Làng nghề nón lá truyền thống An Khoái, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm đã được lưu truyền qua bao thế hệ; nghề làm nón đã giúp cho người dân nơi đây có thêm thu nhập lúc nông nhàn để phát triển kinh tế gia đình. Cùng với đó còn lưu giữ những giá trị văn hoá vật chất và tinh thần cho người dân địa phương.
Được tiếp cận, học nghề từ những ngày còn rất nhỏ, nay bà Trần Thị Tình đã ngoài 70 tuổi,với thâm niên gần 70 năm trong nghề, kinh nghiệm cùng với sự khéo léo của bà đã được khách hàng tin tưởng đặt nón cưới, nón tặng. Bà bồi hồi nhớ lại những ngày đầu học nghề, bà Tình nói: “ngày bố tôi còn trẻ, ông đi xin nghề ở trong Thanh Hóa. Ban đầu gia đình làm, sau đó mọi người trong làng đến xem, rồi cũng tập làm, người này loan truyền cho người kia học hỏi cùng làm, học từ cách làm vanh, cách khâu."
Còn với bà Đào Thị Nên; tuy đã hết tuổi lao động, song với tay nghề khâu nón của mình, mỗi ngày tranh thủ làm nón, tiêu pha tiết kiệmcũng đủ tiền rau dưa trong gia đình. Theo bà, một chiếc nón đẹp, ngoài nguyên vật liệu tốt, thì cần sự khéo tay của người khâu, những mũi kim khâu phải đều, nhỏ, viền, vành nón tròn. Bà Nên vui vẻ chia sẻ:“ khâu nón là nghề truyền thống từ trước đến nay,làm nón là công việc nông nhàn cho tất cả các chị em trong thôn, nói chung nghề này rất kinh tế,vừa tranh thủ làm việc nhà, việc đồngvà vẫn tranh thủ khâu nón được. Chúng tôi mong muốn làm sao để cho nâng cao cái nghề này lên, giữ gìn lấy nghề truyền thống để cho con cho cháu sau này nó nối tiếp, giữ lấy truyền thống nón lá để phục vụ mọi người"
Bà Nên cho biết: mỗi ngày mỗi người chỉ làm được một cái nón, người trẻ hơn tinh mắt làm loại nón đẹp ngày công sẽ cao hơn. Hiện nón loại 1 đẹp nhất bán được trên 100 nghìn đồng/chiếc, loại 2, 3 khoảng từ 40-70 nghìn đồng/chiếc. Khác với nhiều nghề phụ khác, nghề nón lá có thể tận dụng được lực lượng đã quá tuổi lao động, từ đàn ông đàn bà, hay các cháu nhỏ; không chỉ làm những ngày rỗi dài, mà trông cháu hay tới mùa vụ đều có thể tranh thủ làm hàng được.
Ông Nguyễn Văn Thái – trưởng thôn Khoái cho biết, trong làng hiện có 2 người chuyên cung cấp nguyên vật liệu làm nón, từ khuôn, lá nón, mo nang, vòng cạp nón, vanh, cước, kim, len màu… ông Thái cho biết thêm:“ Nón lá của An Khoái là nghề truyền thống từ trước đến nay. Trong thôn hiện có 203 hộ dân thì trong đó những hộ dân làm nón là trên 100 hộ. Những ông bà làm nón lá, đa số là những người trung trung tuổi, nghề này có ưu điểm là ai cũng có thể làm được từ trẻ nhỏ đến các cụ già. Nghề làm nón đã góp phần tăng thu nhập lúc nông nhàn cho người dân địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao"
Qua tìm hiểu được biết, các đại lý mua lá nón xanh về phơi chín, lá nón chuyển sang màu trắng, sau đó đem hun diêm sinh để lá trắng thêm và chống mốc. Các gia đình mua lá nón đã được hun diêm sinh về bóc, dùng lưỡi cày là cho lá phẳng. Khi các nguyên vật liệu đã được chuẩn bị xong, để thành hình một chiếc nón bước đầu tiên là quấn vanh, tạo vanh trên khuôn, sau đó dán lá, khâu, và cuối cùng là cườm (viền vành nón). Tuy ngày công thu nhập thấp nhưng nhờ chăm chỉ và cần mẫn, số lượng nón cung cấp ra thị trường mỗi năm của người dân nơi đây cũng đáng kể, và mang lại một nguồn thu nhất định, giúp các gia đình ngày càng ổn định về kinh tế, mua sắm các vật dụng có giá trị trong gia đình, xây sửa nhà cửa khang trang hơn, có điều kiện nuôi con cái ăn học; và làm nón để gìn giữ làng nghề của cha ông, đã có từ bao đời nay.Một dấu hiệu đáng mừng đánh dấu sự phát triển của làng nghề nón lá đó là UBND huyện đã thành lập hội sản xuất và kinh doanh nón lá An khoái - Văn Quántheo quyết định số 728, ngày 21/04/2023. Việc thành lập hội giúp nâng cao giá trị chất lượng thương hiệu, tăng cường lợi ích, bảo vệ và hỗ trợ hội viên trong quá trình phát triển. Hội còn tham gia các hoạt động hội chợ, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Từ đó tạo thêm việc làm, thúc đẩy sự phát triển kinh tế hộ gia đình, cải thiện đời sống; góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao ở địa phương./.