Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Lụa Nha Xá – Hà Nam: Nội lực mạnh mẽ của một làng nghề truyền thống

Làng nghề Hà Nam Lụa nha xá  
Lụa Nha Xá – Hà Nam: Nội lực mạnh mẽ của một làng nghề truyền thống

VNHN Nép mình bên những cánh đồng xanh mướt ven bờ sông Hồng, làng lụa Nha Xá (xã Mộc Nam – huyện Duy Tiên – tỉnh Hà Nam) gây ấn tượng với du khách gần xa bằng tiếng máy dệt lách cách đều đặn ngày đêm. Làng nghề với hơn 90% hộ dân làm nghề dệt lụa, có 2 nghệ nhân, 30 thợ giỏi, hơn 370 máy dệt các loại, sản lượng tiêu thụ lụa, đũi, lanh hàng tháng đạt từ 50 đến 80 nghìn mét… những con số đó phần nào cho thấy nội lực mạnh mẽ của một làng nghề truyền thống.

anh1.jpg


Chúng tôi về thăm làng lụa Nha Xá giữa những ngày tháng 5 đầy nắng, nhìn từ xa tán phượng bao phủ mái nhà Trung tâm giới thiệu sản phẩm của Hợp tác xã (HTX) du lịch sinh thái dệt lụa Hồng Tiến đã bắt đầu tô đỏ một góc trời. Đón phóng viên của tạp chí Việt Nam hội nhập bằng nụ cười rạng rỡ, Anh Nguyễn Tiến Quảng phấn khởi cho biết: “Kể từ khi mở cửa du lịch, Lụa Nha Xá lúc nào cũng cháy hàng em ạ".


2.jpg

Trung tâm giới thiệu sản phẩm lụa Nha Xá của Hợp tác xã du lịch sinh thái dệt lụa Hồng Tiến.

Qủa thật, đó là niềm vui lớn đối với những con người đang tiếp nối truyền thống một làng nghề đã có bề dày hơn 700 năm, từng trải qua không ít thăng trầm, sóng gió, nhất là sau khi cơn bão Covid – 19 quét qua với bao khó khăn, ảnh hưởng vô cùng nặng nề. Nhưng trong chính những thử thách lại luôn ẩn chứa các cơ hội, và những người dân năng động, chịu thương chịu khó nơi quê hương Mộc Nam đã tìm mọi cách để giúp sản phẩm của mình khởi sắc, bứt phá ngoạn mục trên thị trường. Tận dụng sự phát triển của thương mại điện tử trong thời đại công nghệ 4.0, thông qua những trang web, trang mạng xã hội giới thiệu sản phẩm đầy sống động, những buổi livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội… lụa Nha Xá đã vượt lên trong đại dịch, chiếm lĩnh được thị trường trong nước và quốc tế. Làng lụa “Á hậu" của Việt Nam tự hào sở hữu năng lực sản xuất lụa tơ tằm lớn trong cả nước, là nguồn cung cho nhiều địa phương khác như Hội An, Đà Nẵng, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Sapa, Đà Lạt...

3.jpg

Người dân Nha Xá sử dụng mạng xã hội đưa sản phẩm truyền thống quê hương phủ sóng mọi miền.

Giữa những làng lụa nổi tiếng khác trên cả nước, lụa Nha Xá vẫn có 1 chỗ đứng riêng nhờ sự kỳ công, tỉ mỉ của những người thợ dệt. Được làm từ sợi tơ tằm tự nhiên, trải qua đầy đủ các quá trình như quay tơ, dệt máy, tẩy chuội, nhuộm màu rồi cán khô… nên các sản phẩm nơi đây có chất vải mềm mịn, mỏng nhẹ, ít phai màu, khi mặc cho cảm giác thoải mái, mát, ít nhăn và không bị bết dính, mát về mùa hè và ấm về mùa đông. Đặc biệt, để xây dựng thương hiệu dệt Nha Xá bền vững, làng nghề đã chú trọng gắn phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường. Trong định hướng đẩy mạnh quảng bá sản phẩm làng nghề, các nghệ nhân luôn hướng đến việc chuyển dần các túi, hộp bằng nilon sang chất liệu tre, giấy... thân thiện với môi trường.

4.jpg

Lụa Nha Xá hướng đến mục tiêu thân thiện với môi trường

Trong quá trình trao đổi với Anh Nguyễn Hồng Tiến – Giám đốc HTX Du lịch sinh thái dệt lụa Hồng Tiến và Anh Nguyễn Tiến Quảng – Phó giám đốc HTX, chúng tôi cảm nhận rõ nhịp đập đầy nhiệt huyết của những trái tim yêu nghề và mong muốn bảo tồn, phát huy những tinh hoa của làng nghề cho thế hệ sau. Bên cạnh niềm vui khi sản phẩm do chính bàn tay mình làm ra ngày càng được ưa chuộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định, người dân Mộc Nam nói chung mà đặc biệt là những thành viên của HTX dệt lụa Hồng Tiến nói riêng vẫn còn nhiều trăn trở. Quả thực, thương hiệu lụa Nha Xá với những sản phẩm lụa tơ tằm chất lượng cao, mẫu mã, màu sắc và hoa văn vô cùng phong phú, độc đáo vẫn chưa phát triển xứng tầm với nội lực mà làng nghề đang sở hữu. Chính vì vậy những người đứng đầu HTX Hồng Tiến rất mong mỏi được đầu tư xây dựng “Chợ lụa" - nơi mỗi hộ gia đình đang theo nghề dệt lụa truyền thống có thể trưng bày sản phẩm của mình tại các gian hàng… đồng thời có những khu trải nghiệm riêng cho khách tham quan, qua đó tạo không khí đặc trưng của làng nghề giúp du khách có thể dễ dàng cảm nhận, hòa vào không gian làng nghề hàng trăm năm tuổi, đưa thương hiệu lụa Nha Xá bay cao, bay xa hơn nữa.

5.jpg

Lụa Nha Xá được dệt từ sự kỳ công, tỉ mỉ của những ngư​ời thợ dệt

“Để phát triển bền vững theo quy mô làng nghề, vấn đề môi trường, xử lý nước thải là rất quan trọng. Dù đã có hộ sản xuất mạnh tay chi hàng trăm triệu đồng để xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng người dân nơi đây vẫn luôn mơ ước có một nhà máy xử lý nước thải quy mô, hiện đại sẽ được đầu tư hoạt động, để môi trường cảnh quan luôn xanh – sạch – đẹp. Để làm được điều này, rất cần sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn và sự kết nối của các doanh nghiệp" – Anh Nguyễn Tiến Quảng – Phó giám đốc HTX Du lịch sinh thái dệt lụa Hồng Tiến chia sẻ.

6.jpg

Hệ thống xử lý nước thải trị giá 650 triệu đồng của một thành viên HTX tự đầu tư, tuy nhiên vẫn còn dừng lại ở mức cơ bản.

Mong rằng những tâm tư, trăn trở và mong ước chính đáng của những người thợ dệt Nha Xá sẽ sớm được tháo gỡ, để làng nghề tiếp tục phát huy nội lực sẵn có, đưa tấm lụa truyền thống kết nối đến một tương lai thịnh vượng.

Hoài Thanh

Nguồn: https://vietnamhoinhap.vn/vi/lua-nha-xa--ha-nam-noi-luc-manh-me-cua-mot-lang-nghe-truyen-thong-37905.htm


https://vietnamhoinhap.vn
Tin liên quan  
Lụa Nha Xá (28/04/2023)