Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nón lá An Khoái - Văn Quán

Làng nghề Hà Nam Nón lá An Khoái- Văn Quán  
Nón lá An Khoái - Văn Quán

Nghề làm nón ở thôn An Khoái và Văn Quán, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam có khoảng từ năm 1900 do hai vợ chồng ông Nguyễn Văn Đối và bà Trương Thị Viền mang nghề về làng. Năm 2007, làng nghề nón lá An Khoái - Văn Quán được công nhận là làng nghề truyền thống. Theo thống kê của UBND xã Liêm Sơn, hiện nay, thôn An Khoái và thôn Văn Quán có 830 hộ dân, có khoảng hơn 200 hộ làm nghề nón.

Nguyên vật liệu làm nónAn Khoái và Văn Quán được mua ở các tỉnh như Hà Tĩnh, Nghệ An, Ninh Bình gồm: khuôn, lá nón, mo nang, vòng cạp nón, vanh, cước, kim, len màu... Mỗi chiếc nón sẽ có 16 vành.

21.png
Nón lá An Khoái- Văn Quán - Sản phẩm đang được xây dựng nhãn hiệu tập thể

Hiện tại, nón lá của thôn An Khoái và thôn Văn Quán có 2 loại (nón trơn và nón thêu). Giá thành 1 chiếc nón giao động từ 70-300 nghìn/chiếc. Người làm nón đa phần là những người già quá tuổi để đi công ty. 1 ngày họ chỉ có thể làm được 01 chiếc nón. Tuy công thấp thế nhưng gần như nhà nào ở 2 làng Khoái - Quán cũng có người làm nón. Họ làm nón để có thêm thu nhập và gìn giữ làng nghề đã có từ bao đời. Mỗi tháng làng cung cấp ra thị trường khoảng từ 5.000-6.000 chiếc nón.

Sản phẩm nón lá thôn An Khoái và thôn Văn Quán có chất lượng tốt, giá thành rẻ nhưng ít người biết đến vì làng nghề chưa có thương hiệu của riêng mình và chưa có hệ thống nhận diện, quảng bá sản phẩm, tính cạnh tranh thấp, còn bị tư thương ép giá khi tiêu thụ, khách hàng biết đến nón lá của làng chủ yếu qua bạn bè, người thân giới thiệu là chính nên “độ phủ" của nón lá thôn An Khoái và thôn Văn Quán vẫn chưa cao.

Năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt triển khai dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể nón lá An Khoái - Văn Quán dùng cho sản phẩm nón lá của thôn An Khoái và thôn Văn Quán, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam" do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN và Kiểm định, Kiểm nghiệm chủ trì thực hiệnnhằm phát triển làng nghề truyền thống một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thị phần và giá trị gia tăng của sản phẩm, giảm thiểu những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường. Đồng thời, thu hút lao động và tạo việc làm cho người dân địa phương. Từ đó, tạo thị trường ổn định cho sản phẩm có lợi thế của địa phương và nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập của người lao động.​


https://skhcn.hanam.gov.vn/