1. Công tác ứng dụng khoa học và công nghệ:
Giai đoạn 2011-2020, tỉnh Hà Nam đã triển khai 110 nhiệm vụ KHCN, trong đó, có 85 nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh, 23 nhiệm vụ KHCN thuộc chương trình NTMN, 02 nhiệm vụ thuộc chương trình 68. Các đề tài, dự án KHCN đã được triển khai toàn diện trên các lĩnh vực, ưu tiên phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, xử lý môi trường, các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả quản lý, sản xuất, kinh doanh để khai thác các thế mạnh của tỉnh.
+ Lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn (KHXH&NV):
Các nhiệm vụ trong lĩnh vực KHXH&NV được triển khai có hiệu quả, đóng góp các luận chứng khoa học và thực tiễn trong việc ban hành các chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp, nông nghiệp, nông thôn, văn hoá, xã hội, con người, quản lý và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
+ Lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn:
Nhiều đề tài, dự án về ứng dụng tiến bộ KHCN mới vào sản xuất nông nghiệp được triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần quan trọng đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo được những đột phá mới trong quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất nông nghiệp. Một số mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được thực hiện và nhân rộng. Từ đó đã tạo ra phong trào ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu sản xuất và lao động nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; góp phần quan trọng làm chuyển biến tư duy sản xuất của nhà nông, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.
+ Lĩnh vực khoa học y, dược:
Các nhiệm vụ KHCN về lĩnh vực y, dược triển khai thực hiện đã góp phần đưa các tiến bộ kỹ thuật mới, hiện đại vào trong công tác khám và điều trị, đồng thời nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế, dược sỹ đáp ứng nhu cầu điều trị và chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
+ Lĩnh vực khoa học, kỹ thuật:
Các đề tài, dự án về lĩnh vực khoa học, kỹ thuật được triển khai tập trung chủ yếu vào việc nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật nhằm phục vụ cho việc áp dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý cơ sở dữ liệu, đô thị thông minh, giao thông thông minh… Một số đề tài, dự án đạt hiệu quả cao như: Xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu công chứng; Ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; Ứng dụng công nghệ internet kết nối vạn vật (IOT) thiết kế, chế tạo hệ thống điều khiển thông minh và giám sát tập trung đèn chiếu sáng công cộng tại một tuyến đường trên địa bàn thành phố Phủ Lý; Ứng dụng công nghệ xử lý ảnh và truyền thông không dây thiết kế, chế tạo hệ thống giám sát, điều khiển thông minh được đưa vào ứng dụng. Các đề tài, dự án triển khai bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
+ Các đề tài, dự án KHCN trong lĩnh vực bảo vệ, quản lý tài nguyên, môi trường:
Các đề tài, dự án KHCN trong lĩnh vực bảo vệ, quản lý tài nguyên, môi trường được triển khai có hiệu quả đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhất là xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Việc ứng dụng công nghệ đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia cầm đã làm tăng tỷ lệ đẻ trứng ở gà (1,02%); sử dụng đệm lót sinh học vào chăn nuôi gà đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng trứng, giảm mùi hôi thối, giảm khí độc hại, giảm vi sinh vật gây bệnh, giúp giảm ô nhiễm môi trường chăn nuôi cho các hộ gia đình; áp dụng thành công công nghệ tách phân (chất thải chăn nuôi lợn) để làm thức ăn cho cá và phân bón hữu cơ...
2. Công tác quản lý công nghệ và thị trường công nghệ, phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ:
Giai đoạn 2011-2020 đã thẩm định hồ sơ và cấp 07 giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ; thẩm định công nghệ 23 dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Các lĩnh vực công nghệ thẩm định: dây chuyền sản xuất, chế biến thực phẩm; bao bì; thức ăn chăn nuôi ….
Tổ chức cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Hà Nam (năm 2019), trong đó đã lựa chọn 10/19 ý tưởng tham gia; Tổng hợp và lựa chọn 03 dự án khởi nghiệp tham gia Techfest vùng ĐBSH và TDMNPB (năm 2019) tại Hà Nội; 03 dự án, sản phẩm tham gia Techfest Quốc gia (năm 2019) tại Quảng Ninh; Tổ chức điều tra công nghệ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh.
Đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 06 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN. Các doanh nghiệp KHCN đã tăng cường hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ kết quả nghiên cứu KHCN đăng ký hình thành doanh nghiệp KHCN.
3. Công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ hạt nhân trên địa bàn tỉnh Hà Nam trong những năm qua đã được triển khai hiệu quả. Hoạt động thanh, kiểm tra đối với các cơ sở bức xạ được tăng cường; các hoạt động về thông tin, tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn bức xạ được đẩy mạnh, thường xuyên, liên tục, do đó đã đưa việc chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn bức xạ tại cơ sở đi vào nề nếp.
4. Công tác sở hữu trí tuệ và thông tin KHCN:
Giai đoạn 2011-2020, hoạt động sở hữu trí tuệ đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc tư vấn, hướng dẫn; xây dựng, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm truyền thống đặc thù ở địa phương. Việc bảo hộ sở hữu trí tuệ đã nâng cao giá trị của từng sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Song song đó, hoạt động kiểm tra việc chấp hành pháp luật Sở hữu trí tuệ cũng được triển khai hiệu quả; các tổ chức, cá nhân chấp hành và thực hiện nghiêm pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Trong giai đoạn 2011-2020, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, thi đua lao động sáng tạo đã diễn ra sôi nổi, rộng khắp, thu hút đông đảo các đối tượng tham gia. Nhiều sáng kiến/đề tài là các giải pháp quản lý, giải pháp kỹ thuật được áp dụng không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn có ý nghĩa xã hội sâu sắc, giải quyết các vấn đề thực tiễn tại các cơ quan, đơn vị và địa phương.
5. Công tác thanh tra:
Công tác thanh tra đã được kế hoạch hóa, không chồng chéo, do đó hoạt động thanh tra, kiểm tra đã phục vụ tích cực cho công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân trong việc chấp hànhcác quy định của pháp luật. Các cuộc thanh tra tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như: về chấp hành các quy định của pháp luật về đo lường và chất lượng đối với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ; về đo lường, ghi nhãn hàng hóa, mã số mã vạch và sở hữu công nghiệp đối với các doanh nghiệp; việc chấp hành Luật Đo lường và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu...Giai đoạn 2011-2020, đã triển khai thực hiện 44 cuộc thanh tra. Trong đó, 05 cuộc thanh tra hành chính và 39 cuộc thanh, kiểm tra chuyên ngành đối với 499 lượt đơn vị.
6. Công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng:
Công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng ngày càng được chú trọng với mục tiêu hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp, xây dựng, công bố tiêu chuẩn áp dụng cho các sản phẩm hàng hóa nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng đối với các sản phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành. Giai đoạn 2011-2020, đã thực hiện tiếp nhận 19 bộ hồ sơ công bố tiêu chuẩn cơ sở; 86 bộ hồ sơ đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng nhập khẩu; 02 bộ hồ sơ công bố sử dụng dấu định lượng; hướng dẫn và tiếp nhận 33 bản công bố hợp chuẩn, 05 bản công bố hợp quy; hướng dẫn cho 27 đơn vị trên địa bàn tỉnh làm thủ tục đăng ký về quyền sử dụng mã số mã vạch.
Tổ chức kiểm tra đo lường khối lượng tại các chợ truyền thống; kiểm tra về tiêu chuẩn, đo lường chất lượng, ghi nhãn sản phẩm hàng hóa trên 90 lượt cơ sở kinh doanh xăng dầu; kiểm tra tiêu chuẩn, chất lượng và ghi nhãn hàng hoá đối vớicác cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thiết bị điện, điện tử gia dụng; kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đo lường đối với các cơ sở cấp nước trên địa bàn tỉnh...Nhìn chung, qua các cuộc kiểm tra hầu hết các đơn vị đã chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng các sản phẩm, hàng hoá...
7. Hoạt động kiểm định, thử nghiệm:
Công tác kiểm định phương tiện đo có nhiều tiến bộ. Giai đoạn 2011-2020, ngành KHCN đã kiểm định được trên 100.000 phương tiện đo các loại, thử nghiệm được trên 4.000 mẫu các loại.
8. Về phát triển thị trường KHCN và hỗ trợ doanh nghiệp:
Thị trường KHCN bước đầu được hình thành thông qua các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, hội chợ, triển lãm, hướng dẫn giao quyền sở hữu, quyền sử dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước. Hàng năm, tổ chức “đặt hàng„ các nhiệm vụ KHCN phát triển các sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực nông nghiệp để hỗ trợ phát triển thành vùng sản xuất hàng hoá cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu; hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật tiên tiến, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Doanh nghiệp được hỗ trợ theo hướng liên kết để chuyển giao, đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm.
Phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo (ĐMST), sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh; Tổ chức các lớp bồi dưỡng về kiến thức về kỹ năng ĐMST trong phát triển thị trường công nghệ, chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ... cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh; Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, chương trình, dự án liên quan đến ưu đãi cho doanh nghiệp KHCN, phát triển tổ chức trung gian của thị trường KHCN.
9. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) bước đầu được hình thành:
Các chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và ĐMST đã được ban hành và cụ thể hoá và tổ chức thực hiện tại các kế hoạch: kế hoạch 3563/KH-UBND về việc triển khai Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025, Kế hoạch 1722/KH-UBND về Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tỉnh Hà Nam đến năm 2025… các hoạt động này đã từng bước tạo lập môi trường thuận lợi, huy động hệ thống chính trị, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư thúc đẩy các hoạt động ĐMST trên địa bàn tỉnh. Tổ chức cuộc thi khởi nghiệp ĐMST tỉnh Hà Nam; các hoạt động tuyên truyền các chủ trương, chính sách về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp được triển khai thực hiện; tổ chức tập huấn về đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, bảo hộ thương hiệu, sở hữu trí tuệ, kiến thức về kinh doanh, chuyển giao khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất.
10. Đầu tư cho KH&CN
Chú trọng đầu tư cho khoa học và công nghệ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật của hệ thống các tổ chức khoa học và công nghệ, các tổ chức có hoạt động khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh đã được tăng cường, được đầu tư nâng cấp hiện đại hoá cả về quy mô và trình độ trang thiết bị khoa học và công nghệ; các phòng thí nghiệm đều được công nhận LAS VÀ VILAS như: Phòng thử nghiệm cơ-lý hóa vật liệu xây dựng (LAS-XD408) thuộc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học Công nghệ và Kiểm định, kiểm nghiệm tỉnh; Phòng thí nghiệm VILAS - 749 thuộc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh; Phòng thí nghiệm VILAS - 447 thuộc Trung tâm quan trắc phân tích tài nguyên và môi trường đạt tiêu chuẩn ISO 17025.
Các trung tâm thực hiện chức năng tiếp nhận và chuyển giao KH&CN: Trung tâm Khuyến nông, Khuyến công, các Công ty giống dịch vụ nông nghiệp, chăn nuôi thủy sản, Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm bò sữa… hàng nămđược đầu tư cơ sở vật chất và tài chính để các đơn vị này có đủ khả năng tiếp nhận và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất và đời sống.
Một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn cao nhằm nâng cao năng lực KHCN, như Phòng Thí nghiệm Công ty cổ phần xi măng Vicem Bút Sơn đạt chuẩn VILAS 554, Phòng Thí nghiệm của Trung tâm Thí nghiệm, Kiểm định chất lượng công trình thuộc Tập Đoàn tư vấn đầu tư xây dựng Hải Lý đạt LAS-XD916. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất KHCN còn quá ít so với số lượng doanh nghiệp trên địa bàn.
Tuy nhiên, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm định, kiểm nghiệm, hiệu chuẩn… phục vụ công tác quản lý nhà nước về Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hiện tại đã cũ, một số thiết bị lạc hậu, chưa đáp ứng hết được nhu cầu kiểm định, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
Về cơ bản, việc phân bổ và sử dụng ngân sách nhà nước chi cho sự nghiệp khoa học và công nghệ cơ bản đã đáp ứng được phần nào cho hoạt động KHCN của địa phương, tập trung vào ứng dụng tiến bộ KHCN thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của địa phương như: Phát triển nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao; phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh; hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ĐMST và phát triển tài sản trí tuệ; nâng cao chất lượng hoạt động quản lý nhà nước về KHCN.
Tuy nhiên, tỷ lệ chi ngân sách cho Khoa học và Công nghệ/tổng chi ngân sách qua các năm của tỉnh chưa cao, đặc biệt do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm 2019 và 2020 thì việc chi ngân sách cho KHCN giảm đáng kể.
Việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vẫn còn thấp so với bình quân chung của cả nước. Cơ sở vật chất, trang thiết bị cho nghiên cứu khoa học công nghệ, dịch vụ khoa học và công nghệ trong hệ thống các tổ chức khoa học và công nghệ của địa phương vẫn còn thiếu, lạc hậu, chưa được đầu tư đồng bộ và hiện đại do vậy việc đáp ứng các nhu cầu trong thực tế còn hạn chế.
11. Nguồn nhân lực KHCN và công tác nghiên cứu KHCN của tỉnh
Nhìn chung trong những năm qua về cơ bản số lượng, chất lượng của đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ và phù hợp với tình hình phát triển của địa phương. Tuy đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ của tỉnh đã tăng về số lượng nhưng chất lượng chưa cao, còn thiếu nhiều cán bộ đầu ngành có chất lượng cao; chuyên gia giỏi còn ít và thiếu so với yêu cầu.
12. Hợp tác về KH&CN và hội nhập quốc tế
Quan hệ hợp tác về KHCN giữa các Viện, Trường ở Trung ương với địa phương đã được tăng cường, tạo lập được mối quan hệ chặt chẽ, thường xuyên; tranh thủ hiệu quả sự đóng góp của các nhà khoa học và các tổ chức khoa học và công nghệ của Trung ương tham gia thực hiện các nhiệm vụ KHCN và phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Quan hệ hợp tác về KHCN bước đầu được tăng cường, tạo lập được mối quan hệ chặt chẽ, thường xuyên với các cơ quan KHCN, thu hút hiệu quả sự đóng góp của các nhà khoa học và các tổ chức KHCN của trung ương tham gia thực hiện các nhiệm vụ KHCN và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; phối hợp gắn kết giữa nhà khoa học, nhà quản lý, nhà sản xuất và nhà nông trong việc triển khai thực hiện các đề tài, dự án.
Trong những năm gần đây, hội nhập quốc tế về KH&CN là một hoạt động quan trọng và có ý nghĩa tích cực phát triển kinh tế xã hội. Tỉnh Hà Nam cũng đã có một số chương trình hợp tác cụ thể với đối tác nước ngoài như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc…. thông qua các hoạt động tiếp xúc đầu tư, thương mại, giao lưu văn hóa với mục tiêu giới thiệu các cơ chế, chính sách ưu đãi, các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của tỉnh Hà Nam, các dự án, cơ hội đầu tư, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh nói riêng, cả nước, đối tác nước ngoài nói chung quan tâm lựa chọn, quyết định đầu tư vào tỉnh Hà Nam nhất là trong 3 lĩnh vực chính là công nghiệp; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; và thương mại - dịch vụ - du lịch.
Bên cạnh đó, tỉnh Hà Nam cũng liên tục cử cán bộ tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế về KH&CN của Bộ KH&CN và các tỉnh trong cả nước./.