Nấm vùng rễ là một hình thức cộng sinh giữa nấm có lợi trong đất và rễ của thực vật bậc cao. Đây là quần hợp nấm - thực vật được biết nhiều nhất và đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của thực vật cũng như hệ sinh thái. Nấm sẽ cố định trong rễ nhận các sản phẩm từ quá trình quang hợp và phát triển mạng lưới hệ sợi nấm trong vùng bầu rễ để tạo thuận lợi cho việc lấy nước, chất dinh dưỡng như phốt pho, lưu huỳnh, nitơ và các vi chất dinh dưỡng khác trong đất. Nhiều công trình khoa học đã chứng minh vai trò của nấm cộng sinh mang lại những lợi ích to lớn, thiết thực đối với quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trong điều kiện bất lợi của môi trường. Hình thức cộng sinh này đã và đang được nghiên cứu về phân loại, sự đa dạng, phân bố, ảnh hưởng của chúng đối với thực vật và ứng dụng vào thực tiễn sản xuất nông - lâm nghiệp ở nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, các nghiên cứu về khu hệ nấm cộng sinh trong rễ và đất được tiến hành trong khoảng 10 năm lại đây. Đó là các nghiên cứu về nấm nội sinh trên cây ngô, cây cà chua, cây cam, cây cà phê... nhưng chưa có khảo sát về nấm cộng sinh vùng rễ ở các cây dược liệu nói chung và một số cây bạch chỉ, đinh lăng và cỏ ngọt nói riêng.
Do vậy, nhóm nghiên cứu của TS. Bùi Thị Thời tại Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu tuyển chọn một số chủng nấm cộng sinh vùng rễ từ một số cây (cỏ ngọt, đinh lăng, bạch chỉ) có khả năng phân giải photpho và sản sinh chất kích thích sinh trưởng IAA (Indole -3-Acetic Acid)” từ năm 2020 đến năm 2021.
Đề tài hướng đến thực hiện mục tiêu tuyển chọn được các chủng nấm cộng sinh vùng rễ có tiềm năng vừa phân giải photpho và vừa sản sinh chất kích thích sinh trưởng IAA.
Sau một thời gian tiến hành thực nghiệm, nhóm nghiên cứu đã thu được một số kết quả như sau:
- Đã tiến hành phân lập khu hệ nấm cộng sinh vùng rễ của ba mẫu cây được 27 chủng nấm cụ thể: 07 chủng nấm vùng rễ cây cỏ ngọt, đinh lăng 11 chủng, bạch chỉ 9 chủng. Nhìn chung, các chủng nấm phân lập từ rễ nhiều hơn từ đất.
- Đã phân lập, tuyển chọn và định danh được 6 chủng nấm cộng sinh vùng rễ có khả năng phân giải photpho và sản sinh IAA thuộc các loài sau: CN7 là Penicillium simplicissimum, ĐL1 là Aspergillus terreus, ĐL3 là Trichoderma sp , BC1 là Talaromyces flavus, BC6 là Aspergillus fumigates, BC7 là Eupenicillium ochrosalmoneum.
- Đã nghiên cứu được điều kiện trong nhân nuôi chủng nấm cộng sinh vùng rễ đối với chủng giống T. flavus BC1 và chủng nấm T. konilangbra ĐL3.
- Đã đề xuất được quy trình công nghệ sản xuất chế phẩm nấm cộng sinh vùng rễ từ một số cây (cỏ ngọt, đinh lăng, bạch chỉ) có khả năng phân giải photpho và sản sinh chất kích thích sinh trưởng IAA.
- Đã sử dụng chế phẩm nấm rễ được sản xuất từ các chủng nấm Talaromyces flavus BC1, Trichoderma konilangbra ĐL3 phân lập từ vùng rễ các cây dược liệu kết quả cho thấy: Thời gian xâm nhiễm trở lại của các chủng nấm trong chế phẩm trở lại vùng đất quanh rễ và rễ cây cỏ ngọt sau 5 ngày; mật độ bào tử của các chủng nấm xuất hiện quanh vùng đất, rễ cây cỏ ngọt từ 87- 159 IP/g sau 2 tháng; và liều lượng chế phẩm nấm rễ thích hợp cho gieo trồng cây cỏ ngọt là 1,5 kg/m3 giá thể thì có tác dụng tốt trong việc cải thiện các đặc điểm sinh trưởng về chiều cao cây, đường kính gốc thân, khối lượng cây thân và bộ rễ cho cây cỏ ngọt. Việc phân lập được hệ nấm cộng sinh vừa có khả năng phân giải photpho và sinh tổng hợp IAA nhằm tạo chế phẩm sinh học giúp thúc đẩy quá trình sinh trưởng, phát triển và tăng năng suất cho cây trồng.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20405/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)