Trong những năm qua, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi luôn chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đầu tư trang thiết bị hiện đại nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Đặc biệt, Bệnh viện luôn coi phương châm “Lấy người bệnh làm trung tâm" trong hoạt động khám, điều trị nên nhiều bệnh nhân mắc lao được chữa khỏi hoàn toàn, giúp đẩy lùi nguồn lây mới trong cộng đồng.
Với chức năng khám, điều trị bệnh lao và các bệnh phổi cho người dân trên địa bàn; đồng thời đảm nhiệm chức năng quản lý, giám sát mạng lưới phòng chống lao và các bệnh phổi mãn tính trong toàn tỉnh. Thời gian qua, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phát triển đội ngũ cán bộ y, bác sĩ, đặc biệt là đã ứng dụng khoa học công nghệ, triển khai và áp dụng các kỹ thuật mới để chẩn đoán, điều trị bệnh, tạo điều kiện cho người dân được điều trị hiệu quả ngay tại địa phương.
Hiện, cơ sở vật chất tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi đã được đầu tư cơ bản đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh chất lượng cao. Khu khám bệnh, điều trị và cận lâm sàng được xây dựng liên hoàn đảm bảo sạch sẽ, thông thoáng; công suất sử dụng giường bệnh luôn đạt 100%. Không chỉ có vậy, Bệnh viện còn lớn mạnh hơn bởi đội ngũ cán bộ y, bác sĩ có nhiều kinh nghiệm và ngày được bổ sung hoàn thiện. Đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện có 80 cán bộ, trong đó có 12 bác sĩ với 100% trình độ sau đại học; 09 bác sĩ CKI, 02 bác sĩ CKII, 01 thạc sĩ. Sự ổn định và phát triển này giúp đơn vị triển khai, thực hiện tốt công tác chuyên môn và đảm bảo việc nâng cao công tác khám, chữa bệnh cho người dân.
Trong năm 2023, Bệnh viện đã khám cho hơn 4.735 lượt người; xét nghiệm 11.704 tiêu bản đờm trực tiếp; số mẫu xét nghiệm Gene-xpert thực hiện năm 2023 là 2.808 mẫu trong đó số có vi khuẩn lao là 329, số có vi khuẩn lao kháng R là 20 mẫu. Toàn tỉnh đã phát hiện mới 720 bệnh nhân, gồm 390 bệnh nhân lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học (BCVKH), lao phổi không có BCVKH là 237 bệnh nhân và 93 bệnh nhân lao ngoài phổi.
Hầu hết các bệnh nhân được xét nghiệm, kiểm tra theo đúng quy định và được đánh giá kết quả điều trị chính xác. Đặc biệt, Ban lãnh đạo Bệnh viện thường xuyên tổ chức giao ban theo định kỳ nhằm đúc rút kinh nghiệm, thảo luận phương pháp điều trị hợp lý cho từng người bệnh trong từng ngày điều trị. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc quy chế chuyên môn do Bộ Y tế ban hành; tích cực xây dựng quy chế thường trực cấp cứu, hồ sơ bệnh án, kê đơn cấp thuốc chăm sóc người bệnh toàn diện, sử dụng thuốc an toàn hợp lý, chống nhiễm khuẩn, xử lý chất thải, nuôi dưỡng người bệnh; chú trọng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT. Công tác quản lý dược, cấp phát sử dụng thuốc tại bệnh viện thực hiện đúng Chỉ thị của Bộ Y tế về việc chấn chỉnh cung ứng sử dụng thuốc trong đơn vị.
Sự lớn mạnh và phát triển của Bệnh viện còn thể hiện thông qua việc khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất và các trang thiết bị hiện đại đã được đầu tư. Bệnh viện đã đưa vào sử dụng hệ thống máy Gene Xpert để chuẩn đoán lao nhanh và kháng thuốc. Đây là một thiết bị kỹ thuật ứng dụng sinh học phân tử mang tính đột phá cho phép xác định vi khuẩn lao ở mức độ ít cho kết quả chẩn đoán kép đó là có mắc lao không và nếu có mắc lao thì có kháng thuốc không, độ nhạy và độ đặc hiệu của xét nghiệm rất cao. Nhiều kỹ thuật, thủ thuật trong chẩn đoán và điều trị triển khai ngày một hoàn thiện. Nhờ vậy, nhiều ca bệnh nặng, khó chẩn đoán, diễn biến phức tạp, trước đây phải chuyển tuyến nay đã được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Để chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng được nâng cao, Ban lãnh đạo Bệnh viện đã luôn chú trọng công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ trong đơn vị. Ngoài số cán bộ đang học đại học, sau đại học, Bệnh viện còn cử nhiều đợt cán bộ đi đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên khoa về lao. Cùng với đó, Bệnh viện còn quan tâm thực hiện tốt công tác chỉ đạo tuyến, hướng dẫn và giúp đỡ các đơn vị y tế tuyến huyện và xã triển khai công tác khám, phát hiện, quản lý, điều trị bệnh nhân lao tại cộng đồng. Tích cực, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tư vấn của mạng lưới y tế tuyến xã và mạng lưới cộng tác viên của Chương trình chống lao Quốc gia. Tổ chức tập huấn cho 100% cán bộ y tế tuyến xã, thôn về công tác phát hiện, điều trị, quản lý bệnh lao, lao tiềm ẩn. Qua đó, nhận thức của nhân dân về bệnh lao đã có bước chuyển biến, nhiều người đã biết đến khám, phát hiện sớm bệnh lao tại các cơ sở chống lao trong tỉnh.
Đặc biệt, hệ thống công nghệ thông tin của Bệnh viện được triển khai thực hiện đồng bộ tại tất cả các khoa, phòng bao gồm: Phần mềm quản lý Bệnh viện; hệ thống cơ sở dữ liệu toàn ngành Y tế; hệ thống thanh toán viện phí không dùng tiền mặt; triển khai các hoạt động hội chẩn liên viện, họp giao ban trực tuyến với Bộ Y tế và các hội nghị trực tuyến về công tác chuyên môn giữa các bệnh viện trong toàn quốc... Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học vào công tác khám, điều trị nên chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng tăng, nhiều ca bệnh khó liên quan đến điều trị lao và các bệnh lý về phổi đã được điều trị thành công tại Bệnh viện.
Với những nỗ lực của Bệnh viện, đến nay mạng lưới chống lao được duy trì hoạt động mạnh đều khắp cả 3 tuyến. Tỷ lệ bệnh nhân đến các cơ sở y tế điều trị khỏi bệnh đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được thì công tác phòng chống lao còn gặp không ít khó khăn nhất là với trường hợp phát hiện bệnh muộn. Việc phát hiện muộn không chỉ gây khó khăn cho công tác điều trị mà còn khiến nguy cơ lây lan tăng cao. Ngoài ra, những bệnh nhân không tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ sẽ dẫn tới tình trạng lao kháng thuốc. Khi đó, vi khuẩn lao kháng lại các thuốc chống lao cũng khiến việc điều trị trở nên rất khó khăn. Bên cạnh đó, sự hiểu biết của người dân về bệnh lao và cách phòng chống còn nhiều hạn chế, xã hội vẫn còn sự kỳ thị đối với bệnh nhân lao dẫn đến người bệnh lao thường giấu mà không đi khám.
BSCKII. Trương Mạnh Sức, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, cho biết: Thời gian tới, Bệnh viện sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển chất lượng đội ngũ y, bác sĩ với hướng đào tạo, nâng cao chuyên khoa sâu hơn; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác quản lý, hoạt động điều hành để giảm thiểu chi phí, nâng cao hiệu suất điều trị, khám chữa bệnh. Tăng cường công tác cải tiến chất lượng bệnh viện theo Bộ tiêu chí đánh chất lượng bệnh viện. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát, thống kê, kế hoạch để công tác phòng chống lao trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tốt hơn, đáp ứng nhiệm vụ của Bệnh viện trong tình hình mới.
Cũng theo BSCKII. Trương Mạnh Sức, để hướng đến mục tiêu thanh toán bệnh lao, ngoài sự nỗ lực của ngành Y tế trong việc tổ chức các chương trình khám sàng lọc bằng các dịch vụ kỹ thuật cao để phát hiện sớm bệnh lao, cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng, quan trọng nhất vẫn là sự hợp tác của chính mỗi người dân. Mỗi người hãy tự lắng nghe và theo dõi sức khỏe bản thân mình, khi có các dấu hiệu như ho khạc kéo dài trên hai tuần, sốt nhẹ về chiều, người mệt mỏi, ăn uống kém, sút cân không rõ nguyên nhân… cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa càng sớm càng tốt để được khám và chẩn đoán bệnh lao.
Có thể thấy, để nâng cao hơn nữa công tác phòng, chống, phát hiện và điều trị bệnh Lao trên địa bàn tỉnh, rất cần có sự chung tay phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể và Nhân dân để khắc phục những khó khăn nêu trên. Đặc biệt là công tác phối hợp trong truyền thông thay đổi nhận thức, thái độ hành vi của người dân chủ động phòng, chống cho chính mình và những người xung quanh. Đồng thời phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời để tiến tới thực hiện mục tiêu chấm dứt bệnh Lao tại Việt Nam vào năm 2035./.