đủ nguồn lao động có kinh nghiệm hoặc trình độ kỹ thuật để tiếp thu quy trình chăn nuôi, ghi chép sổ sách trong mô hình cũng như việc chuyển giao nhân rộng kết quả mô hình cho các hộ khác; Cam kết đầu tư vốn đối ứng cho mô hình phù hợp với yêu cầu kỹ thuật; Chưa nhận hỗ trợ từ bất kỳ nguồn kinh phí nào của ngân sách Nhà nước cho cùng một nội dung của mô hình;

Đối với hộ tham gia mô hình nuôi lợn đực giống cần đảm bảo các tiêu chí chung của chọn hộ. Đã có kinh nghiệm về chăn nuôi lợn đực giống ngoại và phương pháp thụ tinh nhân tạo cho lợn. Có đầy đủ điều kiện như chuồng nuôi, các dụng cụ, thiết bị cần thiết phục vụ công tác chăn nuôi, khai thác, bảo quản tinh và thụ tinh nhân tạo cho lợn nái như: ô chuồng nuôi riêng biệt dành cho lợn đực giống, giá nhảy, phòng pha tinh, kính hiển vi và tủ bảo quản tinh dịch lợn đực...  Các hộ nuôi lợn đực giống phải có cam kết việc khai thác tinh lợn để thụ tinh nhân tạo, không cho phối giống trực tiếp.

Riêng đối với hộ tham gia mô hình nuôi lợn nái, cần đảm bảo các tiêu chí chung của chọn hộ. Ngoài ra hộ nuôi lợn nái phải có điều kiện chuồng trại và cơ sở vật chất nuôi từ 50 lợn nái trở lên, đã có kinh nghiệm nuôi các giống lợn nái ngoại (ưu tiên những hộ nuôi theo phương thức chuồng kín).

- Về Chuyển giao kỹ thuật

Tập huấn chuyển giao kỹ thuật: Tập huấn 01 lớp  cho 06 hộ nuôi lợn đực; Tập huấn cho hộ nuôi lợn nái (1 lần/năm/xã tham gia mô hình). Tổ chức đào tạo tập huấn ngoài mô hình với tổng số 10 lớp cho những hộ chăn nuôi chưa tham gia mô hình tại các địa phương nhằm nhân rộng mô hình với số lượng 30 học viên/lớp.

Đồng thời hỗ trợ lợn giống bố mẹ là lợn ngoại. Lợn đực có khối lượng tối thiểu 90 kg/con. Lợn nái hậu bị có khối lượng tối thiểu 50 kg/con (4 tháng tuổi). Vật tư hỗ trợ bao gồm thức ăn, trứng gà, vắc xin, hóa chất sát trùng và dụng cụ phục vụ khai thác tinh như: kính hiển vi, máy đo PH, cân điện tử, máy làm nóng môi trường, máy chưng cất; dụng cụ bảo tồn tinh dịch; vắc xin cho lợn nái

- Theo dõi, chỉ đạo kỹ thuật, thông tin tuyên truyền

Đề án được triển khai đồng bộ từ tỉnh tới huyện và xã tham gia mô hình, các điểm triển khai đều có cán bộ thú y hoặc khuyến nông cơ sở có trình độ chuyên môn về lĩnh vực chăn nuôi thú y, đã tham gia phối hợp bám sát chỉ đạo tại điểm mô hình và phối hợp với cán bộ chỉ đạo chung, nhằm đảm bảo thành công của dự án.

Đề án áp dụng quy trình chăn nuôi lợn sinh sản an toàn sinh học theo hướng VietGAHP, đảm bảo vệ sinh thú y và môi trường. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền như viết tin, bài; xây dựng biển báo mô hình tại xã và tại các hộ tham gia đề án. Tổ chức tham quan để đánh giá rút kinh nghiệm, so sánh kết quả trong và ngoài mô hình.

Trong quá trình thực hiện 3 năm sẽ tổ chức 20 hội nghị sơ kết tại các điểm tham gia đề án và tổng kết nhằm đánh giá kết quả triển khai mô hình.

- Về quản lý Đề án

Cơ quan chủ trì là đầu mối cho mọi hoạt động, từ xây dựng Đề án, tổ chức mọi hoạt động hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá.

Các đơn vị phối hợp có trách nhiệm báo cáo với cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, phối hợp triển khai các hoạt động, lựa chọn cán bộ chỉ đạo, triển khai mua giống, vật tư theo quy định hiện hành, tổ chức tập huấn và thông tin tuyên truyền, triển khai các nội dung và đánh giá, nghiệm thu, tổng kết Đề án.

- Dự toán tổng kinh phí thực hiện

Dự toán tổng kinh phí thực hiện Đề án là: 11.538.652.000 đồng sẽ được phân kỳ sử dụng qua từng năm, trong đó: ngân sách tỉnh hỗ trợ 6.057.216.000 đồng để hỗ trợ 50% giá trị con giống và vật tư đi kèm cho các hộ tham gia mô hình với định mức hỗ trợ cho 01 hộ nuôi lợn đực giống: 32.606.000 đồng,;   định mức hỗ trợ cho 01 hộ nuôi lợn nái sinh sản là 40.660.000 đồng. Ngoài ra, kinh phí đối ứng của dân 5.481.436.000 đồng.

Hiệu quả của đề án

Thành công của Đề án sẽ có những ý nghĩa quan trọng đối với sản xuất trong chăn nuôi của bà con, nhất là việc tái đàn lợn để phát triển con giống. Đề án giúp người chăn nuôi nhận thức được tầm quan trọng của chăn nuôi ATSH, biết cách phòng trị các bệnh truyền nhiễm, ký sinh trùng, sử dụng thuốc sát trùng, thuốc trị ký sinh trùng, thuốc kháng sinh, góp phần giải quyết bất cập về môi trường do chăn nuôi gây ra, từ đó nắm bắt được quy trình kỹ thuật, áp dụng vào thực tế để nâng cao thu nhập. Đặc biệt mỗi đối tượng tham gia hưởng lợi từ Đề án sẽ là nhân tố góp phần lan tỏa tính hiệu quả của mô hình/đề án.

Đề án cũng giúp chính quyền địa phương với vai trò phối hợp, giám sát sẽ làm tốt hơn nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực chăn nuôi thú y, bảo vệ sức khỏe vật nuôi là tiền đề quan trọng bảo vệ sức khỏe con người, đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao đời sống kinh tế của người dân tại địa phương.

Đồng thời kết quả của Đề án là bài học kinh nghiệm giúp cho độ ngũ cán bộ cơ sở nâng cao năng lực làm việc. Bài học từ kết quả của Đề án cũng là tiền đề để xây dựng các Đề án khác trong những năm tiếp theo.

- Về hiệu quả kinh tế

Tăng cường công tác giống lợn, giúp bổ sung quy mô đàn lợn nái trên địa bàn tỉnh bằng các giống lợn máu ngoại cho năng suất sinh sản cao, chất lượng con thương phẩm tốt phù hợp với nhu cầu thị trường và hướng tới xuất khẩu.

Tăng tỷ lệ thụ tinh nhân tạo trong chăn nuôi lợn nái trên địa bàn tỉnh, kết hợp làm tốt quy trình chăm sóc nuôi dưỡng và phòng trừ dịch bệnh tổng hợp cho đàn lợn sẽ tăng năng suất và chất lượng thịt lợn, tăng hiệu quả chăn nuôi. Đây là căn cứ để mở rộng Đề án những năm tiếp theo. Nhờ vậy tăng hiệu quả chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh môi trường. Dự kiến hiệu quả kinh tế của các hộ nuôi lợn đực giống trong dự án tăng hơn trước dự án là 17,02%, của các hộ nuôi lợn nái trong dự án cao hơn ngoài dự án là 19,2 %.

- Hiệu quả khoa học - xã hội

Người chăn nuôi sẽ dần thay đổi tập quán chăn nuôi truyền thống dựa vào kinh nghiệm là chính sang  sản xuất chăn nuôi theo hướng hàng hoá, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Với thực trạng hiện nay đàn lợn nái trên địa bàn tỉnh còn rất ít và chủ yếu được tuyển chọn từ lợn thương phẩm lên làm giống. Do đó việc tái đàn, khôi phục sản xuất chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh dự kiến phải sau 1,5-2 năm mới có thể khôi phục như trước khi chưa xảy ra có dịch. Chính vì vậy Đề án được triển khai sẽ góp phần thúc đẩy nhanh công tác tái đàn lợn trên địa bàn tỉnh theo hướng đảm bảo chất lượng con giống lợn bố mẹ từ đó giúp ngành chăn nuôi lợn trong tỉnh dần ổn định cũng như cân bằng lại nhu cầu cung cầu và ổn định giá cả thị trường theo xu hướng đảm bảo lợi nhuận cho người nuôi và phù hợp với thu nhập của người tiêu dùng.

-  Hiệu quả về môi trường

Người chăn nuôi áp dụng đầy đủ quy trình vệ sinh thú y, sát trùng chuồng trại, thường xuyên thu gom phân, chất thải để xử lý.

Tổ chức thực hiện

- Sở Nông nghiệp & PTNT là cơ quan thường trực, tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức thực hiện Đề án với tinh thần tập trung vào các vùng trọng điểm phát triển chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh. Biên soạn tài liệu hướng dẫn triển khai Đề án, bộ tiêu chí chọn điểm, chọn hộ, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, tài liệu truyền thông về các hoạt động, kết quả Đề án. Phối hợp các địa phương chọn điểm, hộ tham gia mô hình; Giám sát việc cấp vật tư hàng hóa phù hợp nội dung Đề án, đảm bảo đủ số lượng, đúng chất lượng, thời gian và tuân thủ các quy định hiện hành. Định kỳ tổng hợp báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện và đề xuất biện pháp giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

- Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Tài chính bố trí nguồn kinh phí hàng năm thực hiện Đề án, hướng dẫn lập các thủ tục thanh quyết toán, tổ chức cấp phát kinh phí hỗ trợ cho Đề án.

- Sở Thông tin & Truyền thông, Báo Hà Nam, Đài Phát thanh & Truyền hình Hà Nam thường xuyên thông tin, tuyên truyền hiệu quả của Đề án.

- Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tạo điều kiện cho các hộ nuôi lợn vay vốn với lãi suất ưu đãi; thời hạn cho vay theo khả năng hoàn vốn của đề án, thủ tục đơn giản, nhanh chóng.

- UBND các huyện/thị xã/thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn thuộc Sở Nông nghiệp & PTNT xây dựng kế hoạch thực hiện hàng năm; hướng dẫn, chỉ đạo UBND các xã có hộ chăn nuôi đáp ứng yêu cầu của Đề án tập trung triển khai, tổ chức thực hiện các nội dung Đề án đảm bảo đúng mục tiêu, tiến độ đề ra. Phối hợp tổ chức nghiệm thu và thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ của đề án.

- UBND các xã phối hợp với đơn vị triển khai đề án lựa chọn các hộ đủ tiêu chí tham gia mô hình, đồng thời chỉ đạo cán bộ khuyến nông, cán bộ thú y cơ sở cùng với cán bộ chỉ đạo chung của mô hình hướng dẫn các hộ cải tạo, xây dựng chuồng nuôi theo đúng yêu của dự án và triển khai các bước thực hiện mô hình.

Để Đề án triển khai hiệu quả, chất lượng, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nam đề nghị các tổ chức đoàn thể chính trị phối kết hợp vận động các thành viên, hội viên của mình tích cực tham gia thực hiện các nội dung Đề án. Các hộ dân tham gia Đề án phải cam kết đảm bảo nguồn vốn đối ứng, tiếp thu và áp dụng tốt quy trình chăn nuôi lợn an toàn sinh học, tổ chức khai thác hợp lý và đảm bảo an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường; đồng thời tuân thủ chặt chẽ quy định, tiêu chí mà Đề án đề ra./.


Bản tin Khoa học và Công nghệ