Hành, tỏi (họ Allium) là cây gia vị được trồng lâu đời và chiếm một vị trí quan trọng trong ngành sản xuất rau trên thế giới. Trên thế giới, hành, tỏi được trồng ở 175 quốc gia và vùng lãnh thổ, 5 nước đứng đầu là Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, UAE và Thỗ Nhĩ Kỳ có sản lượng chiếm 56,42% toàn thế giới. Diện tích trồng hành, tỏi trên thế giới là hơn 5,2 triệu ha; năng suất trung bình đạt 19,17 tấn/ha, sản lượng đạt 99,7 triệu tấn. Tại Việt Nam, hành được trồng ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi, Ninh Thuận...
Những năm gần đây, bệnh thối củ hành được ghi nhận ở hầu hết các vùng trồng hành trong cả nước từ giai đoạn cây con đến trước và sau khi thu hoạch với tổn thất hàng năm là 5-25% sản lượng. Tại Hải Dương, bệnh thối củ hành, tỏi gây hại nghiêm trọng trên các ruộng trồng hành, tỏi trong quá trình trồng và bảo quản, làm thất thu 30 - 40% sản lượng/ năm, đặc biệt có những hộ gia đình mất trắng sau 5 tháng bảo quản. Một trong những nguyên nhân gây thối nhũn cây trồng là vi khuẩn. Rất nhiều loài vi khuẩn gây ra hiện tượng thối nhũn như Pseudomonas, Bacillus, Burkholderia, Pantoea, Pectobacterium và Dickeya và Enterobacter. Trong đó, Pectobacterium và Dickeya thuộc họ Enterobacteriacae là hai chi phổ biến nhất và được biết đến với tên cũ là Erwinia sp. Do đặc điểm gần gũi về di truyền của các loài thuộc các chi Erwinia, Pectobacterium, Dickeya, Pantoae và việc thay đổi tên của các loài Erwninia spp. (ví dụ: Erwinia carotovora đổi thành Pectobacterium carotovorum, Erwinia carotovora subp. atroseptica thay đổi thành Pectobacterium atroseptica, Erwinisa chrysanthemi đổi thành Dickeya chrysanthemi…) nên việc nghiên cứu, xác định nguyên nhân gây bệnh thối nhũn do vi khuẩn gây ra gặp nhiều khó khăn.
Tại Việt Nam, các nghiên cứu về xác định loài gây bệnh thối nhũn trước những năm 2000 được thực hiện dựa trên phương pháp hình thái, có độ chính xác chưa cao. Những năm gần đây, việc áp dụng các phương pháp công nghệ sinh học và hóa sinh đã gia tăng độ chính xác về phân loại cấp loài của chủng gây bệnh. Tuy nhiên, các nghiên cứu chưa có sự cập nhật về khóa phân loại mới nhất về các chi Erwinia, Pectobacteria, Dickeya và Pantoae.. do đó, xuất phát từ thực tiễn trên, nhóm đề tài tại Viện Bảo vệ thực vật, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam do ThS. Ngô Quang Huy dẫn đầu đã tiến hành nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu xác định nguyên nhân gây bệnh thối nhũn hành, tỏi tại các tỉnh phía Bắc” nhằm xác định được nguyên nhân gây bệnh và đặc điểm sinh học, sinh thái của tác nhân gây bệnh và đề xuất biện pháp phòng trừ.
Sau một thời gian thực hiện, đề tài thu được một số kết quả như sau:
1. Trên hành tỏi ở các tỉnh Thanh Hóa, Hải Dương và Bắc Giang đã phát hiện được 8 loài nấm và 1 loài vi khuẩn gây hại trên đồng ruộng và trong bảo quản. Các bệnh khô đầu lá Stemphyllium botryosum và thối nhũn E. carotovora là các bệnh hại quan trọng trên hành, tỏi
2. Bệnh thối nhũn hành, tỏi tại 3 tỉnh Thanh Hóa, Hải Dương và Bắc Giang là do vi khuẩn Erwinia carotovora. Trên môi trường PDA-PT lỏng, nhiệt độ 30 – 35oC và pH = 7,5 - 8 là điều kiện thích hợp cho loài P. carotovorum sinh trưởng và phát triển.
3. Mức độ phát sinh phát triển của bệnh thối nhũn hành trên đất vàn thấp là cao nhất là 14,92% và thấp nhất đất vàn cao là 12,65%. Tỷ lệ bệnh trên tỏi là 7,47% và 6,55%. Các công thức bón nhiều đạm tỷ lệ bệnh thối nhũn cao hơn các công thức bón ít đạm. Trồng mật độ trên hành 25 cây/m2 và tỏi với mật độ 60 cây/m2 sẽ cho năng suất tối ưu nhất với tỷ lệ bệnh trên hành là 13,00%; trên tỏi là 6,89%. Gieo trồng hành, tỏi vào chính vụ khoảng 04 tháng 10 đến 19 tháng 01 là tốt nhất. Tỷ lệ bệnh thối nhũn trên hành thấp nhất là chính vụ tỷ lệ bệnh đạt 14,78%. Trên tỏi chính vụ tỷ lệ bệnh thối nhũn thấp nhất đạt 6,26%. Trong bảo quản bệnh thối nhũn phát triển mạnh trên hành từ cuối tháng 4 đến tháng 6 với tỷ lệ bệnh tăng từ 7,80% đến 28,8%; bệnh thối nhũn không gây hại cho tỏi trong bảo quản.
4. Trong môi trường nuôi cấy hoạt chất sinh học Cytosinpeptidemycyn có hiệu lực ức chế vi khuẩn P. carotovorum cao nhất đạt 99,26 - 99,61% sau 24 - 72 giờ theo dõi. Các hoạt chất Copper hydroxide, Oxolinic acid, Quaternary ammonium salts và Fosetyl aluminium có hiệu quả ức chế vi khuẩn P. carotovorum cao nhất sau 72 giờ theo dõi đạt 99,93 - 100%. Trên đồng ruộng ở thời điểm 14 ngày sau xử lý; hoạt chất sinh học Cytosinpeptidemycyn cho hiệu lực phòng trừ bệnh thối nhũn trên hành 76,90% và 73,44 % đối với tỏi. Ba loại thuốc hóa học Copper hydroxide, Quaternary ammonium salts và Fosetyl aluminium có hiệu lực phòng trừ bệnh thối nhũn trên hành đạt cao nhất từ 77,35 - 90,37% sau 14 ngày xử lý. Hiệu lực phòng trừ bệnh trên tỏi các thuốc Copperhydroxide và Fosetyl aluminium lần lượt đạt 84,17% và 76,00% sau 14 ngày xử lý.
Từ những kết quả thu được, đề tài kiến nghị cần tiếp tục nghiên cứu mở rộng về nhóm bệnh trên lá và củ hành, tỏi và bệnh thối nhũn, để đưa ra được quy trình phòng chống bệnh trên hành, tỏi ngoài đồng ruộng, trong bảo quản. Cụ thể, nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ phòng chống tổng hợp bệnh hại chính trên hành, tỏi ngoài đồng ruộng và trong bảo quản tại một số tỉnh phía Bắc để có đủ cơ sở khoa học phòng chống tổng hợp bệnh hại hành, tỏi hiệu quả và bền vững.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 20462 /2022) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
P.T.T (NASATI)