Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Một số kết quả nổi bật trong công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Hà Nam,giai đoạn 2...

Tin tức sự kiện Tin nội bộ  
Một số kết quả nổi bật trong công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Hà Nam,giai đoạn 2008-2018
Nhận thức sâu sắc quan điểm của Đảng: Phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ tổ quốc, trong những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu tích cực, hiệu quả cho Lãnh đạo tỉnh trong việc định hướng đúng và lựa chọn đầu tư, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm trong công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao những tiến bộ khoa học và công nghệ, góp phần thiết thực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trong tỉnh.

Với định hướng gắn nghiên cứu với thực tiễn, từ năm 2008 đến nay, Hà Nam đã triển khai thành công gần 100 đề tài, dự án khoa học và công nghệ (KH&CN); nhiều dự án đã ứng dụng tiến bộ KH&CN mới vào sản xuất và đời sống, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thiết thực trong quá trình chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế của tỉnh theo hướng tích cực, hiệu quả. Kết quả các đề tài, dự án đã có 76 quy trình kỹ thuật mới được chuyển giao; gần 20 giống cây trồng hiệu quả cao đã được ứng dụng vào thực tế sản xuất của tỉnh, xây dựng được 60 mô hình sản xuất mới; đào tạo, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi tiên tiến cho gần 200 cán bộ chuyên môn. Tổ chức tập huấn kỹ thuật cho gần 5.000 lượt nông dân trên địa bàn tỉnh. Một số đề tài, dự án tiêu biểu và mang lại hiệu quả cao trên các lĩnh vực bao gồm:

1. Đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp: Với các dự án tiêu biểu như dự án Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, phát triển nghề nuôi ong mật theo hướng sản xuất hàng hóa tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Dự án đã đào tạo được 10 kỹ thuật viên (các kỹ thuật viên này đã làm chủ được các quy trình công nghệ được chuyển giao); tập huấn 05 chuyên đề khoa học công nghệ cho 60 lượt người tham gia ở các cơ sở nuôi ong và cán bộ quản lý cơ sở; xây dựng được 01 mô hình ứng dụng các quy trình kỹ thuật để nuôi ong ngoại, 01 mô hình tinh lọc, giảm thủy phần mật ong. Đặc biệt đã chuyển giao 10 quy trình kỹ thuật và công nghệ phù hợp với điều kiện của địa phương cho 5 cơ sở nuôi ong và một cơ sở chế biến tiếp nhận gồm: quy trình kỹ thuật nuôi ong ngoại, quy trình kỹ thuật tạo chúa - chia đàn; quy trình kỹ thuật khai thác, sơ chế, bảo quản mật ong; quy trình phòng trị bệnh thối ấu trùng châu Âu; quy trình phòng trị bệnh thối ấu trùng túi...

Với dự án Nghiên cứu ứng dụng một số công nghệ tiên tiến tăng hiệu quả sử dụng thức ăn và phòng bệnh trong chăn nuôi bò sữa ở tỉnh Hà Nam, đã xây dựng thành công các quy trình xử lý hạt giống bằng các hạt kim loại đồng, sắt, coban và sử dụng phân bón sinh học Albit để tăng sản lượng thức ăn xanh từ ngô; ủ thức ăn xanh sử dụng bentonite; sử dụng chế phẩm bentonite làm phụ gia thức ăn chăn nuôi cho bò sữa và bê; sử dụng dung dịch natri hypoclorit trong vệ sinh vú, móng và bộ phận sinh dục bò sữa; xây dựng các mô hình xử lý chất thải trong chăn nuôi bò sữa...

Nhằm thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, xây dựng các mô hình quản trị mới hiện đại trong phát triển kinh tế, tỉnh Hà Nam đã và đang xây dựng nhiều cơ chế chính sách mới thu hút đầu tư của các doanh nghiệp có công nghệ hiện đại vào tỉnh. Lãnh đạo tỉnh đã đi tham quan, tiếp xúc nhiều đối tác trong và ngoài nước để thu hút đầu tư, kết quả rất thành công và trở thành điểm sáng năng động trong vùng Đồng bằng sông Hồng. Đã có khá nhiều doanh nghiệp lớn của nước ngoài và trong nước (như các doanh nghiệp Nhật Bản, Israel, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Công ty DABACO, Công ty Nutifood...) đầu tư phát triển sản xuất tại Hà Nam. Kết quả này là hướng đi mới, thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế phát triển nói chung và phát triển Ngành Nông nghiệp nói riêng đạt mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới theo hướng hiện đại.

Theo báo cáo của Ban Quản lý khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh, toàn tỉnh đã có 71/105 xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch và đăng ký tập trung, tích tụ ruộng đất để làm vệ tinh, liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản sạch. Các mô hình đăng ký chủ yếu tập trung sản xuất lúa hàng hóa; rau, củ, quả, nấm. Riêng trong năm 2017, có 55 mô hình tập trung ruộng đất của gần 1.900 hộ (46 xã) tham gia sản xuất lúa, rau, củ quả theo chuỗi sản xuất, tổng diện tích khoảng 578 ha. Toàn tỉnh đã thành lập được 06 hợp tác xã và 04 tổ hợp tác sản xuất, tiêu thụ nông sản sạch. Các thành viên của hợp tác xã được hỗ trợ vốn, tập huấn, bồi dưỡng, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, nâng cao kiến thức trong lĩnh vực hoạt động của mình. Mục tiêu năm 2018, bình quân mỗi xã sẽ thực hiện tích tụ ít nhất 10 ha trở lên, sản xuất nông sản sạch tham gia chuỗi giá trị, làm vệ tinh cho các doanh nghiệp có thương hiệu.

Song song với hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào phục vụ sản xuất và đời sống xã hội, công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ cũng được chú trọng, đạt kết quả trên tất cả các lĩnh vực: Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, công nghệ, an toàn bức xạ, thông tin khoa học công nghệ...; thông qua phối hợp tổ chức các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, hội chợ, triển lãm đã góp phần phát triển thị trường khoa học công nghệ và phát triển các doanh nghiệp khoa học công nghệ. Đến nay, tỉnh Hà Nam đã có 05 doanh nghiệp khoa học và công nghệ hoạt động tốt. Hoạt động quản lý nhà nước về khoa học công nghệ ở Hà Nam đã trở thành nhân tố tích cực trong việc làm cầu nối giữa các nhà khoa học với các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

2. Lĩnh vực công nghiệp: tiêu biểu nhất là thành công dự án Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất cát nghiền từ nguyên liệu đá mạt tại Hà Nam. Với mục tiêu: Tận dụng hợp lý nguồn phế thải từ ngành khai thác đá vật liệu xây dựng tại địa phương tạo ra sản phẩm có hiệu quả kinh tế cao góp phần vào việc phát triển bền vững bảo vệ môi trường, đơn vị chủ trì thực hiện đã xây dựng thành công mô hình sản xuất cát nghiền từ nguyên liệu đá mạt; đào tạo được 03 kỹ sư, kỹ thuật viên nắm bắt quy trình công nghệ sản xuất cát nghiền, kỹ thuật sản xuất, tính chất và chất lượng sản phẩm; đào tạo, tập huấn cho 10 công nhân; các hệ thống bệ móng máy, hầm rút liệu, bể chứa... đều được thi công bê tông cốt thép kiên cố và quy chuẩn theo đúng tiêu chuẩn xây dựng và thiết kế của các bên cung ứng thiết bị; mô hình dây chuyền được xây dựng hoàn chỉnh theo đúng thiết kế từ công đoạn cấp nguyên liệu đầu vào cho đến công đoạn nghiền, sàng phân loại, rửa và ra sản phẩm.

3. Lĩnh vực bảo vệ môi trường: Chú trọng đến việc xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Có đề tài Nghiên cứu ứng dụng công nghệ xử lý chất thải ở trang trại chăn nuôi lợn để sản xuất phân bón và làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam", đã hoàn thành các quy trình xử lý phế thải rắn làm phân viên hữu cơ, quy trình xử lý nước thải chăn nuôi lợn; mô hình công nghệ xử lý nước thải chăn nuôi lợn đạt tiêu chuẩn nước thải loại B có thể tái sử dụng, công suất 100m3/ngày; xử lý chất thải chăn nuôi theo phương pháp cải tiến; phân hữu cơ vi sinh dạng nén...

Đề tài đã góp phần làm cơ sở khoa học cho việc xử lý chất thải ở trang trại chăn nuôi lợn; môi trường nước, không khí khu vực trang trại chăn nuôi lợn được cải thiện; tác động tốt tới tâm lý của cộng đồng dân cư, giảm lo ngại về nguy cơ ô nhiễm môi trường do chăn nuôi lợn; mô hình mẫu có thể làm minh họa trực quan để các trang trại xung quanh đến học hỏi về giải pháp xử lý phân và nước thải chăn nuôi, góp phần nhân rộng ra các trang trại chăn nuôi khác.

4. Lĩnh vực Y học: có dự án Xây dựng hệ thống cấp cứu đột quỵ não và ứng dụng điều trị tiêu huyết khối Alteplase cho bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não cấp tính ở Hà Nam", đã tạo dựng và duy trì một hệ thống cấp cứu đột quỵ não xuyên suốt từ cộng đồng dân cư, tuyến y tế xã, phường, y tế tư nhân, tuyến huyện đến các chuyên khoa ở tuyến tỉnh; xây dựng phác đồ chẩn đoán, cấp cứu, điều trị, chăm sóc, dự phòng cấp hai bệnh nhân đột quỵ não ở Hà Nam; xây dựng hệ thống cấp cứu đột quỵ não ở Hà Nam; nghiên cứu ứng dụng điều trị tiêu huyết khối Alteplase ở bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não cấp tính ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam; đào tạo, bồi dưỡng tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam: 50 người; đào tạo và chuyển giao công nghệ tại chỗ: 300 người...

5. Lĩnh vực khoa học xã hội và Nhân văn có các đề tài: Nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn cuốn sách “Tướng lĩnh và Anh hùng lực lưỡng vũ trang nhân dân quê hương Hà Nam (1945-2015)" và Nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn cuốn sách “Văn hiến Hà Nam - Truyền thống và hiện đại" do Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Nam chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Đề tài Danh nhân Bùi Văn Dị - Cuộc đời và sự nghiệp; Nghiên cứu biên soạn bài giảng lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Nam; Đề tài Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng năng lực lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ cán bộ chủ chốt ở xã, phường, thị trấn tỉnh Hà Nam hiện nay... Các đề tài, đề án này đã phục vụ thiết thực công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, các đoàn thể vững mạnh, tạo cơ sở, nền tảng để phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

6. Lĩnh vực sở hữu trí tuệ: Đến nay, Hà Nam đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể cho 9 sản phẩm nổi tiếng của tỉnh như: bánh đa nem làng Chều (Lý Nhân), trống Đọi Tam (Duy Tiên); rượu Vọc (Bình Lục), gốm Quyết Thành (Kim Bảng), cá kho Nhân Hậu (Lý Nhân), Gà Móng Tiên Phong (Duy Tiên), Lụa Nha Xá (Duy Tiên), thêu ren Thanh Hà (Thanh Liêm) và Bánh đa sợ miến Bích Trì (Phủ Lý). Đặc biệt, tỉnh Hà Nam là tỉnh đầu tiên xây dựng thành công “Nhãn hiệu chứng nhận Hà Nam" cho 10 nhóm sản phẩm của tỉnh. Đến thời điểm này, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nam) đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dựng nhãn hiệu chứng nhận cho 11 tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh về các sản phẩm nông nghiệp như: rượu, rau, quả tươi... Các dự án về sở hữu trí tuệ được triển khai thành công đã góp phần nâng cao uy tín, chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; tăng cường mối liên kết và hỗ trợ giữa các cơ quan, ban, ngành, giúp các địa phương, doanh nghiệp bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp.

Qua kết quả của những đề tài, dự án tiêu biểu trên, cho thấy khoa học chính là chìa khoá thành công trong việc hình thành các mô hình sản xuất, chuỗi giá trị mới và mô hình tăng trưởng kinh tế mới hiện đại. Là kết quả thành công trong việc huy động chất xám cho phát triển kinh tế - xã hội đối với tỉnh Hà Nam. Kết quả này đã góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu lao động từ giản đơn sang hướng công nghiệp, hiện đại; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm; nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn những hạn chế như việc dàn trải, chưa tập trung; việc mở rộng sử dụng các kết quả, mô hình của các đề tài, dự án vào phát triển sản xuất và đời sống còn hạn chế; những nghiên cứu về cơ chế, chính sách, quản trị hiện đại, thương hiệu sản phẩm... của nền kinh tế chưa được quan tâm nhiều trong các đề tài, dự án. Bên cạnh đó cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được với yêu cầu thực tiễn; nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ còn rất hạn chế, hàng năm chỉ đạt khoảng 0,33% tổng chi ngân sách của tỉnh (theo Luật quy định phải đạt ít nhất 2%).

Để khắc phục những tồn tại hạn chế nêu trên, trong những năm tới, Ngành Khoa học và Công nghệ cần chủ trì và phối hợp với các cấp, các ngành tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng trong việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, nguồn kinh phí cho phát triển khoa học và công nghệ. Lựa chọn một số ngành mũi nhọn như: Nông nghiệp, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Khoa học và Công nghệ; trong đó lấy ngành Khoa học và Công nghệ làm nòng cốt để đầu tư phát triển. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng với xu thế phát triển công nghệ cao, tiên tiến của xã hội. Tăng cường hợp tác với các viện, trường đại học, trung tâm nghiên cứu, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để đẩy mạnh ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ vào tỉnh nhà; có cơ chế, chính sách ưu đãi về đầu tư, đất đai, cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính... để tạo đột phá trong thu hút các chuyên gia, các nhà khoa học và công nghệ tiên tiến đầu tư phát triển tại Hà Nam. Đối với hoạt động chuyên môn: bám sát sự chỉ đạo, định hướng, chiến lược của Bộ Khoa học và Công nghệ, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh để đề xuất, triển khai thực hiện; trong đó tập trung các nghiên cứu ứng dụng, có trọng tâm, trọng điểm, khai thác tốt các lợi thế và điều kiện đặc thù của từng vùng, từng địa phương để đầu tư; ưu tiên cho các đề tài, dự án phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; nghiên cứu cơ chế chính sách, mô hình quản trị mới; giảm thiểu ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe nhân dân; xây dựng và phát triển thương hiệu gắn với việc thương mại hóa các sản phẩm truyền thống của các địa phương trong tỉnh. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, nhất là tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận với các cơ chế, chính sách của Nhà nước để ứng dụng khoa học công nghệ phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh việc ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ; tăng cường phối hợp với các sở, ngành, các địa phương trong việc phát triển thị trường khoa học công nghệ trong tỉnh. Đối với nội bộ Ngành Khoa học và Công nghệ, tiến hành xây dựng các đề án, dự án, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy theo quy định, sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài./.